MỘT CUỘC ĐỜI (Phần cuối)

Bạch Cúc

#Motcuocdoi

Tuệ giận dữ tra hỏi đứa bé. Nó ngờ nghệch lắc đầu bảo không biết. Hỏi tới hỏi lui nó vẫn cứng đầu không chịu nhận đã ăn cắp tiền của ai? Giận quá Tuệ liền lấy tay phát vào mông đứa bé vài cái. Nó gào lên khóc nức nở, rồi ngã lăn đùng ra giãy đành đạch và đòi đập đầu vào tường như thói quen cũ. Tuệ bất lực nhìn con bé rồi cũng òa khóc…

Sang ngày hôm sau, Tuệ đưa con bé đi siêu thị theo lời hẹn gặp của mẹ con bé. Hai người đàn bà ngồi ở quầy uống nước, mắt lơ đãng dõi theo con bé đang vọc đồ chơi trong khu thiếu nhi. Bỗng Tuệ giật mình sực nhớ chuyện xấp tiền con bé “ăn cắp của ai đó” nên bộc bạch: “Hôm qua em đã lỡ tay đánh nó mấy phát vào mông nhưng nó vẫn không chịu nhận đã ăn cắp tiền của ai, cả một xấp tiền năm trăm ngàn mới cứng…”. Mẹ con bé bỗng chộp lấy tay Tuệ lắc lắc, cô bảo đừng nghĩ thế oan con bé, tội nghiệp con. Chính cô là người đã bỏ tiền vào cặp con bé. Cô biết Tuệ ngày nào cũng soạn cặp vở cho con bé đi học, cô bỏ tiền vào là có ý gửi cho Tuệ, “cảm ơn” Tuệ đã thay cô chăm sóc dạy dỗ đứa bé. Cô cứ ngỡ Tuệ nhìn thấy xấp tiền là sẽ hiểu ngay ý cô, ai ngờ… 

Biết chuyện, Tuệ cương quyết trả lại tiền cho mẹ đứa bé, cô không nhận dù chỉ một đồng. Cô bảo cô ở đây là vì tình thương đối với đứa nhỏ, không phải vì tiền. Do thế, mặc cho mẹ đứa bé nài ép thế nào Tuệ vẫn quay lưng đi không nao núng. 

Mấy ngày hôm sau, khi đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa, Tuệ bỗng cảm giác một luồng gió lạnh xẹt qua ngang mặt. Cơn gió làm Tuệ rùng mình, da nổi sần gai ốc. Cô đứng ngây dại thẫn thờ rồi bỗng giật thót người: giờ này đã gần trưa sao vẫn không thấy bà – mẹ Linh gọi cô mang đồ ăn sáng vào như mọi khi? Tuệ quáng quàng chạy vào phòng bà, vừa mở cửa cô bỗng hét lớn…:

Mẹ của Linh nằm xõa xượt trên giường, đầu tóc bà rũ rượi, nửa trên giường nửa như sắp rơi xuống thành giường như vừa trải qua một cơn co giật, một tay bà buông thõng chạm nền đất, còn khuôn mặt sưng vù, tim tím, gần như không còn hơi thở…

Tuệ hốt hoảng gọi điện thoại cho Linh cùng lúc gọi ngay xe cấp cứu. Cô tất tả đưa bà vào bệnh viện. Tới nơi, các bác sĩ vừa ra sức súc ruột cho bà lão vừa lầm bầm mắng nhiếc cô vì họ tưởng cô là con gái bà. Cũng đúng thôi, Tuệ đã phải đưa bà vào đây lần thứ ba, cả ba lần đều có chung một lý do: uống thuốc tự tử!

Tuệ buồn rầu ngồi thụp xuống chân giường, cô bỗng cảm thấy mệt mỏi tới mức buồn nôn. Cô không hiểu vì sao mình lại bước chân vào ngôi nhà oan nghiệt này, không hiểu vì sao gia đình này giàu có, chất hàng đống tiền trong tủ nhưng chưa bao giờ cô thấy họ hạnh phúc:

Tuệ về nhà Linh được ít thời gian thì cha mẹ Linh đóng tiệm phở. Ông bà đã già và quá mệt mỏi với công việc cực nhọc mỗi ngày. Khi có người đề nghị mua lại công thức nấu phở, đắn đo mãi ông bà mới đồng ý bán lại bí quyết gia truyền với giá năm trăm triệu. Tuệ đã được ông bà thương hơn con ruột nên cô cũng được họ truyền lại cho cô bí quyết đó. Sau ngày tiệm phở đóng cửa, mẹ của Linh bỗng mắc chứng trầm uất. Bà nằm suốt trên giường thở dài từ sáng tới tối, ti vi mở suốt 24/24. Có nhiều đêm Tuệ thấy tiếng ti vi mở to oang oang, nhẹ bước qua phòng bà, Tuệ thấy bà ngồi trên giường, đôi mắt mở to nhìn chằm chằm vào ti vi nhưng: đôi mắt ấy trắng dã vô hồn, dường như tâm trí bà đang bay lạc tới một miền nào xa xôi lắm.

Từ ngày nghỉ bán phở, bà rảnh rỗi quan tâm tới con trai nhiều hơn thì phát hiện ra sự thật về Linh, đứa con trai yêu dấu mà bà kì vọng biết bao nhiêu cuối cùng chỉ là gã pê đê loang lổ phấn son khi đêm về; rồi bà lại phát hiện ra đứa cháu gái cũng chỉ là đứa “con hoang” của con đàn bà “dâm dật”, cô ta đồng ý lấy con trai bà chỉ vì tiền, cô sẵn sàng bán đứt đứa con còn ẵm ngửa cho Linh để lấy một đống tiền, để Linh dùng con bé làm bức bình phong và bà chẳng khác gì thân quạ già nuôi con tu hú. Không chấp nhận sự thật, bà rơi vào trầm uất nặng, từ đó bà chán chường tới mức không còn thiết sống nữa. Nỗi thất vọng và uất hận dày xéo tâm can bà mỗi ngày, mỗi giờ, nó khiến bà tự tử tới ba lần mà lần nào Tuệ cũng xuất hiện cứu bà kịp thời. Quả thật là định mệnh, ông trời chưa cho phép bà được chết!

Sau thời gian chăm sóc mẹ Linh ở bệnh viện rồi về nhà, Tuệ ngày càng bận rộn hơn vì ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ đứa trẻ, cô còn phải cáng đáng việc nhà và chăm lo sức khỏe cho mẹ Linh, một bà già tuyệt vọng, luôn tìm cách tự tử. Giờ đây, trong mắt mẹ Linh, Tuệ là chỗ bấu víu, chỗ dựa tinh thần duy nhất và cuối cùng của đời bà. Mẹ của Linh giờ đây cũng không khác gì đứa cháu gái, nghĩa là cũng quấn quýt Tuệ như hình với bóng và rất sợ phải xa rời Tuệ. Tuệ đã trở thành một bà mẹ hiền dịu của hai thân phận bất hạnh, một già và một trẻ, cả hai đều trói cuộc đời Tuệ vào cuộc đời họ và không chấp nhận chia lìa dù chỉ ít phút.

Từ ngày con bé đi học và mẹ của Linh sức khỏe đã khá hơn thì Tuệ bỗng cảm thấy buồn. Cô đề nghị Linh xin việc cho cô làm, cô muốn kiếm thêm ít tiền để phụ giúp cha mẹ, họ đã tốn quá nhiều tiền để mua một chân viên chức nhà nước cho cô. May mắn cô tìm được một công việc ngay sát gần nhà Linh, một công ty cần tuyển tạp vụ đã có gia đình. Linh đã phải thiết kế, giúp cô tạo ra một giấy đăng ký kết hôn giả để bổ túc cho hồ sơ xin việc. Thế là Tuệ có việc làm mới, cô đi bộ tới công ty mỗi ngày và chăm chỉ với phận sự của mình. Cô hiền hòa nên được tất cả mọi người trong công ty vô cùng yêu quý.

Vào làm công ty này, Tuệ mới thật sự có niềm vui và có thêm được những người bạn chân thành. Một trong số những người bạn đó đã giúp cô tìm hiểu về đạo Phật, họ giúp cô thấu đạt lẽ vô thường, chấp nhận nhân sinh quan của cuộc đời và đặc biệt họ giúp cho cô nhận ra tình thương của cha mẹ dành cho cô. Trước kia lòng Tuệ chán ngán và luôn buồn tủi, cô thường oán trách cha mẹ vì cô sợ phải đối diện với cơn thịnh nộ của cha mẹ trong việc hối thúc cô lập gia đình. Cô cứ nghĩ cha mẹ không thương nên mới la mắng cô từ ngày này sang ngày khác. Chính vì thế cô đã không ngần ngại theo Linh vào Sài gòn, cô muốn thoát ly gia đình và cô muốn rời bỏ công việc ở một nơi mà nhìn quanh bốn phía, cô chỉ toàn thấy sự giả dối và ác độc của những người đang giữ nhiệm vụ lo cho dân, lo cho nước…

Khi tìm hiểu đạo Phật và ngộ ra được chân lý, Tuệ bắt đầu cảm thấy thương cha thương mẹ vô cùng. Đã rất nhiều lần cô muốn rời bỏ Sài gòn, cô muốn trở về làng quê nơi đã sinh ra cô và có gia đình cô ở đó… Ấy vậy mà Tuệ không thể về được, cô bị vướng đứa nhỏ, đứa bé gái như sợi dây vô hình cột chặt cô vào gia đình Linh. Tuệ thương đứa nhỏ hơn bản thân mình và cô biết đứa bé cũng yêu cô vô ngần. Nếu một ngày cô rời xa đứa bé, có lẽ đó sẽ là cú sốc cuối cùng của đứa nhỏ và Tuệ sẽ không còn cơ hội để sửa chữa…

Tuệ tìm đến cửa nhà Phật để nương tựa tâm linh. Cô có duyên hạnh ngộ với một vị Sư ông nổi tiếng và được ông ban pháp danh. Cô còn nhớ rõ ngày ấy, khi cô vừa bước chân vào cổng chùa thì đã thấy một chú tiểu đang chờ đón cô tự thủa nào. Chú tiểu ấy đưa cô đến gặp Sư ông, một sư thầy với dáng vẻ nhân hậu và minh triết, người ông lan tỏa sự yên bình và từ ái mà Tuệ thấu cảm rõ ràng hơn bao giờ hết. Sư ông như đã thấu rõ cả cuộc đời của Tuệ, không cần Tuệ nói một lời sư ông đã khuyên Tuệ đừng bỏ rơi đứa bé. Đứa nhỏ đó là nghiệp, là duyên nợ của cô ở kiếp trước, ông khuyên Tuệ hãy bình tâm ở lại căn nhà đó và chăm sóc đứa nhỏ, chắc chắn Tuệ sẽ tìm được hạnh phúc trong chính nội tâm của mình mà không cần phải chờ đợi một người đàn ông nào khác…

Và thế là Tuệ, bông Huệ trắng thơm ngát…vẫn chưa chồng!

Bạch Cúc Homestay

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: