Ngày 12-11-2020 (GMT +7)
Toàn cầu hóa đã giúp mọi người di chuyển và tìm việc trên khắp thế giới dễ dàng hơn, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em lớn lên trong các cộng đồng thiểu số ở các quốc gia, dù là con của người nhập cư hoặc người nước ngoài, hoặc là trẻ em hai chủng tộc. Chính điều này khiến cuộc sống của thiếu niên trở nên phức tạp hơn trẻ bình thường.

Dấu kín danh tính
Tracy Phan, 20 tuổi, theo gia đình từ Việt Nam sang Mỹ từ năm sáu tuổi. Ở tiểu bang Tennessee, có rất ít người Việt, ở trường không dạy tiếng Việt, em không biết viết tiếng mẹ đẻ, còn nói thì chỉ vài câu ngắn ngắn, đơn giản, vì trong gia đình mọi người đều nói tiếng Anh. Ở trường, nhìn gương mặt “da vàng, mũi tẹt” của Tracy, nhiều người hỏi: “Em không sinh ra ở đây, đúng không? Nhưng em nói tiếng Anh giỏi lắm! Em từ đâu đến?”. Trong một lần được mẹ cho về quê hương miền Trung Việt Nam, Tracy ngượng nghịu, ú ớ khi các hàng xóm của bà ngoại hỏi: “Đứa chi là đứa mô? Bay là ai mà nói không rành một câu tiếng Việt?”.
Vì tính chất công việc của người cha, gia đình Tracy phải chuyển sang Canada trong một vài năm, ở vùng Quebec, nói hai thứ tiếng Anh và Pháp. Dù được ba mẹ giải thích, nhiều lần Tracy vẫn tự hỏi “Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Vì sao tôi sinh ra ở một nơi khác, mà lại sống ở một nơi khác”. Tracy tâm sự: “Em thấy cuộc sống này sao phức tạp quá! Thật là khó trả lời với những câu hỏi như: Bạn đến từ đâu? Nhà bạn ở đâu? Em gặp khó khăn trong việc kết bạn mới ở trường mới, và rất nhớ những người bạn của em ở Tennessee”.
Anisha Abraham, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và bác sĩ nhi khoa chuyên về sức khỏe thanh thiếu niên, tác giả cuốn sách Raising Global Teens: A Practical Handbook For Parenting in the 21st Century (Sổ tay thực hành dành cho các bậc phụ huynh trong thế kỷ 21) vừa được xuất bản vào tháng 10-2020, đề cập một số vấn đề chính mà trẻ em đa văn hóa, như Tracy, phải đối mặt. Những đứa trẻ đa văn hóa là những đứa trẻ sống hoặc tiếp xúc với hai hoặc nhiều môi trường văn hóa. Abraham, 51 tuổi, nói: “Khái niệm này không chỉ tập trung vào tính di chuyển và vị trí khác nhau, mà còn dựa vào môi trường văn hóa, nơi có thể ảnh hưởng đến trẻ em hoặc thanh thiếu niên”. Gia đình, cộng đồng và quốc gia là những yếu tố ổn định đối với thanh thiếu niên, đóng vai trò như những “tấm gương” để các em hình thành nên hình ảnh mình là ai và thuộc về nơi nào. Đối với thanh thiếu niên đa văn hóa, những “chiếc mỏ neo” này không ổn định để các em có thể định hình.
“Tôi cảm thấy những năm tháng tuổi vị thành niên của mình thật khó khăn, vì xung quanh tôi không có nhiều người trông giống như gia đình tôi,” Abraham nói với SCMP. “Tôi cũng nhớ lại những lần về thăm Ấn Độ, nơi có rất nhiều người giống tôi, nhưng vì khả năng nghe kém tiếng Malayalam – tiếng mẹ đẻ của cha mẹ tôi (giống như Tracy), nên ai cũng nói “Bạn chắc chắn không phải là người Ấn Độ”. Nhưng ở Wilmington, tiểu bang Delaware, nơi cô sinh sống, Abraham lại được nhiều người nhận ra gốc gác, khi họ nhìn gương mặt của cô và “phán” chắc như bắp: “Bạn đến từ Ấn Độ, ắt hẳn là thế!”. Abraham nói: “Nhiều thanh thiếu niên mà tôi làm việc cùng, nói rằng họ chưa bao giờ trò chuyện với cha mẹ, người cố vấn hoặc thầy cô về danh tính của họ”.

Đa văn hóa – món quà tuyệt vời!
Một cuộc khảo sát mà Abraham thực hiện vào năm ngoái với 361 thanh thiếu niên và các bậc cha mẹ chủ yếu sống ở Hong Kong, Hà Lan và Anh, cho thấy 45% thanh thiếu niên và 70% các bậc cha mẹ chưa bao giờ thảo luận về ý nghĩa của việc trở thành một đứa trẻ đa văn hóa. Abraham nói: “Tiếp xúc thông qua phong tục gia đình, du lịch và ngôn ngữ là những công cụ tuyệt vời để trẻ em đa văn hóa tạo ra bản sắc cá nhân, duy trì di sản, điều hướng văn hóa và kết nối với cộng đồng của các em”.
Ming Chen, người Mỹ gốc Hoa, sống ở Hong Kong với chồng là người Hà Lan trong hơn 20 năm. Ba đứa con của Chen đều theo học tại một trường học ở Hong Kong trong những năm tiểu học, trước khi chuyển đến trường quốc tế. Cô con gái 17 tuổi – Emma de Jong, hiện học tại Trường Quốc tế Thụy Sĩ-Đức ở Hong Kong – là một thiếu niên đa chủng tộc điển hình. “Với mẹ là người Mỹ gốc Hoa và bố là người Hà Lan, tôi đã tiếp xúc với ba nền văn hóa từ khi còn nhỏ và cảm thấy bối rối về danh tính của mình” – Emma nói. Emma thông thạo tiếng Quan Thoại cũng như tiếng Hà Lan và tiếng Anh. “Ở Hà Lan, em thấy mình là người Mỹ. Ở Mỹ, em thấy mình là người Trung Quốc nhiều hơn, còn ở Hong Kong, em luôn cảm giác mình là người Hà Lan. Qua thời gian, em nhận ra rằng, em là sự kết hợp của ba nền văn hóa, và ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng”.

Deepti Gupta Pelletier, 46 tuổi, gốc Ấn Độ, hiện sống ở Hong Kong với người chồng Pháp và cô con gái 15 tuổi Alissa – một cô bé thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và hiểu tiếng Hindi. Pelletier nói: “Chúng tôi cố gắng mang đến cho Alissa những gì tốt nhất của cả hai nền văn hóa. Chúng tôi kỷ niệm các lễ hội lớn của Ấn Độ như Holi, Diwali và Durga Puja với cộng đồng người Ấn Độ ở đây, cũng như các lễ hội của Pháp như Lễ Phục sinh, Ngày của Mẹ và Ngày của Cha”. Emma và Alissa là những đứa trẻ may mắn. Thực tế, nhiều thanh thiếu niên đa văn hóa di chuyển qua các quốc gia khác nhau, phải trải qua nỗi đau buồn. Các em không được ở một quốc gia ổn định, nhớ trường học, bạn bè… Ở tuổi thiếu niên, nhiều em có biểu hiện bất hợp tác với cha mẹ, từ chối di chuyển, giận dữ, hoặc nổi loạn.
Rosanna Herrera, 36 tuổi, cố vấn người Mỹ tại Hong Kong International cho biết: “Sự thay đổi về môi trường có thể làm các em rơi vào cảm giác bị cô lập, và nếu không được giám sát, có thể dẫn đến các hành vi, các vấn đề về cảm xúc không tốt sau này trong cuộc sống.” Aspen van der Hoeven, 16 tuổi, có cha là người Hà Lan và mẹ là người Mỹ, đã phải “đấu tranh” với danh tính của mình trong nhiều năm khi học tại một trường địa phương ở Amsterdam. “Em cảm thấy mình như một kẻ kỳ quặc, như thể em không thuộc về nơi này” – Aspen nói. “Chỉ khi em chuyển đến một trường quốc tế và gặp các bạn khác có cùng hoàn cảnh, em mới cảm thấy mình được thấu hiểu, có thể kết bạn tốt và cuối cùng cảm thấy như ở nhà”.
“Có sự khác biệt giữa “phù hợp” và “thuộc về” – Herrera nói thêm. “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những đứa trẻ cảm thấy chúng thuộc về và được các bạn đồng trang lứa chấp nhận theo cách của chúng. Cho trẻ tự do thể hiện bản thân là điều quan trọng, cho dù đó là nói chuyện với cố vấn học đường, hoặc đối thoại với cha mẹ hoặc một người lớn đáng tin cậy khác. Trẻ sẽ chia sẻ nhiều hơn khi chúng cảm thấy chúng được lắng nghe mà không bị đánh giá và có một không gian an toàn để thể hiện bản thân”. Nền tảng đa văn hóa có thể trang bị cho thanh thiếu niên toàn cầu khả năng thông thạo nhiều ngôn ngữ và hiểu biết sâu sắc về các nền văn hóa khác nhau. Elijah Jacob, 18 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học California, Berkeley, sinh ra và lớn lên ở Kuwait, có mẹ là người Mỹ gốc Ấn và cha dượng là người Scotland. Jacob nói: “Thời trung học, khi đi tham gia trại hè đến Scotland, Tây Ban Nha, em nhận ra rằng mình có thể hiểu và liên hệ tốt với các bạn đến từ các nền văn hóa khác nhau. Và đó là một món quà tuyệt vời!”.