THAO THỨC NHỮNG MÙA NGÂU

Đỗ Xuân Thảo

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan

Bà đi gánh chè xanh Ba Trại

Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

1. Mình ám ảnh mãi đoạn thơ này của nhà thơ Nguyễn Duy. Hình ảnh người bà “thập thững những đêm hàn” sao quen quá, sao thương quá, sao như thấy có bóng dáng mình, chị gái mình, cha mẹ mình, bóng dáng những người dân cơ cực làng mình trong đó. Chỉ có điều, chắc nhà thơ Nguyễn Duy, sau nhiều hồn nhiên với tuổi thơ diều trong và gió mát, chợt chùng lòng nhận ra cái “cơ cực” đến tận cùng của bà. Mình thì không có được sự hồn nhiên như thế. Mình thương nỗi mẹ cơ cực dường như sớm hơn, ngay từ những năm tháng ấu thơ nhọc nhằn, gian khó.

Ảnh st

2. Mình thương mẹ chớp bể mưa nguồn. Trẻ con vốn thích mưa. Mưa vàng đất trời, mưa rộng dài ruộng lúa nương ngô. Mưa cho trái cành căng mọng, mưa cho lắng đọng khúc nhân gian. Đóng đinh trong trí nhớ non nớt của mình là những ngày mưa giông sấm chớp. Mình co ro như một con cò lạc, chạy băng qua những cánh đồng. Đồng thưa vắng, trong làn mưa mù nước, vẫn thấy mẹ lụi hụi. Tấm lưng gầy nhấp nhô hòa lẫn làn nước mưa đan chéo đất trời. Mẹ cắm cúi như thể trên đầu không có mưa thét gió gào. Trong mưa bịt bùng, mình hiểu không chỉ chịu một nắng hai sương, người nông dân còn chịu ba bốn năm sáu bảy và thật nhiều, thật nhiều những mưa sa gió táp. Như mẹ của mình đây. Những lúc ấy mình thường thảng thốt gọi to: Mẹ ơi, vào trú mưa đi mẹ. Mẹ chỉ khẽ nghiêng đầu, dáng xiên như một hạt mưa gầy: Con về đi, mẹ làm ù một lát rồi về.  Mẹ làm ù, mẹ làm ù, cái từ “ù” lẫn trong mưa như tiếng vọng con tàu chở thương, chở yêu, chở tin, chở lo, chở triền miên khắc khoải. Cái từ “ù” như hòa lẫn tiếng gió mưa sấm chớp khiến mình cay mắt, nghẹn tim. Và thế là, những cơn mưa đối với mình không còn thi vị nữa. Sau này, khi đọc thành ngữ: “Dỗ được con nín, trời mưa mất rồi”. Mình nhất định tin là có sự nhầm lẫn. Phải là: “Dỗ được con nín, trời trưa mất rồi”. Trong vô thức, mình vẫn nhớ về dáng mẹ lẫm lụi, cặm cụi dưới cơn mưa dữ. “Trời trưa” thì mới cạn ngày để làm lụng còn “trời mưa” thì không thể cản những con người bất chấp gian nan, thương khó cực cùng.

3. Mình thương mẹ thao thức những mùa trăng. Trẻ con đứa nào chẳng thích trăng. Những đường trăng lung linh vàng sóng sánh có sức gọi mời mạnh mẽ. Trăng tưới tắm màu vàng nhẹ nhõm thinh không. Trăng chơi vơi. Trăng huyền mặc. Cái ánh sáng xanh lạnh của trăng dễ khiến mình xao xuyến. Vậy nhưng mỗi lần nhìn trăng, mình thường ngẩn ngơ trước ánh trăng dãi dề vai áo mẹ sờn bạc. Trăng nhắc nhớ rằng sự viên mãn, tròn đầy không bao giờ là mãi mãi. Trăng tròn rồi trăng khuyết. Đi qua bao mùa trăng như thế, mẹ sẽ già, sẽ không còn cái dáng đi thẳng lưng, giọng nói mạnh mẽ, vang ấm chắc nịch. Qua bao mùa trăng nữa, mẹ không còn cúi mình vục nước giếng thơi dội ào ào rồi tong tả chạy vào bếp nấu cơm cho lũ con lít nhít. Qua bao mùa trăng nữa, mẹ không thể long đong ngược chợ trên vòng chợ dưới tần tảo buôn thúng bán bưng. Vậy nên, mình dù chưa đủ lớn để có được những niềm vui điềm đạm, thẩm thấu nhưng cũng không còn nhỏ nữa để hồn nhiên đi qua những tròn trăng. 

4. Mình thương mẹ ám ảnh những dầu đèn. Trẻ con thích ánh sáng, thích những ngọn đèn. Ánh sáng ngọn đèn dầu đối với người dân nghèo, lam lũ là những đốm sáng vui, đốm sáng tin yêu. Nhưng mình nhớ nhất ngọn đèn khuya mẹ thắp để soi cho đàn gà vào ổ, để mẹ ra vườn hái rau, hái chè cho buổi chợ sớm. Trong khuya tĩnh lặng, ngọn đèn hiu hắt đơn côi. Cái ánh sáng ấy di chuyển thầm lặng, nhẹ bâng. Cái ánh sáng ấy leo lét chập chờn in bóng mẹ bung biêng trên khoảng sân nhà. Mẹ né mình chắn gió, co cúi, lo so cố giữ ngọn lửa mong manh từ sợi bấc ngọn đèn dầu.

5. Mình quên hồn nhiên để thương mẹ. Mình quên những lấp lánh, những thi vị, những mộng mơ của tuổi hoa, tuổi trăng mà nhìn thấy và thấu hiểu những góc khuất ẩn sâu phía sau của những nụ cười cũng là nhờ mẹ. Nhớ da diết bữa cơm ngày tiễn mình đi học đại học, cũng tháng bảy, trời mưa ngâu sùi sụt thế này, bếp tắt, củi ướt, nấu được bữa cơm thì mắt mẹ cay xè. Bưng mâm cơm lên, cha thay mẹ lầm rầm khấn vái: Nhờ đất, nhờ nước, nhờ trời mà con tôi đã lớn lên khỏe mạnh, giỏi giang. Nay con đi học xa, nhờ ĐẤT, NƯỚC, TRỜI cùng TỔ TIÊN chở che, phù hộ. Rồi mẹ cha cùng ứa nước mắt. Rưng rưng…

6. Giờ lại là tháng mưa ngâu. Năm nay vợ chồng ngâu chắc chắt cạn nước mắt vì Ngọc Hoàng “giãn cách”, đàn quạ không thể bắc cầu Ô Thước cho Chàng với Nàng tao phùng tương ngộ. Còn mình thì lại chắp tay xin ĐẤT, NƯỚC, TRỜI cùng TIÊN TỔ chở che, phù hộ cho con trai chân cứng đá mềm, nhờ Japan Airlines “bắc cầu ” cho Con trở lại xứ sở Cờ hoa – nơi có Thầy Cô và Bạn bè Con đang ngày đêm ngóng đợi. 

Vậy là, Con lại chia tay với những thương yêu, gần gụi để tiếp tục trải nghiệm, nhận thấy và đồng cảm với những góc khuất ẩn sau bao nhiêu là được mất. 

… Và mình lại ứa nước mắt. Rưng rưng những yêu tin!

Chắp cho con đôi cánh, trên lưng mẹ áo cha tần tảo dầu dãi, nhé con trai!…

Leave a Reply

More articles ―

%d