THĂM NGÔI CHÙA CÓ DẤU TÍCH CHĂM Ở VĨNH PHÚC

Gần thập niên trước, tôi có dịp điền dã độc lập ra các tỉnh phía Bắc để tìm hiểu về dấu tích tộc người Chăm mình, dựa trên các cột mốc sử liệu trong các bộ chính sử Đại Việt ghi chép lại, cũng như trong các tư liệu cổ, trường ca, văn học Chăm có nhắc đến.
Trong hành trình nghiên cứu ấy, có những cuộc rong chơi bát ngát, song thật duyên nợ, khám phá nhiều điều liên đới đề tài Chăm quá đỗi ngạc nhiên, thú vị.
Chúng tôi, gồm nghiên cứu sinh tiến sĩ (đang học ở Singapore) Đỗ Trường Giang, Tiến sĩ đồng tộc Quảng Đại Tuyên, học ở Mỹ và Úc về, vẫy xe đò bên vỉa hè Hà Nội vào lúc gần 10 giờ sáng.
Mặc dù chỉ cách Hà Nội hơn 70 km về hướng nam, nhưng cũng mất hơn 2 giờ đồng hồ để đến nơi cần đến. Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc trung du miền núi phía bắc, nằm ở vùng đỉnh của châu thổ Sông Hồng.
Tỉnh lị là thành phố trẻ Vĩnh Yên vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng lẫn thượng tầng.
Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Việt, Sán Dìu, Tày, Cao Lan,… Biển số xe là 88.
Xe đò dừng lại ở thành phố Vĩnh Yên để đón thêm khách đi sâu vào các huyện hơi lâu, hơn 14 giờ chiều. Chuyến ấy miền bắc đang vào đợt nắng nóng. Bơ phờ lẫn đói khát, chúng tôi bèn bấm bụng leo taxi nhanh nhanh kiếm chỗ cho bao tử khỏi “thất nghiệp”.
Chọn được một quán ăn tạm ổn, tôi không khỏi ngạc nhiên nhiều món ăn ở đây, hợp khẩu vị như chính ở quê Chăm mình đến thế. Dùng bữa xong, cả bọn tản bộ ra vỉa hè uống nước trà đá đợi xe buýt về huyện Lập Thạch, quê của Giang béo. Sau này được biết, Lập Thạch cũng là quê hương của nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Tôi đồ rằng ông có chút máu Chăm trong người, chí ít ở đôi mắt mơ màng, sâu thẳm.
Xe buýt chạy vòng tròn quanh huyện, để nhả khách. Đến nhà Giang, xe lượn cũng gần giáp vòng. Cảnh vật làng quê ở đây rất thanh bình đặc trưng Bắc bộ.
Cánh đồng vàng rực, nhiều nơi đang vào mùa gặt. Rau quả sinh hoạt hàng ngày được trồng ven hai bên đường và xung quanh căn nhà. Nhiều dải núi lãng đãng khói trắng. Lạ thật, màu mắt nhiều cô gái Kinh đang ngồi cạnh mình trên chuyến buýt về Lập Thạch, bỗng dưng lại từa tựa màu mắt người Chăm quá chừng. Tự nhiên nhớ plei ngang hông.
Vào đến nhà, đã thấy bố Giang ngồi bóc cả thúng lạc trên chiếc giường tre. Mẹ Giang có việc đi lên xã chưa về. Chào hỏi bố Giang xong, cả bọn rúc ra vườn lung linh bóng râm. Cái giếng thơi mé vườn ôm mang trong lòng nó dòng nước mát lạnh, dường như chưng cất đợi sẵn khách phương xa về cho thỏa cơn khát.
Nhà Giang sơn màu vàng mái đỏ kiểu chùa chiền mọc trên ngọn đồi xanh rì. Đa số người dân ở các vùng quê Bắc bộ, kinh tế gia đình làm theo mô hình VAC. Nhà Giang béo cũng vậy. Nếu thèm cá thì đã sẵn ao trước mặt. Nhớ thịt gà thịt vịt, cũng sẵn gà vịt thả đồi. Rau củ tươi sạch um tùm mé nhà. Không thiếu thứ gì. Khách đến nhà cũng không cần phải lên chợ huyện xa xôi. Mô hình VAC quả là thuận tiện và ích lợi to lớn. Riêng Chăm mình, chả hiểu sao chỉ thích xách cái rổ xuống chợ, tốn kém lại ít an toàn.
Đêm xuống cả nhà quây quần bên mâm cơm, chén rượu gia đình thật ấm áp và hạnh phúc như chính nhà mình vậy.
Sớm hôm sau, dùng điểm tâm xong, ba thằng lại leo buýt đi huyện mới Sông Lô, thưởng lãm cảnh đẹp xứ núi.
Giang béo khéo tếu “em đưa hai anh đến một chỗ bí mật để nhận mặt tổ tiên”. Tuyên giữ vẻ bình thản. Mình lấy làm khó hiểu, nhưng cũng một phen tò mò.
Đến nơi, Giang béo gọi bằng hữu ra “diện kiến” anh em bên quán cà phê Chiều nhớ. Cô chủ quán bưng nước ra cho khách, khuôn mặt thiên thần, dáng người cao ráo, nước da trắng ngần như bông cau mé quán, khiến cánh nhìn cả bọn lâng lâng bay bổng.
Ngồi với nhau một lát thì chia tay những người mới quen. Hai thằng lẽo đẽo làm cái đuôi Giang béo.
Hôm nay, em nó tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch mà lị. Men theo một con đường dốc thoai thoải lên, cảnh tượng một ngôi chùa đang xây dở dần hiện ra.
Đập vào mắt hai gã đàn ông Chăm là một cái tháp cao 11 tầng, bằng gạch nung. Chân tháp từa tựa chân tháp Chăm ở dọc miền trung đất nước. Mình lấy làm ngờ ngợ, vội huy động trí nhớ với mớ kiến thức sử học lõm bõm. Tuyên thì liên tục chụp hình ngọn tháp.
Phía trước chùa có cây thị và cây lim cổ, thân to rộng, xòe tán ra một vùng mênh mông. Dưới gốc cây là một cái bàn đá, vài cái ghế trống và ba người đang ngồi với nhau. Ba người khách vội đến chào và nhanh chóng bắt chuyện. Có một cụ già nhuộm răng đen, đội khăn mỏ quạ, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Một sư cô mặc áo nâu sồng. Và một người phật tử đang làm công quả cho chùa.
Câu chuyện được bắt đầu khá tự nhiên. Sư cô là trụ trì chùa này từ năm 2004, đến từ Đồng Nai. Tên sư là Bửu Đạo. Hỏi về lí lịch ngọn tháp, sư cô nói “tháp này có lịch sử từ thời Lí Trần, trước đây có 13 tầng. Năm 1971 trên Bộ xuống phục dựng chỉ còn 11 tầng thôi. Trước có hai tháp, một tháp đỏ rực và một tháp xanh, giờ chỉ còn mỗi tháp đỏ nhàn nhạt này thôi. Người Nhật hay ghé vào đây. Cả người Pháp cũng vậy. Tài liệu về tháp này được Viện viễn đông bác cổ Pháp lưu giữ từ thời thuộc Pháp. Sư cô quả quyết tháp này không phải của người Việt dựng nên”.
Cụ già nhuộm răng đen, đội khăn mỏ quạ tiếp lời “thuở bà còn là thiếu nữ, có vào phụ giúp khi ở trên về tổ chức trùng tu. Người ta đào được dưới chân tháp, một cái ấm đất, tro còn nguyên. Một vòng kiềng ba chân bằng sắt. Và cả ba quả chuối bằng vàng”.
Tuyên nói hoa văn trên gạch ở đây giống với gạch ở Hoàng Thành Thăng Long quá.
Khi Giang béo giới thiệu với sư cô Bửu Đạo, đây là những người Chăm từ miền Nam ra, đi ta bà thế giới. Sư cô liền xúc động nói “thật ra tháp này được xây dựng nên từ máu và nước mắt của người Chiêm Thành, khi họ bị bắt làm tù binh”.
Ngôi chùa có tên là Vĩnh Khánh, trú xã Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau một hồi trò chuyện, vỡ vạc nhiều điều mới mẻ, bổ túc nhiều chi tiết đắt giá, gần trưa nhà chùa mời ở lại dùng cơm chay, nhưng do bận cuộc hẹn từ những người bạn của Giang béo, chúng tôi cảm ơn lời mời, xin phép ra về và hẹn sẽ sớm thăm lại ngôi chùa trong một dịp gần nhất.

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: