TÀI NĂNG VÀ ĐẠO ĐỨC.

Hoằng Chơn

Có người cho rằng không kể đạo đức hay tư cách như thế nào của một con người, nếu họ có tài năng, có những tác phẩm hay thì mình vẫn thưởng thức tác phẩm đó, vì tác phẩm có đời sống riêng của nó.

Điều này có thể không sai, nhất là đối với các tác phẩm trong những lãnh vực như âm nhạc, hội hoạ, thơ ca .. là những hình thức nghệ thuật có tính cách giải trí, làm thăng hoa tinh thần sau những giờ phút làm việc mệt nhọc.

Thật ra, nói như vậy cũng không hẳn đúng vì hình thức nghệ thuật nào cũng chuyên chở trong các tuyệt tác phẩm của mình những giá trị tinh thần rất cao, rất sâu; phản ánh được những trăn trở, những suy tư của con người và xã hội vào thời điểm xuất hiện của tác phẩm.

Mặt khác, tiêu chuẩn đạo đức hay tư cách của cá nhân thường có những khác biệt tuỳ vào từng quan điểm, từng tầng lớp, từng cộng đồng hay từng giai đoạn xã hội.

Tuỳ vào nhận định riêng của mình, mỗi người có một danh sách những con người, những tác giả hoặc tác phẩm mà mình ưa thích hay chối bỏ.

Gắn liền một người mà mình đánh giá thấp về tư cách đạo đức với toàn bộ tác phẩm qua nhiều giai đoạn của cả cuộc đời của người ấy, để rồi gạch bỏ tất cả tác phẩm của người đó ra khỏi không gian thưởng ngoạn của riêng mình, là một thái độ đen trắng rõ ràng của nhiều người hiện nay.

Điều này là lựa chọn cá nhân của mỗi người, dù đối với người khác thì cho là cực đoan. Chỉ có một điều có thể thấy được là người đó đồng thời đã bỏ đi những thời khắc thưởng thức nghệ thuật với cái rung động về cuộc sống rất riêng của những tác phẩm đó.

Huống chi là có những tác phẩm được sáng tác trong những giai đoạn mà tác giả đó chưa quay lưng về phía ánh sáng, chưa ngoảnh mặt trước những phi lý của cuộc đời, chưa bịt tai bịt mắt trước những nguy khốn của dân tộc.

Tuy vậy, dù cho một tác giả nào đó có những tác phẩm được người đời thưởng thức, thậm chí những tài năng đó dù xuất chúng như thế nào đi chăng nữa mà họ không giữ được đạo đức hay tư cách cá nhân thì thật sự họ cũng không còn được người đời kính trọng.

Tại sao vậy? Vì với vị trí là người của công chúng, họ đã đánh mất tư cách đáng quý trọng của người nghệ sĩ đích thực: Những người biết rung động trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của cuộc sống, biết thổn thức trước những vùi dập con người, biết cảnh báo trước những nguy khốn sẽ xảy ra cho đồng bào, cho đất nước, và rộng hơn, có khi là cho cả nhân loại.

Riêng đối với những người tưởng là có thể nhờ cậy chút tiếng tăm phù du của mình để bẻ cong ngòi bút, cam tâm đem tài năng chút ít của mình để đổi chác – dù cho là những bổng lộc quá sức – rồi cũng đến lúc không thể nhìn thẳng vào mắt bạn bè, người thân, hoặc trước cặp mắt ngỡ ngàng của con cháu.

Và nhất là trong những thời khắc một mình một bóng trong tăm tối cuối đời, mới biết cái giá của miếng ăn, miếng nhục thật là quá đắt để phải đổi cả danh dự của mình và có khi là của cả gia tộc mình.

Có người tài hoa rất mực mà đến những ngày tháng cuối đời, đã cay đắng vì tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của mình. Con người ấy vốn quay lưng với vùng đất đã cưu mang và làm nên tên tuổi lẫy lừng cho mình, đã từng hớn hở với người chủ mới mà rốt lại cũng không thể vục mặt vào vũng lầy ngập ngụa những giả dối phi nhân của cái xứ thiên đường.

Họ thật đáng thương hại!

(Hình: Tác phẩm hội hoạ của Hoạ Sĩ Đặng Can)

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: