TRẠI CAI NGHIỆN (6): HÌNH XĂM

Bạch Cúc

Trại cai nghiện nơi tôi đến làm quản giáo mới chỉ thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn lắm. Khi “nhập trại”, tôi được đưa thẳng về đội để quản lý 1 sam, không được trải qua bất kỳ buổi tập huấn nào, may mắn tôi có 2 đứa bạn học chung trường luật đã làm ở đây trước nên biết hướng dẫn tôi một số điều cần thiết…

Nội quy ở trại mỗi sáng quản giáo phải họp giao ban với học viên. Tôi hỏi họp giao ban phải nói gì thì đứa bạn cười bảo muốn nói gì thì nói… Vừa tốt nghiệp ĐH, vốn sống thì trắng trơn nên tôi chẳng biết nói gì. May mắn là tôi mang theo rất nhiều sách giáo dục về tâm hồn, thế nên tôi cứ lựa những câu chuyện thật cảm động nói về gia đình, về tình yêu cuộc sống, khát vọng và nỗ lực vươn lên để đọc cho học viên nghe. Con người tôi vốn tình cảm và biết dẫn truyện bằng giọng đọc da diết nên lần nào tôi đọc xong 1 câu chuyện thì cũng có vài học viên khóc thút thít, còn đa số đều nín lặng và rưng rưng. Tôi đã khơi gợi được thứ sâu thẳm nhất bên trong con người họ, họ dù gai góc, xù xì, vào tù ra tội, xì ke, đĩ điếm bao nhiêu năm thì thẳm sâu bên trong họ vẫn đầy đủ tố chất thiện lương của một con người. Những cô gái ấy ai chẳng có 1 gia đình, 1 tình yêu đẹp trước khi sa chân vào giông tố. Tôi đã khơi dậy trong họ khát vọng sống, khát vọng hoàn lương để trở về… Nhưng càng ở lâu thì tôi càng hiểu, niềm hy vọng tôi thắp cho họ le lói quá. Cuộc sống “đù đày” ở trại là một cuộc sống địa ngục, họ bị tước bỏ hoàn toàn tất cả quyền cơ bản của một con người, bị kềm kẹp, đói ăn đến khốn khổ nên “Đám người nghiện” không ai còn ý chí để muốn sống tiếp nữa. Hầu hết tất cả đều tuyệt vọng, đều khao khát một là chết, hai là “vượt ngục”…

Và đã có rất nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra tại các trại cai nghiện. Đó cũng là lý do tại sao người ta giám sát rất chặt và không cho lọt bất cứ vật dụng gì có thể gây sát thương hoặc dẫn đến chết người trong trại. Tất cả bàn chải cũng bị bẻ cán gần sát, tăm xỉa răng được thu lại ngay sau khi ăn xong, không để lọt bất kỳ sợi dây nào để tránh việc học viên thắt cổ tự tử…Ấy vậy mà vẫn có học viên lén giấu được cây tăm nhọn, rồi ra sức rạch nát tay mình lúc nửa đêm, hoặc xé khăn tắm nối lại thành sợi dây đủ để xiết cổ…

Trại có 1 khoảng sân rất rộng ở chính giữa là chỗ tập trung cho học viên tập thể dục, phơi nắng sáng và triệu tập toàn khu. Ngày mới đến, tôi bàng hoàng và lạ lẫm nhìn hàng trăm bức vẽ đủ màu sắc trên lưng, tay, chân của học viên nam ngồi phơi nắng. Nắng lấp lóa chiếu trên các hình xăm tạo nên những bức tranh rực rỡ như bảy sắc cầu vồng. Tôi cứ ngơ ngẩn nhìn ngắm họ và để tâm trí lạc bước chơi vơi… Từ ngày vào trại tôi mới biết hình xăm là gì, đó là lần đầu tiên tôi được nhìn những tác phẩm tranh vẽ nghệ thuật khắc họa trên da thịt, được sắp đặt có chủ ý. Mỗi bức tranh đều gợi tả một ẩn ý, là một thông điệp, một câu chuyện rất đời trong cuộc sống của mỗi người. Khi ở lâu và giao tiếp với họ, tôi mới hiểu rằng: xăm hình được xem như là nghi lễ để gia nhập băng đảng. Khi bước chân vào thế giới ngầm, việc lựa chọn hình để khắc ghi trên cơ thể phải mang đúng ý nghĩa các hình xăm trong giới giang hồ quy định. Tôi đã ngơ ngẩn ngắm nhìn những con Đại bàng đang tung cánh, con Hổ, con Rồng đủ tư thế như độc long, song long… Chỉ riêng có những hình xăm bằng chữ Tàu thì tôi không thể biết nghĩa, cho đến khi tôi thân thiết với một học viên khá lớn tuổi, người này có độ trầm tĩnh và 1 khí chất khá kỳ lạ, vô cùng cuốn hút thì tôi hiểu ra:

Trên vai anh ta khắc một chữ “Nhẫn” to tướng. Anh giải thích cho tôi, chữ “Nhẫn” anh xăm là “Nhẫn trong bộ Đao dưới là bộ Tâm”, với ẩn ý: tham vọng, nguy hiểm đều giấu ở trong lòng – “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” với thâm ý – việc nhỏ mà không nhịn, việc lớn ắt hỏng -, lùi một bước để tiến ba bước. Kẻ mang chữ “Nhẫn” trên vai là những kẻ vị thế giang hồ đã được khẳng định, đi tới đâu đám giang hồ vặt chỉ cần nhìn thấy cũng biết đường mà tránh xa không dám mạo phạm.

Và anh chỉ tiếp vào người thứ 2, tấm lưng người này xăm hình con Rồng đang bay lượn và nói rằng: từ xa xưa Rồng đã được coi là biểu tượng của Đế vương. Rồng là loài có sức mạnh, dáng thế uy dũng, sống được cả dưới nước, mặt đất hay trên trời, lúc thường có thể vờn mây, bay nhanh như gió, khi nổi giận khạc nước, phun mưa trấn áp đối phương… 

Rồi anh chỉ một người khác cũng tầm tuổi anh, người này khắc trên lưng một con Đại bàng với cái mỏ và bộ móng vuốt nhọn hoắc đang tung cánh. Anh nói: nếu xếp vai vế theo hình xăm thì những người sở hữu hình Đại bàng được xếp vào hàng anh cả. Như một quy định bất thành văn, kẻ nào không được xếp vào hàng anh chị thì tuyệt đối không dám nghĩ đến việc xăm hình Rồng, Đại bàng. Và nếu Đại bàng, Rồng là con vật thể hiện chí khí, uy phong thì Hổ là biểu thị sức mạnh, sự liều lĩnh, xả thân. Nó là biểu tượng của đẳng cấp chiến binh…

Anh nói thêm: Có 1 loại hình xăm đặc biệt, nó là huyền thoại ít ai biết tới, chỉ có những đại ca có số má mới có điều kiện và dám xăm…Loại hình xăm này ẩn chìm dưới da, người đối diện sẽ không thể nhận biết được, chỉ khi nào sử dụng bia rượu, tắm nắng, tắm biển thì hình xăm mới nổi lên. Hình xăm này được săm bằng sữa con so (sữa của người mẹ với đứa con đầu lòng). Dụng cụ xăm không phải là kim mà là xương bồ câu được phơi khô, tiệt trùng và được vót nhọn rồi mới xăm…

Tôi há hốc mồm kinh ngạc vì cách nay 20 năm, những kiến thức này hoàn toàn mới lạ, nó ghi một dấu ấn đặc biệt trong tâm hồn non nớt của tôi. Và cho đến giờ phút này, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh bầy “Tiên nữ” trong Sam mình trần chuồng khi tắm và đẹp man dại với những hình xăm phô bày trên cơ thể…:

Luật trại quy định khi học viên tắm thì quản giáo bắt buộc phải canh chừng, vì đã có trường hợp “thanh toán” nhau bằng cách dí đầu kẻ “có tội” vào bể nước cho đến khi xuýt bị chết ngạt. Phòng tắm là phòng lớn tập thể, có 1 cái bể chứa đầy nước, có ca múc để học viên cùng tắm hàng loạt. Vô hình chung, ngày nào tôi cũng được nhìn ngắm mấy chục thân thể đàn bà lõa lồ với những hình xăm khắp nơi đẹp không thể tả. Có người xăm hình cánh bướm bay lượn, người xăm bông hồng đen, con rắn… và cả những dòng chữ mang dấu ấn của “ký ức”. Hình xăm trong giới giang hồ nữ cũng mang ý nghĩa như giới giang hồ nam, ngoài mục đích là thông điệp, dấu ấn cá nhân, còn là “đẳng cấp” được đàn em và những người trong giới công nhận…Tôi đã ngẩn ngơ nhìn 1 hình xăm rất lạ, đó là một đàn chuột ngậm đuôi nhau, khắc từ chân lên đến vùng kín – “chuột bò vào hang”. Tôi thắc mắc hỏi “Em”, người có hình xăm lạ lùng đó thì em cười vang thật ròn rã rồi tếu táo nói với tôi: trời sinh ra đàn ông để làm gì? Thằng nào thì cũng chui rúc vào “hang” của đàn bà thôi, chui vào rồi lại chui ra, khác gì chuột 

Và như thế, những hình xăm đã chấp chới bay vào hồn tôi, chúng đậu ở đó đã nhiều năm, chưa bao giờ phai nhạt đi và lâu lâu lại chòi đạp, ẩn hiện trong những giấc mơ của tôi…Giấc mơ về một vùng trời xưa cũ, nơi có rừng cà phê xanh ngát trải dài tít tắp, có con suối đỏ quạch khi mùa mưa về, có những bức tranh đủ sắc màu trải lên lưng những phận người và những cuộc đời… bị tước đoạt, bị đánh cắp!…

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: