Olivia Newton-John, 1948-2022

Manh Kim

Đã nghe không biết bao nhiêu lần ca khúc Face to Face mà Barry Gibb viết cho bà, và dĩ nhiên nghe lần nữa, rồi lần nữa, khi nghe tin bà – Olivia Newton-John – vừa từ trần ở tuổi 73. 

Tất cả những bài nhắc lại sự nghiệp Olivia Newton-John, trên The New York Times, The Washington Post, AP, Reuters và CNN (mà tôi đọc qua), không bài nào nhắc lại ca khúc này. Olivia Newton-John hát Face to Face nhẹ như tơ, với bản hòa âm cực đẹp. Barry Gibb thật sự là bậc thầy kỳ tài trong đo ni đóng giày. Woman in Love chỉ dành Barbra Streisand; Experience chỉ dành cho Diana Ross; và Face to Face chỉ dành cho Olivia Newton-John… Ca khúc này nằm trong album Now Voyager (1984) của Barry Gibb. Hẳn đó là lý do khi nhắc lại sự nghiệp ghi âm của Olivia Newton-John, báo chí Mỹ không đề cập đến Face to Face.

Olivia Newton-John, 1978 (ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)

Với những người mà gout nghe nhạc bị hóa thạch (như tôi), Face to Face không chỉ là một ca khúc. Nó là một giai đoạn, thời khốn khó nghèo nàn. Tôi nhớ mình phải để dành rất lâu mới đủ tiền mua một băng tape trắng (chưa ghi âm) rồi để dành thêm một ít lâu nữa mới đạp xe lọc cọc đến ngã năm Bình Hòa, Bình Thạnh để chép Face to Face từ cái đĩa lậu sản xuất ở Ba Lan chứ không phải đĩa Mỹ. Cầm được cuộn băng tape có bài Face to Face không chỉ là sự sung sướng tận cùng của người ghiền nhạc. Nó là một hạnh phúc không thể tả bằng lời của một lớp thanh niên vạ vật khốn khó đến mức đôi khi thèm một điếu thuốc cũng không thể mua.

Barry Gibb và Olivia Newton-John, 1979 (ảnh: Michael Putland/Getty Images)

Gần như chưa bao giờ nghe những ca khúc cùng thời Face to Face mà tôi không nhớ lại những hình ảnh Sài Gòn thời đó, nhớ những người bạn một thời từng “ngồi đồng” quán cà phê nhiều giờ đồng hồ và yêu cầu chủ quán bật đi bật lại những ca khúc yêu thích mà Face to Face là một trong số đó; thậm chí nhớ cả những giấc mơ ngày ấy và dĩ nhiên nhớ người bạn mà tôi đã cùng nghe đi nghe lại Face to Face để chép lời. Không gì có thể gợi lại ký ức bằng âm nhạc.

Olivia Newton-John trong buổi biểu diễn tại Royal Albert Hall, London ngày 13 Tháng Ba 2013 (ảnh: Neil Lupin/Redferns via Getty Images)

Tôi không biết mình nghe Face to Face nói riêng và những ca khúc thời đó bao nhiêu lần. Có thể xấp xỉ một triệu? Lần thì chỉ nghe mỗi tiếng bass; lần thì chỉ nghe trống; lần thì chỉ nghe tiếng “nấc” xuất sắc của Barry Gibb và lần thì chỉ nghe hơi thở của Olivia Newton-John. Face to Face và Olivia Newton-John đi theo tôi rất lâu. Nó đã thành một di vật được lộng kính trong cái bảo tàng cá nhân cuộc đời, mà khi đối diện với nó, face to face, nó sẽ tự kể cho mình nghe lại vô số chuyện cũ, những kỷ niệm, những con người, những hình ảnh – rất nhiều thứ mà ngày trước thèm khát có tiền để mua nhưng bây giờ thì tiền muôn bạc vạn cũng không bao giờ có thể có được.

(Richard E. Aaron/Redferns)

Những ca sĩ của thế hệ người nghe hóa thạch (như tôi) ngày càng vắng. Ai-rồi-cũng-chết sẽ không nghe như một sáo ngữ rỗng tuếch nếu chúng ta có thể tự tạo một kho “bảo quản” nhỏ lưu giữ lại những gì họ đã trao cho cuộc đời, những ca khúc của họ, hoặc những quyển sách của họ, trong đó – một cách vô tình – có cả ký ức của chúng ta.

https://youtu.be/SPuPt_yB8hw

Leave a Reply Cancel reply