(Bài vẫn dài, như lệ thường các bạn ạ! Viết trong một ngày ốm đau buồn bã!)
Sau hơn bảy năm bặt tin tức, mình gặp lại ông bạn thân rất thân ở Đài Bắc. Đó là một người rất quan trọng trong 10 năm đầu tiên của mình làm việc và hoạt động xã hội tại Đài Loan. Ông đã chỉ dẫn cho mình nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong đời sống, và ngược lại, mình luôn cố gắng lấy ông bạn làm đích phấn đấu!
Nhưng trong thâm tâm, mình luôn ghen tị và có phần nào đố kị với ông bạn ấy. Vì nhận ra, ông ấy luôn ở giữa những cơ hội được trao, được sống trong một xã hội ít rào cản, chỉ cần khai phá bản thân và phát huy năng lực. Còn mình và vô số phụ nữ người Việt khác, sẽ phải chạy thi vài cuộc đua vượt rào khỏi những định kiến về giới, về ngoại hình, về xuất thân và năng lực, trước khi thực sự đặt được bàn chân tới điểm xuất phát của cuộc đua marathon cuộc đời! Thậm chí có lần, một người ở biệt thự, đi ô tô, hưởng bổng lộc của chính phủ Việt Nam ba đời con cháu ăn không hết, đã thô lỗ hét vào mặt mình: “Đi cứu nhà đi trước khi đi cứu nước!” khi mình chỉ là một người đàn bà tóc tém đi dép đúc, vào phòng họp ngồi cạnh ông Vụ trưởng để bàn về góp ý luật bảo vệ phụ nữ trẻ em trong lúc túi chỉ còn vỏn vẹn hai trăm ngàn đồng.
Ông ấy vẫn là giáo sư, vẫn dạy trường quốc lập hàng đầu Đài Loan, vẫn phong độ, vẫn chu đáo nhiệt tình và tràn đầy năng lượng cho mọi dự định mới, vẫn bận rộn tới mức luôn phải kết hợp vài việc vào làm một lúc. Ngay cả lúc lái xe đi đón mình, ông sẽ tranh thủ qua ngôi nhà thứ hai, đổi lái chiếc xe thứ hai để khởi động xe, đồng thời đi vứt túi rác, ngoài ra cùng lúc đi gửi bản thảo vào hòm thư của NXB ngay gần đó.
Còn mình thì đã già, đã thất nghiệp, đã đổi nghề thành người viết quảng cáo chuyên nghiệp, đã rất rảnh luôn chẳng làm gì cả, đã thay cả email lẫn số điện thoại, thậm chí đã xoá gần như toàn bộ các tài khoản trên mạng xã hội, chỉ còn giữ lại duy nhất fanpage Trang Hạ. Mình thấy bản thân rất tệ so với kỳ vọng của mình về bản thân. Bọn mình đi uống một cốc cà phê đón Giáng Sinh, đêm đó là Giáng Sinh, Đài Bắc chào đón năm mới 2020 đặc biệt tấp nập.
Mình yên lặng chờ cho ông bạn làm hết những việc “tranh thủ” của ông, thậm chí khi trên xe ô tô đi, ông ấy còn gọi điện hẹn một anh biên tập viên học thuật của NXB xuống đường, dặn dò vài câu về bản thảo. Thế là ông bạn thêm được 1 cuộc gặp và 10 phút thảo luận công việc vào giữa tách cà phê với mình!
Mình rất tôn trọng những người bận rộn. Họ thường giàu có và khôn ngoan.
Còn mình thì, mình chỉ đi uống một cốc cà phê với một người. Mình không chèn bất cứ thứ gì vào cốc cà phê này!
Sau nhiều đau đớn trên đường mưu sinh, mình thường dặn con cái, chỉ nên làm một việc trong một thời gian thôi. Đọc “Mèo Hoàng Thượng” chưa? Nếu đi vứt rác chỉ mang theo túi rác, đừng có tay cầm túi rác, tay cầm cây kem, sau đó làm hai việc một lúc, đó là vứt cây kem vào xe rác, còn tay kia cho lên mồm cắn một miếng…
Ông bạn đi vứt rác còn cầm theo mình và bản thảo, he he!
Cà phê phải đi rất xa. Hoá ra ông bạn chở mình tới chân toà nhà Thư viện Quốc lập Đài Loan ở huyện Tân Bắc để uống cà phê. Ông nói, tôi muốn kết hợp mời cô vào đây để thăm thư viện này. Đây là thư viện quan trọng nhất trong hệ thống thư viện học thuật và trung tâm văn hoá đọc cho người nước ngoài tại Đài Loan. Ở đây, cô sẽ nhìn thấy chính sách của chính phủ Đài Loan với văn hoá. Đây là một thành tựu của họ. Họ dành riêng một tầng của toà thư viện để đặt sách tiếng Việt, tiếng Indonesia, Thái Lan v.v… Chút nữa uống cà phê xong, tôi sẽ dắt cô đi tham quan một vòng và giới thiệu cho cô biết, chắc chắn cô sẽ thích chỗ này!
Hoá ra, ông bạn vẫn tiếp tục chèn tiếp những thứ mới vào hành trình tối nay. Mình bắt đầu nghi ngờ, không biết điểm cuối của cuộc gặp hôm nay sẽ là bất ngờ gì!
Mình điềm đạm cầm cốc cà phê lên và nói:
– Tôi biết! Vì thực ra, tôi đã từng đến thư viện này, tôi đã nhiều lần lên trung tâm văn hoá đó! Tôi đã xem hết các tủ sách trong thư viện của họ với nhiều thứ tiếng!
– Ủa, cô đã biết rồi à?
– Vâng! Tôi còn có cả một tủ sách tiếng Việt ở trên đó, đó là sách tôi bỏ tiền túi tự mua, quyên tặng họ suốt gần mười năm qua! Tôi gần đây được nhận giải thưởng về người có công xây dựng văn hoá đọc bằng sách từ Việt Nam, do lãnh đạo thư viện này trao tặng!
Ông bạn kinh ngạc tới mức gần như rụng thêm rất nhiều tóc, làm cho cái trán hói trở nên bóng hơn bao giờ hết:
– Thật không? Sao tôi không biết gì?
Mình lần tìm album ảnh trong điện thoại, tìm mãi mới ra bức ảnh cũ, năm 2017 mình được trao chứng nhận tưởng thưởng tại Đài Loan. Có băng rôn trang trọng sau lưng, có ông giám đốc đích thân trao, ngay tại chính toà nhà này!
Ông bạn dùng hai ngón tay phóng to ảnh trên điện thoại lên xem kỹ, rồi trầm trồ bảo, ồ đúng rồi, tôi không hề nghĩ cô đạt được thành tựu. Trong khi tôi đang định hãnh diện mang cô đi khoe cái mà Đài Loan theo đuổi những năm gần đây, hoá ra cô chính là một người tham gia.
Ông bạn bèn mở điện thoại của ông ra, giờ tới lượt ông khoe. Ông bảo, đây là hình ảnh ông là chuyên gia bình luận thời sự chính trị trên kênh truyền hình nổi tiếng nhất Đài Loan. Mình hỏi mấy lần, ông bảo một năm vài lần. Nhưng nếu trong nhóm giáo sư nghiên cứu xã hội học, nhân quyền và bình đẳng cơ hội, thì cơ hội lập ngôn của họ không cao. Nhân quyền ở xã hội nào cũng là nhạy cảm.
Mình bảo ông, tôi thì có chương trình của tôi, không chỉ là bình luận viên khách mời, tôi còn chính là host, mỗi sáng chủ nhật! Sau đó mở cho ông xem vài chương trình trên Đài truyền hình TPHCM, kênh HTV7.
Mà tôi thường sau vài năm mới kể lại cho người khác biết, tôi đã làm việc gì. Nếu ông cũng theo dõi tôi trên mạng xã hội, ông thực ra chẳng biết tôi đang là ai, tôi đang làm gì, tôi đang nghĩ gì!
Ông bạn chuyển đề tài luôn, tôi vừa đỡ đầu cho một thạc sĩ hàng đầu của Đài Loan, anh này rất xuất sắc. Anh có rất nhiều lợi thế. Tôi là giáo sư của anh ta và giúp anh ta hoàn thành luận văn tốt nghiệp nghiên cứu về Việt Nam. Trong tương lai, anh này sẽ trở thành một yếu nhân trong quan hệ Việt Đài. Tôi nhất định phải hẹn để cô làm quen với anh học sinh của tôi, ngày mai cô có rảnh không?
Mình cười một cách buồn bã:
– Tôi biết, tôi biết anh ta. Vì thực ra anh ta chính là trợ lý truyền thông của tôi trong thời gian qua. Anh ta hỗ trợ tôi các nội dung tôi làm truyền thông bằng tiếng Hoa, thực ra đó chỉ là cớ. Tôi đã trả lương hàng tháng cho anh ta, trả các chi phí để anh ta sang Việt Nam nửa năm và ăn ở đi lại, thậm chí từ tấm áo, cái Sim điện thoại trở đi, thu xếp các quan hệ để anh ta hoàn thành cái luận văn mà ông là giáo sư hướng dẫn! Hai năm tôi không mua được một tấm áo mới vì dành tiền tài trợ cho anh ta một chuyến nghiên cứu đó. Vì tôi nghĩ nó tốt cho Việt Nam!
Ông bạn mình giờ gần như kinh hoàng. Ông nói, không thể nào như thế được! Sao tôi không trao đổi với ông trong thời gian đó? Và anh nghiên cứu sinh kia giấu kín việc được tôi chống lưng!
À, đó là một câu chuyện khác. Một lúc nào đó, tôi sẽ kể. Người bạn phóng viên báo Tuổi Trẻ có đề nghị tôi viết câu chuyện tôi tài trợ cho một nghiên cứu sinh ra sao, định hướng thế nào để họ làm những đề tài nghiên cứu có giá trị, nhưng tôi cũng phải từ chối. Bởi nếu tôi kể ra, đám đông rồi sẽ lại hét lên thô lỗ: Đi cứu nhà đi trước khi cứu nước!
Sống khó nhất trên đời này không phải là người nghèo mà là người có lý tưởng.
Ông bạn hiểu uẩn khúc nào đó, nên khoe sang thành tựu khác, như một câu chuyện làm quà, để cùng chia sẻ niềm vui với nhau:
– Tôi bây giờ còn được mời làm chuyên gia thẩm định các dự án cho Bộ văn hoá Đài Loan. Cô có biết không, chỉ những người rất có ảnh hưởng và có tầm vóc trong các lĩnh vực thì mới được ngồi vào vị trí này. Nhóm chuyên gia chúng tôi là 7 người uy tín nhất Đài Loan, bao gồm cả ông Viện trưởng Hàn Lâm X, ông Chủ nhiệm uỷ ban Y. với ông Giám đốc Quỹ Z là người đứng đầu.
Mình hỏi ông, mấy năm? Ông bảo, chỉ mới 1 lần. Một lần đã là vinh dự cả đời rồi! Cạnh tranh ở Đài Loan rất cao, luôn có những người xuất sắc và ưu việt, nhưng đây đã là vị trí mà 20 năm qua ông chưa từng được ngồi vào!
Mình mỉm cười, nói:
– Tôi bây giờ là năm thứ hai rồi, tôi cũng được mời làm chuyên gia thẩm định. Nhưng tôi là chuyên gia duy nhất mang quốc tịch nước ngoài được làm công việc này!
Ông bạn nghi ngờ:
– Chuyên gia thẩm định dự án của quốc tế, là tài trợ từ tiền chính phủ Đài Loan đấy, chứ không phải dự án một bộ ngành nào đâu, cô biết không?
Mình tiếng Hoa không giỏi như ông bạn, mình rút từ cặp táp ra một tài liệu vừa họp xong buổi chiều, mình bảo, tôi không thể đưa ông xem, nhưng tôi sẽ đưa ông đọc cái tên tài liệu. Ông bạn trố mắt ra đọc, ôi thật? (Giá có thể dùng hai ngón tay để phóng to tờ giấy lên như lúc nãy, chắc ông cũng làm!)
Mình thủng thỉnh bồi thêm:
– Và tôi không chỉ thẩm định hồ sơ hàng trăm dự án, tôi còn được quyết định tổng tiền tài trợ cho từng dự án, hay cắt bỏ các hạng mục. Năm ngoái, chúng tôi vừa phải từ chối một dự án của Việt Nam xin tiền nhưng nếu được thì ngay sau đó chuyển 1 phần khoản tiền sang Bắc Kinh!
Ông giáo sư gần như trợn mắt lên bảo:
– Tôi còn ko được quyết định tài chính. Vậy chắc chắn cô phải có một người đỡ đầu rất tầm cỡ tại Đài Loan bây giờ!
Mình lẳng lặng uống nốt ngụm Capuchino cuối cùng trong cốc, cuối cùng của năm:
– Không, tôi chính là người đỡ đầu của đời tôi. Mà có thể, ông chính là người chống lưng cho tôi!
Vì ông đã xuất hiện trong quá khứ tôi, huy hoàng, đầy quyền thế, đầy dự án, đầy cơ hội, đầy ưu thế và sức mạnh. Ông chính là người phát hiện ra tôi từ hội thảo quốc tế đầu tiên của tôi ở khoa Chính Trị. Ông chính là người thúc giục tôi, làm gương cho tôi, luôn tranh thủ mọi thời gian để làm mọi việc ở mức độ cao nhất!
Ông chính là người tôi nghĩ đến khi tôi bị đám đông ruồng bỏ.
Ông chính là người tôi mơ ước được trở thành khi tôi vác một cái bụng bầu sắp tới ngày sinh, đi bộ dưới gầm cầu vượt của đường cao tốc, nhìn lên những bóng đèn gia đình ấm áp ở Tam Trùng và cô đơn vô cùng, muốn về nước vô cùng, muốn có một gia đình, một cuộc sống bình thường.
Ông chính là người đã dùng thành công của ông để thúc đẩy thành công của người khác. Ông không cần giúp gì cho tôi cả. Ông chỉ cần toả sáng ở đỉnh cao, ánh sáng ấy đã soi cho tôi gợi ý hướng đi tới tương lai của tôi!
Tôi không bao giờ trở thành tôi bây giờ nếu tôi không gặp ông trong quá khứ!
Ngay cả sau khi Quốc Dân Đảng lên nắm quyền tại Đài Loan, ông là người đầu tiên sang Việt Nam sau đó hai năm để thuyết phục tôi quay lại Đài Loan làm truyền thông, làm nhà hoạt động xã hội. Đó là lý do tôi đã bỏ trốn khỏi ông suốt nhiều năm nay! Tôi sợ bị ông thuyết phục!
Ông còn nhớ tôi đã nói gì khi từ chối không? Tôi đã già, tôi đã ba con, tôi đã mất đi một số ưu thế của quá khứ, những người giúp đỡ tôi khi xưa thì người đã bị Quốc Dân Đảng bỏ tù, người đã phải bạt sang Mỹ sống, người đã bị phế truất, tổng biên tập đã bị sa thải, thế giới này đã biến dạng và không bao giờ có thể trở lại là thế giới mà chúng ta là đồng minh sẵn sàng chinh chiến, không cần nói gì cũng hiểu ý nhau.
Nhưng sau khi ông rời Hà Nội, tôi đã mấy ngày ngẩn ngơ, chạy xe trên các con đường gió bụi, những đám đông đặc quánh ở đường Phạm Hùng, những ngôi nhà bỏ hoang ở những đô thị ngoại thành, tôi ngẩn ngơ như đánh mất một tương lai nào đó. Tôi thực sự sợ hãi khi biết, chỉ một chút nữa thôi, tôi sẽ ngã lòng vào tương lai mà ông vạch ra.
Xin cảm ơn ông vì những cảm xúc trong quá khứ. Những mối liên hệ cho dù trong mắt ông lúc đó, tôi chỉ là một người yếu thế!
Tôi đã luôn sử dụng thế yếu của mình như một thế mạnh!
Và thứ lớn nhất ông mang tới cho tôi, thực ra là tình bạn! Thực ra là tách cà phê này! Ngồi đây, còn có thể nhìn nhau, mời nhau một cốc cà phê, sau biết bao nhiêu bể dâu thời thế!
Ông bạn mình, sau khi chia tay nhau, còn nói với mình một câu:
– Cô biết vì sao cô luôn là một người đặc biệt không? Là vì, cô luôn đặt mọi người khác vào vị trí đặc biệt trong cuộc đời cô! Cô luôn cảm ơn người khác, dù tôi chưa bao giờ thực sự làm được gì cho cô!
Tôi chỉ là một bà nội trợ, đi giữa một đô thị, được một người đàn ông mời uống một tách cà phê!
Và nói rằng, thực ra cô rất ổn!