Ngày tôi còn học trường Luật, tôi nhớ bọn bạn tôi kháo nhau về một “Chiến dịch” đã xảy ra có tầm quy mô rất lớn của thành phố: đó là vào năm 2001 – 2005, Tp. HCM mở chiến dịch ngầm mang tên “3 sạch: sạch ma túy, sạch mại dâm và sạch người lang thang”. Nghĩa là lực lượng chuyên trách, đặc nhiệm của chiến dịch được quyền tóm bất cứ ai nếu họ thấy khả nghi, bắt ngay lập tức ở bất kể chỗ nào và nhốt vào khu tập trung rồi làm xét nghiệm test nhanh. Nếu thấy có dấu hiệu dính tới ma túy, họ lập tức lập hồ sơ đưa về các trại cai nghiện. Các trại lúc ấy mới thành lập nên cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn, và thiếu cả lực lượng chuyên trách được đào tạo bài bản cho việc quản lý học viên cai nghiện. Chính vì vậy mới có chuyện người ta dán thông báo ở trường luật để tuyển dụng sinh viên mới ra trường gia nhập Thanh niên xung phong, tình nguyện đến các trại cai nghiện làm quản giáo!…
Chiến dịch lúc ấy diễn ra rất mạnh mẽ nhưng hầu như ít ai biết. Số lượng “con nghiện” bị bắt lên đến 32 ngàn người và chắc chắn cũng không ít trường hợp bị bắt “oan sai”. Người nghiện bị bắt đột ngột và được đưa về ngay các trại cai nghiện, bị tước đoạt gần hết các quyền cơ bản, không khác gì đi tù mà gia đình không hề hay biết. Sau khi nhập trại một thời gian thì chính quyền mới báo tin về địa phương, địa phương báo gia đình và mới cho phép được thăm nuôi…
Trong thời gian làm quản giáo, tôi thân thiết với khá nhiều học viên nam vì lúc đó trường chưa tách riêng được khu nam và khu nữ. Có thể nói rằng, mặc dù họ là con nghiện, là dân giang hồ đúng nghĩa nhưng hầu hết ai cũng rất đàng hoàng, rất “lễ phép” với quản giáo, xưng “Con – Cô” với tôi và không ngại ngần chia sẻ cho tôi biết những gì đã xảy ra trong cuộc đời họ và đặc biệt, là những gì đã xảy ra khi họ “Nhập trại”… Đó là những điều nếu không ai nói ra thì sẽ chẳng ai biết…
“Nhập trại” là việc tất cả con nghiện là nam được “chào đón” vào trại bằng “Cặc ngựa”!. Đây là công cụ hỗ trợ thông dụng dành cho mọi lực lượng chấp pháp, được làm bằng vật liệu cao su rất cứng…
Luật nhập trại không phân biệt ai có số má hay không số má, từng tù ít hay tù nhiều, già hay trẻ, cứ nhập trại là bị xơi “Cặc ngựa”, ít thì vài gậy, nhiều thì có khi đến vài chục gậy tùy thuộc vào khuôn mặt, lý lịch, thái độ của kẻ nhập trại!.
“Cặc ngựa” được vút thẳng vào mông hoặc vào những phần mềm trên cơ thể để tránh gẫy xương, tránh để lại dấu tích hay nguy hiểm đến tính mạng. Tưởng thế là bớt đau nhưng không phải, dính đòn “Cặc ngựa” người nghiện đau buốt đến tận xương tủy và nhớ mãi cho đến lúc chết!
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp rất “đặc biệt” mà con nghiện tránh được “luật nhập trại”. Đó là những cá nhân có mối quan hệ lớn, được gửi gắm, được chi bằng nhiều tiền hay là những “Đại ca giang hồ” có tiếng tăm lừng lẫy và đàn em nhung nhúc bên ngoài. Nếu cán bộ quản giáo mà làm càn dại dột với các trường hợp này, không sớm thì muộn cũng bị trả thù bằng nhiều cách…
Không biết tự lúc nào mà trong khu trại phân chia “đẳng cấp” rất rõ rệt, một xã hội đen được thu nhỏ ngay trong lán trại. “Đại bàng” là cái tên mà “ai cũng biết là ai đấy” được truyền rỉ tai nhau cho những kẻ mới đến phải biết điều và biết tuân phục bằng tiền hay bằng thái độ!…
Ngày tôi mới “nhập trại”, đứa bạn đồng môn trường luật đã ở đó trước tôi cứ dặn đi dặn lại là tôi phải cẩn thận, phải quan sát thật kỹ, tìm hiểu con “Đại bàng mẹ” trong sam tôi là ai (Sam = một đội, khoảng 50 học viên/Sam). Phải nắm được con đại bàng đó thì xem như thành công, quản lý cả bầy còn lại dễ ợt. Còn nếu không, tôi sẽ phải đau đầu và mệt mỏi…
Suốt thời gian đầu tôi cố gắng quan sát, lân la trò chuyện hết người này người kia để tìm hiểu Đại bàng cái là ai nhưng đành chịu. Đã có một luật ngầm, luật bất thành văn được giao kết trong Sam. Kẻ nào dám bán đứng đại ca với cán bộ quản giáo thì đời kẻ đó xem như xong!…
Học viên cai nghiện sợ quản giáo là chuyện đương nhiên, nhưng nỗi sợ đó không thấm vào đâu với nỗi sợ các đàn anh, đàn chị có số má trong trại. Những học viên “nghèo, mồ côi”, không có trợ cấp tiền bạc, thăm nuôi từ gia đình thì cung phụng Đại Bàng như tôi tớ. Nghĩa là sai đâu đánh đó, chỉ cần một cái liếc mắt, hất nhẹ cằm là hiểu ý đại ca muốn gì, cứ thế mà thực hiện. Còn các học viên nhà giàu, được chu cấp rủng rỉnh tiền bạc từ gia đình thì lấy tiền nộp thế thân, bảo vệ cái mạng để đỡ bị bắt nạt, bắt chẹt…
Sam này cách Sam kia chỉ có vài bước chân nhưng được phân chia lộ giới, quyền lực một cách rõ rệt. Đứng đầu mỗi Sam là 1 đại bàng lớn, thêm vài tay chân thân tín luôn kè kè bên cạnh quản lý đám đàn em gần 50 người. Do sự quản lý rất chặt nên các Sam dường như chung sống hòa bình bên cạnh nhau nhưng không phải là không có sóng ngầm…
Ở trại nơi tôi quản lý, đã xảy ra một trận ẩu đả giữa Sam này với Sam kia, lớn tới mức mà Ban quản lý trại phải huy động lực lượng với súng ống đạn dược để dẹp ẩu đả và ngăn ngừa bạo loạn… Chuyện khởi đầu chẳng có gì, chỉ là xích mích ghen tuông giữa 2 học viên của 2 Sam kề nhau, rồi tranh cãi, thách thức qua lại và 2 Đại bàng mẹ đã ra lệnh cho quân xáp vào nhau thành một trận ẩu đả lớn. Sau khi trường dẹp loạn, mãi vẫn không thể truy tội được 2 Đại bàng mẹ vì “bầy con” cương quyết đến chết cũng không hé răng rằng ai đã chỉ đạo, đứng đầu cuộc “chiến tranh” này…
Tôi có một kỷ niệm buồn về nạn “Đại Bàng” trong Sam tôi quản lý…Ký ức đó đã theo tôi mãi đến tận bây giờ, khiến tôi ám ảnh và không thể quên đi “hình ảnh khủng khiếp đó”. Mời bạn đón đọc tập tiếp theo để hiểu chuyện gì đã xảy ra…