Quạt lúa hay giê lúa ngày xưa 

Loc Pham

*

Ngày nay, nói “giê lúa” nghe thật khó hiểu, nhưng muốn lúa sạch phải quạt hay giê.

Thập niên năm mươi, chưa có máy tuốt lúa, máy gặt đập “liên hợp”, nhà nông chỉ có hai cách: đập bồ ngay tại ruộng hoặc gặt lúa chín đem về cho trâu đạp. Nếu không có sẵn sân gạch tàu, phải chuẩn bị một sân đất thật bằng phẳng, quậy phân trâu tráng bít thật kỹ những chỗ nứt nẻ. Cho trâu quần ban đêm, mát mẻ, con nít chạy giỡn lăng xăng, xóm nhỏ vui như ngày hội…

Phơi khô, quạt sạch là hai giai đoạn bắt buộc trước khi bán lúa hay chà lúa thành gạo. Muốn cho lúa sạch, nhà nông trước đây dùng cái “xa quạt”, được hiểu một cách đơn giản là “xe quạt lúa”, một chiếc máy quạt lúa quay tay.

Xa quạt hình thức giống như một cái thùng kín, bằng gỗ, có chân, bên trong có cánh quạt cũng bằng gỗ gắn vào một trục tay quay ăn thông ra ngoài. Lúa được đổ vào một cái phểu miệng vuông phía trên cao, gặp sức gió sẽ đẩy lúa lép và những cọng rơm, cọng rác ra ngoài xa. Lúa tốt nặng hơn nên còn lại và theo một cái máng xuống riêng .

Nhà nông cũng có thể giê lúa, giê gạo bằng sức gió tự nhiên hay tạo sức gió bằng chiếc chiếu, manh đệm giữa hai chân! Xa quạt ngày nay còn nằm ở một xó xỉnh nào đó trong nhà miền quê, hết xài, nhưng khi nhìn lại cũng thấy cảm động và nhớ như nhớ một cái gì thân thiết: hột gạo Nàng Quốc, gạo Sóc Nâu, Nàng Hương, con trâu, cái cày, cái bừa, cái trục,cái mỏ sảy, lưỡi hái, lưỡi liềm. 

Và còn đâu hình ảnh những nàng thôn nữ lom khom, dùng lưỡi hái quơ lúa gom vào vào mình để “gặt lúa” bằng những động tác thật nhịp nhàng!

(Hình chiếc xa quạt ngày xưa)

Leave a Reply Cancel reply