MÌNH NGHĨ VỀ NGƯỜI HUẾ

Bạn bè mình dân Huế nhiều. Mình cũng đọc nhiều nhận xét của người miền khác về dân Huế. Một điều rất kỳ lạ, người Huế tưởng chừng nhàn nhạt, lững lờ như dòng chảy Hương giang, nhưng cảm xúc mà họ đưa lại cho người vùng miền khác thì hoàn toàn rạch ròi, dứt khoát. Ai yêu thì yêu hoài yêu hủy. Yêu từ phong cách Mệ kiêu kỳ kiêu ngạo đến tính cách gia trưởng (đôi lúc đến độc đoán). Yêu từ sự cẩn trọng, nghiêm nghị đến kỹ lưỡng gần như xét nét. Mà đã ghét, thì ghét đắng ghét cay, ghét tới mức nghe giọng nói đã hồ nghi, ghét đến 3 đời còn cấm kỳ giao tế.
Thật ra, nhìn người Huế bằng cái nhìn đơn cực, nhất nguyên, sẽ bị sai. Huế là mảnh đất của đối lập, mâu thuẫn. Đối lập, mâu thuẫn từ thời tiết. Mưa thì mưa dầm dề, trắng trời úng đất. Nắng thì nắng bỏng rát, khô rang, hạn bà chằn. Đối lập trong địa hình địa vật. Sông Hương nước chảy lững lờ. Nhưng sông Hương ấy lại được tạo dòng nguồn Bồ, nguồn Dinh bắt mạch từ Trường Sơn đại ngàn để đổ ra cửa Thuận An và phá Tam Giang sục sôi mùa biển động. Nhìn gần, Huế có “non Bình trăng treo” hữu tình thơ mộng, nhưng nhìn xa, có “Ngọn núi Truồi vừa cao vừa dựng”, có dãy Hoành Sơn hùng vĩ tách từ dải Trường Sơn uy trấn một góc trời, có Hải Vân đệ nhất hùng quan. Ngay cả dòng An Cựu trong lòng thành Huế cũng “nắng đục mưa trong” một cách khác đời.
Bởi thế, ca Huế có điệu Nam bình, có điệu Nam ai.
Bởi thế, triều đình Huế những năm đánh Tây có phe chủ hòa có phe chủ chiến.
Bởi thế, người Huế đầy mâu thuẫn nội tâm, nội tại. Có tốt xấu hay dở. Có dễ ưa và khó ưa. Có khôn khéo và ma giáo. Có thiện lương và tà ác. Có chân thật và giả tạo. Có hèn thần lẫn trung thần. Có giặc dữ và có người đánh giặc. Có văn nhân thi sĩ và có kẻ cầm súng bắn vào đồng bào. Tuồng như, mỗi tâm hồn Huế chứa một trái bom không bao giờ phát nổ, dù lúc nào cũng chực chờ bung phá. Huế, đối lập, mâu thuẫn trong chính mình, với chính mình, giữa người Huế với nhau. Sợi dây nhất quán xuyên suốt tính cách Huế là “mâu thuẫn, đối lập”.
Huế có Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương tài hoa vương giả, được vua Tự Đức hết lời ca tụng “Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”, được danh sĩ Trung Quốc Nhân Sùng Khánh ngợi khen “Phân tài trực bách Ngụy Tào Thực” nhưng lại có khởi nghĩa Chày Vôi của anh em Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực dám nổi loạn ngay trong vòng cương tỏa của triều đình, khi bị giam chờ ngày xử lăng trì vẫn viết những vần Trung nghĩa ca khảng khái, hạch tội vua làm ngơ trăm họ, mải mê thi phú, mặc thuyền Tây khói lửa dọc ngang. Huế có Mạc Vân thi xã “khứ tuế, xuân tàn, hoàng điểu quy” còn có vè kinh thành thất thủ “Đốt từ chợ nội đốt đi”. Huế có nữ sinh Đồng Khánh, nề nếp, gia phong, “một hàng Tôn nữ cười trong nón” cũng có gái ngủ đò “Giữa sông Hương dợn sóng khuynh thành/ Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngả nghiêng”. Có Nhã Ca nghiêm cẩn, có Túy Hồng bạo liệt. Có những kẻ ba phải, cơ hội, hiếu chiến, lại có những nhân sĩ trí thức ngay thẳng, khí khái, hào hiệp, trượng nghĩa.
Có lẽ ở gần vua, phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, nên người Huế thường phát ngôn cẩn trọng, khéo léo, hay rào trước đón sau, hoặc để đối phương tự bộc bạch rồi họ lựa theo ý mà trò chuyện. Người trung chính thì dụng ngôn thần tình như kiếm khách đưa gươm, vừa sắc sảo vừa khôn khéo. Cũng vì kín nhẽ, nên nhìn thoáng, dễ cảm nhận dân Huế ba phải, thiếu lập trường. Kỳ thực, đằng sau vẻ trung dung lãnh đạm đó là một sự lì lợm, cao ngạo “ghê gớm”. Phải chăng, đó cũng là một biểu hiện của sự mâu thuẫn giữa cái tỏ bày và cái giấu kín? Người Huế khéo ở âm vực, âm điệu, chất giọng. Nghe họ nói, nghe cách họ lập luận, rất dễ bị thuyết phục. Họ còn khéo ở lời lẽ, nếu không đẹp lòng người thì cũng ít khi làm người ta mất mặt. Chọc giận một người Huế khó hơn người vùng miền khác. Nếu không thể đối thoại, họ lẳng lặng tự bỏ cuộc. Đừng vội nghĩ họ tự ti, kém cỏi, mà là họ… không muốn phí thời giờ, không muốn va chạm. Họ kiêu ngạo trong vẻ nhún nhường. Khi họ cảm nhận không phù hợp cho mối quan hệ, rất có thể, họ sẽ im lặng ra đi đột ngột mà không màng tới tâm trạng đối phương. Nên đôi lần, được nghe than, Đừng yêu trai Huế. Họ trở mặt rất nhanh. Thật ra, họ tự thấy có lý do chính đáng là đủ, không cần biết ai nghĩ gì, không cần quan tâm ai sẽ hiểu sai.. Họ cũng không thèm phân bua, không giãi bày, không trần tình. Về mặt này, trai Huế không tinh ranh như trai Bắc, cũng không bộc trực như trai Nam. Có lẽ, đó là cách hành xử gia trưởng mang tính vùng miền. Nhiều khi, họ bộc lộ cảm xúc qua hành động. Rất kiệm lời. Ý tại ngôn ngoại, nếu người đối diện không tinh ý, sẽ không biết họ giận dữ hay vừa lòng, không đo đếm hết thâm tình họ dành cho. Thậm chí, để hiểu đủ, phải đi một đời mới thấm. Họ thương bằng cách vô ngôn, vô điều kiện, thoán đoạt hồn người tự bao giờ, khiến ta không còn cơ hội khước từ hay kháng cự. Đôi lúc, cảm nhận họ như một tứ Đường thi. Đẹp và…khó hiểu, khó bình. Nhưng, ở một thái cực khác, người Huế khéo mồm khéo miệng giao đãi cũng không ít. Đừng vội tin điều họ nói. Có thể họ nói rồi quên, để đẹp lòng chứ họ không có ẩn tình gì cả. Đừng vội thương, đừng vội lo, đừng vội nóng lòng cho họ. Họ không đáng thương đáng khổ như mình tưởng. Họ, thậm chí không có chủ đích mời gọi lòng thương. Chỉ là… đãi bôi quen miệng, như một thứ văn hóa giao tiếp rào trước đón sau của người kín kẽ chốn kinh kỳ. Nhưng khi đã thân tình, đủ tin cậy thì họ luôn thành thật. Trao cả lòng dạ. Có điều, ngay trong sự thành thật, tận tụy vẫn…rất Huế. Nghĩa là, ý tứ trong từng lời ăn tiếng nói, không hàm hồ, bỗ bã, ồn ào.
Dân Huế đa phần ít quan tâm chuyện chính trị (hoặc họ hiếm khi bày tỏ thái độ công khai). Nhưng ai đã quan tâm, bày tỏ, thường táo bạo, quyết liệt (nhưng vẫn khôn khéo để một đường lùi). Thử lý giải thế này. Thứ nhất, thời xưa, ở gần vua, hiểu rõ phân cách của phận dân cỏ, hiểu rõ sự uy nghiêm của luật lệ triều đình, nên họ giữ kín miệng, không bộc lộ suy nghĩ ra thành lời, cùng với thời gian, thì nó thành tính cách xã hội. Thứ nhì, do vị trí địa lý đặc biệt, nên thời nào dân Huế cũng là những người chịu nhiều tang thương do các biến động chính trị, từ đó, người ta sợ hãi, lảng tránh, chỉ mong mỏi được sống yên bình.
Huế còn mâu thuẫn ngay trong cách phát âm. Tôi nghe giọng Huế nhiều, nhưng thấy rất ít người nói giọng Huế chuẩn, mà thường pha chút Đà Nẵng, Quảng Trị… Có lẽ, người nói thứ giọng Huế đẹp nhất, thanh cảnh nhất, sang trọng nhất và cũng…lả lướt nhất, là Trịnh Công Sơn. Nhiều khi, người miền khác hay pha tiếng Huế như một cách đùa vui, cố bắt chước cũng không thể nào giống được. Nghe mấy cô diễn viên miền Bắc đóng Tuần ty đào Huế mới thấy phát âm rất chỏi vì mang âm vực lảnh lót cao độ của miền ngoài. Ngay từ “Huế”, để phát âm đúng điệu Huế, rất khó. Nó không sắc, mảnh, chói kiểu Bắc. Không nặng trịch thô thiển “Huệ” như nhiều người nhại tiếng. Nó luyến láy thanh âm từ trầm đến bổng, trùng xuống rồi vút lên đằm đượm. Nó ở quãng giữa của dấu nặng và dấu sắc.
Nói về Huế, về người Huế, không thể chỉ bằng vài ba lời mạo muội sơ sài. Nhưng chắc sẽ được thể tất, bởi nếu chưa đúng, chưa đủ thì càng có cớ để tìm để hiểu mà thương thêm. Lạ một điều, thuộc không ít thơ về Huế, nhưng hễ cứ nhắc tới Huế, là lại bật ra những câu ca dân dã:
Ru em cho théc cho muồi,
Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh,
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Những câu ca này không mâu thuẫn, không đối lập gì cả. Nhưng ngâm lên, thấy Huế tự bao đời

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: