NGÔI NHÀ CÓ CÂY NGỌC LAN

Cù Mai Công cùng với Thanh NguyenĐỗ Trung Quân.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân năm 1986 có một bài thơ rất lắng đọng về ngôi nhà này:

“Để xây nhà có người đã đốn mất cây ngọc lan.

Buổi tối đi qua anh chỉ còn tìm hương trong tâm tưởng

Họ sẽ chẳng còn nhớ gì khi ngôi nhà đã mọc lên tráng lệ

Họ sẽ quên như mùi hương chưa hề có bao giờ.

Nhưng anh đã có lần cùng em đi qua đó

Hoa đã có lần thổi hương vào mái tóc ngây thơ…

Bây giờ em đã xa xôi và đến phiên ngọc lan xuống đất.

Thôi, hoa cũ không còn thì còn lại chút hương xưa…”

(1986 – Tuyển tập Cỏ hoa cần gặp, 2004)

Thanh Nguyen
Căn nhà 4 rue Garcerie đầu thập niên 1950. Địa chỉ mới sau 1954 là 12 Duy Tận.

Ngôi nhà ấy số 12 Phạm Ngọc Thạch, Q,3, TP.HCM; nằm giữa “khung trời đại học” nổi tiếng trước 1975; sát bên hồ Con Rùa không người Sài Gòn nào không biết. Nhiều người vẫn quen gọi 12 Duy Tân. Sau 1975, một thời gian ngắn nó là trụ sở của Ban Tuyên huấn Thành đoàn TP.HCM, rồi chuyển cho chủ nhân mới: báo Tuổi Trẻ từ năm 1976. Năm 1984, báo Tuổi Trẻ dời trụ sở về 161 Lý Chính Thắng, quận 3. Nó có chủ mới là báo Khăn Quàng Đỏ (cho tới nay).

Ngôi nhà kiến trúc ban đầu có một ngôi nhà chính kiểu biệt thự trệt Pháp; có sân trước và sân sau, hai bên nhà là đường đi. Nó nằm yên bình bên con đường mùa hè bay ngập những cánh sao dầu cổ thụ “xoay tít bay bay” làm thổn thức bao thế hệ học trò Sài Gòn xưa nay. Nhà ấy, cảnh ấy làm sao những người sinh sống, làm việc ở đó không có chút lãng mạn. Và sự lãng mạn thường đi đôi với sáng tạo.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân nhớ lại một thời mình đã đến đây: “Ngôi biệt thự trước 1975 là tư gia của ai tôi không rõ, kiến trúc thanh thoát, khối nhà phía sau được nối bằng một cầu thang qua giếng trời dẫn lên phòng làm việc, tường ốp đá rửa theo style 1960 – 1970 của Sài Gòn. Các bạn nhà văn, nhà thơ Lý Lan, Nguyễn Nhật Ánh, Thanh Nguyên, Bùi Chí Vinh, Lê Thị Kim, Nguyễn Đông Thức, Phạm Sỹ Sáu… hẳn còn nhớ những buổi gặp gỡ ở đây với người tổ chức: madame Vũ Kim Hạnh”.

Biệt thự 29 Duy Tân trước 1975 của dược sĩ La Thành Trung, em dược sĩ La Thành Nghệ do VP KTS Hoa – Thâng – Nhạc thiết kế – Ảnh Thanh D.Nguyen

Đó đều là những cây bút tên tuổi của Sài Gòn sau 1975. “Madame Vũ Kim Hạnh” vốn là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – một vị tổng biên tập sắc bén, mạnh mẽ, táo bạo, dám làm và dám chịu trong giai đoạn Tuổi Trẻ đổi mới ngoạn mục sau 1986. Họ hồn nhiên và lãng mạn biết bao nhiêu, yêu như yêu thuở ban đầu.

Qua ba đời chủ mới, nhưng ít ai biết người chủ cũ là ai? Và có lẽ nhiều người cũng không biết người chủ cũ trước 1975 của ngôi nhà ấy cũng một thời lừng lẫy, ngang dọc khắp Sài Gòn với sự táo bạo của sáng tạo – cách tân; làm thay đổi hoàn toàn diện mạo kiến trúc Sài Gòn sau 1954.

Đây là căn biệt thự của cố kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa (1916-2005) – một trong những cây đại thụ góp phần quan trọng của nền kiến trúc hiện đại Sài Gòn trước 1975 – dùng làm Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc, nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975.

Căn biệt thự này ông Hoa mua lại năm 1953 của ai, con út ông, anh Nguyễn Văn Thanh, hiện là kỹ sư xây dựng bên Mỹ cũng không rõ vì lúc ấy chưa sanh ra. Diện tích ban đầu 673m2, số nhà 4 Garcerie dù từ năm 1952, chính quyền Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại đổi tên đường Garcerie thành đường Duy Tân (hiện nay là số 12 Phạm Ngọc Thạch). Tại sao nó mang số 4? Vì lúc đó đường Garcerie chỉ bắt đầu từ hồ Con Rùa hiện nay đi xuống. Đoạn đường từ hồ Con Rùa lên nhà thờ Đức Bà mang tên khác. 

Ban đầu, văn phòng chỉ chiếm hai phòng bên trái, phần còn lại gia đình ở. Ông Hoa mua thêm một căn biệt thự của người Pháp ở số 18 đường Phùng Khắc Khoan, cho gia đình ở, tách khỏi nơi làm việc. (Sau 1975, ngôi biệt thự này hầu như giữ nguyên không thay đổi, hiện là Tòa lãnh sự Indonesia).

Sau khi gia đình kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa về 18 Phùng Khắc Khoan thì ngôi nhà số 12 Duy Tân, được nới rộng bằng một dãy phía sau để xây một phòng làm việc lớn cho họa viên (sau 1975 là hội trường, phòng họp khi báo Tuổi Trẻ và Khăn Quàng Đỏ ở đây).

Căn nhà bên trái của Việt Nam Du lịch cuộc trước 1975 là của dược sĩ La Thành Nghệ, số 10 Công trường Chiến Sĩ – Ảnh tư liệu

Nghệ thuật kiến trúc của ông Nguyễn Văn Hoa thuộc trào lưu Hiện đại vào thời đó nhưng vẫn hiện đại, sang trọng cho tới giờ. Nếu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (thiết kế dinh Độc Lập) gốc Huế, thiết kế hiện đại và thâm trầm thì kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa sanh ở Cần Thơ nhưng quê Sóc Trăng, học kiến trúc ở Hà Nội đi vào những nét sổ ngang dọc gọn ghẽ; có phần còn táo bạo, hiện đại hơn Ngô Viết Thụ. 

Một loạt công trình lớn ở Sài Gòn do Văn phòng Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc thực hiện: khách sạn Caravelle, ngân hàng BNCI (đường Tôn Thất Đạm), Hội Việt Mỹ (đường Mạc Đĩnh Chi), ngân hàng Việt Nam Thương Tín (đại lộ Hàm Nghi), nhà máy giấy Cogido (Biên Hòa), nhà máy dệt Vinatexco (Gò Vấp), nhà bào chế thuốc Roussel (đại lộ Nguyễn Huệ), cao ốc 22-24 Gia Long (Lý Tự Trọng)…

Thập niên 1960 – 1970, văn phòng này cũng thiết kế, xây dựng rất nhiều biệt thự kiểu Sài Gòn như biệt thự 178 Nguyễn Đình Chiểu (cạnh Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn), 2 bis Trần Cao Vân và biệt thự góc Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng hiện nay (của Hãng Shell – có lúc ông Đinh La Thăng ở, gần 161 Lý Chính Thắng) + khu chung cư Yên Đổ – Trần Quốc Bửu (cho công nhân Shell – giờ thuộc T.78)…

Ngày 24-4-1975, cả gia đình ông sang Mỹ (nơi người con trai đầu của ông đang là kiến trúc sư bên đó). Để lại cả một trời ước mơ kiến trúc hiện đại Sài Gòn dang dở…

Các anh chị Vũ Kim Hạnh, Lý Lan, Thanh Nguyên, Nguyễn Nhật Ánh , Bùi Chí Vinh, Lê Thị Kim, Nguyễn Đông Thức, Phạm Sỹ Sáu… cũng chia tay ngôi nhà ấy – để lại cả một quãng đời sau này, lịch sử không thể nào không nhắc lại: táo bạo, đột phá dữ dội trong làng báo cả nước chứ không chỉ Sài Gòn. Họ sống đầy ước mơ, ngập tràn yêu thương – lãng mạn và hồn nhiên đến vô cùng…

Có lẽ sự lãng mạn nào cũng ít nhiều phải trả giá. Nhưng tôi nghĩ họ để lại một cách sống Sài Gòn: sáng tạo một cách táo bạo. Và tôi cũng tin họ không tiếc nuối điều mình làm. Tôi cũng làm ở đó tám năm, từ 1985 – 1993. Cũng như các anh chị ấy: yêu cuộc sống đến vô cùng. Rồi cũng phải ra đi.

Ngôi nhà sau 1975, không rõ ai trồng một cây ngọc lan sau cánh cổng nhỏ. Nhà thơ Đỗ Trung Quân nhớ lại: “Nhớ cây ngọc lan lớn hoa thơm ngát trong sân trải sỏi trước cổng ra vào…”. Nó đã bị chặt bỏ khi mới khoảng bảy, tám năm tuổi. Khi tôi làm việc ở đây, nó cao khoảng sáu, bảy mét. Sài Gòn tháng Tư vốn mùa khô, nắng nóng, hoa sao dầu và lá ngọc lan rụng đầy sân. 

Để rồi tháng Sáu, khi Sài Gòn “trời mưa không dứt” (thơ Nguyên Sa), ngọc lan nở hoa trong ngọc trắng ngà,  ướp hương cả ngôi nhà. Nhưng rất nhanh, chỉ vài ngày, hoa ngọc lan rụng đầy sân. Chia tay đêm Sài Gòn, chia tay lãng mạn Sài Gòn, để lại mùi hương và ước mơ chưa trọn. 

Và vài năm nay, không chỉ cây ngọc lan, ngôi biệt thự Pháp rất bình yên và lãng mạn xưa cũng không còn nữa. Nó đã bị đập bỏ hoàn toàn và xây mới.

“Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ?” (Vũ Đình Liên)…

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1748763842236328&set=p.1748763842236328&type=3

https://vietnamweek.net/ngoi-nha-co-cay-ngoc-lan/

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: