Những ánh lửa vàng nhảy múa bập bùng xung quanh quầy bar dọc theo một dải hẹp những chai rượu whisky.
Một lúc sau, nhân viên pha chế rượu (bartender) xăm trổ mặc chiếc áo nịt có in hình con báo trèo lên mặt bàn gỗ và bắt đầu lắc lư theo những nhịp điệu mạnh mẽ của giai điệu Back in Black của nhóm AC/DC. Những động tác của cô thu hút mọi ánh mắt bên trong căn phòng nhộn nhịp.
Đó là đêm thứ Bảy tại quán bar Rock Box ồn ào và thất thường ở khu Rives de Clausen của Luxembourg, một quận sản xuất bia từ thế kỷ 12 được xây dựng lại thành một khu giải trí.
Một trong điều mà tôi lầm tưởng trước giờ về thành phố lôi cuốn này đã tan thành mây khói.
‘Gibraltar phương Bắc’
Chán ngắt. Tẻ nhạt. Một thị trấn ma vào cuối tuần. Tôi đã đọc được ở đâu đó những bình luận này.
Ít khi được đề cập đến trong các sách hướng dẫn du lịch châu Âu và dường như là nơi của giới công chức mặc com-lê, mang giày chỉn chu thỉnh thoảng xuất hiện trên các kênh tin tức địa phương, thành phố có vẻ giống một trung tâm tài chính kiểu Frankfurt, nơi người ta chỉ biết làm việc và làm việc, không chơi bời gì hết.

Tôi đã không kỳ vọng nhiều lắm. Nhưng không chỉ có buổi tối điên cuồng đó mới khiến tôi suy nghĩ lại về thành phố độc đáo này.
Mười hai giờ trước đó, tôi đã dành buổi sáng đầu tiên ở thủ đô của Luxembourg để đi bộ dọc theo Chemin de la Corniche, một lối đi dạo mang đến một cái nhìn toàn cảnh về địa hình sống động của Thành phố Luxembourg.
Cảnh quan hùng vĩ, nhiều tầng của thành phố, hoàn chỉnh với những hẻm núi sâu và những con đường ngoằn ngoèo giữa những tán cây rậm rạp và vách đá dựng đứng, tạo thành một bức tranh toàn cảnh cuốn hút.
Được nhà văn Luxembourg có tầm ảnh hưởng Batty Weber mô tả là ‘ban công đẹp nhất châu Âu’, con đường đi dạo nhìn ra những mái nhà quanh co của khu phố Grund nằm dưới thấp, dòng sông Alzette ngoằn ngoèo và ngọn tháp cô độc của Nhà thờ Saint-Jean-du-Grund.
Ở phía tây là Bock Casemates đồ sộ, một pháo đài tự nhiên được tạc trên mặt vách đá vốn đã trở thành một trong những thành trì chiến lược nhất của châu Âu vào thế kỷ 17.
Mang lại cho thành phố Luxembourg biệt danh ‘Gibraltar phương Bắc’, những công trình này đã được Unesco vinh danh là Di sản Thế giới vào năm 1994. Khung cảnh trở nên hoàn chỉnh với những cây cầu xa xa, cầu tháp cao và những ngọn đồi xanh mướt đổ xuống.
Thành phố của những thung lũng, cao nguyên và đường đi dạo này đã thu hút sự chú ý của tôi, nhưng, giống như nhiều người, tôi vẫn biết rất ít về Luxembourg – có lẽ là một điều lạ lùng khi nói về một trong những đất nước thịnh vượng nhất châu Âu.
Kinh tế năng động

Luxembourg City được coi là một trong những thủ đô nên thơ nhất ở châu Âu
Sau sự sa sút của ngành thép vào thập niên 1970, đất nước này buộc phải đa dạng hóa nền kinh tế và tập trung một cách khôn ngoan vào dịch vụ.
Giờ đây, với GDP đầu người cao nhất EU, Luxembourg đã trở thành một địa điểm hết sức hấp dẫn để kinh doanh, nhờ cơ cấu thuế thuận lợi, chính phủ ổn định và nằm gần các trung tâm tài chính lớn khác của châu Âu.
Là nơi đặt văn phòng của một số công ty lớn nhất thế giới, thủ đô của Luxembourg đã trở thành tâm điểm của trung tâm kinh tế năng động này.
Sự năng động đó đã lên tít báo toàn cầu vào đầu năm nay khi, hồi tháng Ba, Luxembourg trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phục vụ giao thông công cộng miễn phí trên cả nước.
Mặc dù chủ yếu là nỗ lực giải quyết nạn kẹt xe của Thành phố Luxembourg, nhưng đó là một bước đi táo bạo và là đặc trưng cho hướng đi của thành phố.
Bên cạnh việc thân thiện với môi trường, việc này cũng có nghĩa là du khách có thể di chuyển nhanh chóng từ sân bay đến trung tâm thành phố trên mạng lưới xe điện hiện đại mà không tốn tiền và không phải loay hoay tìm cho đúng tờ tiền.
Nhưng giống như tôi, Amanda Roberts, cựu luật sư và hiện là tổng biên tập của sách hướng tiếng Anh về Luxembourg ‘City Savvy Luxembourg’, biết rất ít về thành phố này khi bà đến đây lần đầu tiên, trước khi có lời đề nghị chuyển đi khỏi nơi ở của bà lúc đó là Brussels.
“Khi đang học thạc sĩ, tôi đã thực hiện một chuyến đi cho tòa án đến Luxembourg. Tôi đã dành nửa ngày ở đây và nó trông thật buồn chán,” bà nói với tôi. “Tôi không biết gì hết và thật sự là tôi từ chối chuyển đến đây.”

Với mức GDP cao nhất trong khối EU, Luxembourg đã trở thành địa điểm kinh doanh hấp dẫn
Đó là tám năm trước, và kể từ đó thành phố (và đất nước) đã vận động để thông báo cho mọi người về bản chất cởi mở và tư duy hướng về phía trước.
Các sáng kiến như Wi-Fi miễn phí toàn thành phố và kế hoạch hành động vì môi trường hiện đại đã báo hiệu tham vọng Thế kỷ 21 của Thành phố Luxembourg. Đất nước nhỏ bé này cũng tự hào với chênh lệch trả lương theo giới thấp thứ hai ở châu Âu.
Tuy nhiên, Roberts không phải là người đầu tiên cảm thấy xao động khi chuyển đến thành phố.
“Thực lòng tôi không nghĩ mình có thể tìm thấy nó trên bản đồ,” Martin Jonsson, một người Thụy Điển đã sống ở thành phố Luxembourg được bốn năm, cười nói. Jonsson đã sớm nhận thấy cuộc trao đổi ‘nhàm chán’ trong cộng đồng người nước ngoài khá đông trên mạng.
“Rất nhiều người đến từ London, Paris và những đô thị khổng lồ, và sau đó nếu họ đem so sánh những thành phố đó với Luxembourg thì sẽ là điều không thực tế. Tôi nghĩ bạn chỉ cần chủ động hơn 10% ở đây,” ông giải thích.
Văn hóa đa dạng
Và nhiều người trẻ tuổi của Luxembourg thấy tự hào về diện mạo của thành phố trong những năm gần đây.
“Tôi nghĩ nó bị đánh giá rất thấp,” Claudia Zaunz, sinh viên và là công dân Luxembourg vốn cũng dạy tiếng Luxembourg cho những người nói tiếng Anh, nói. “Đó là một thành phố xinh đẹp có lịch sử, văn hóa, đời sống về đêm và những nhà hàng ngon. Đó cũng là nơi chấp nhận bất kỳ ai từ bất cứ nơi đâu,” cô nói thêm. “Bạn là ai hay bạn có ngoại hình như thế nào không quan trọng, bạn sẽ luôn được chào đón ở đây.”
Với tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Luxembourg đều được công nhận là ngôn ngữ chính thức, hiện trạng ngôn ngữ đa dạng và cơ hội việc làm dồi dào đã khiến thủ đô nước này trở thành nam châm thu hút giới trẻ có bằng cấp trên khắp lục địa.
Và bởi tiếng Anh là ngôn ngữ bổ sung nổi bật, được chấp nhận sử dụng ở nhiều công ty, phạm vi vươn xa của Luxembourg đã lan rộng ra toàn cầu.

Trên thực tế, mặc dù Thành phố Luxembourg chỉ có dân số khoảng 120.000 người, nhưng hơn 70% cư dân thành phố lại không phải là công dân Luxembourg mà là người đến từ 168 quốc gia khác nhau. Điều này khiến cho nó trở thành một thành phố hết sức đa dạng, và có sự pha trộn của các nền văn hóa này.
Một phần đáng kể lực lượng lao động của thành phố đến từ các quốc gia lân cận, điều này có nghĩa là trung tâm thành phố rõ ràng là ít nhộn nhịp hơn vào các buổi tối và cuối tuần.
“Đó là một vấn đề lớn,” Sebastian Redekker, giám đốc điều hành của Visit Luxembourg, cho biết.
“Tạo động lực cho mọi người khám phá nơi họ làm việc là một phần trong chiến dịch của chúng tôi,” ông nói với tôi. “Cảm giác ở thành phố khá đặc biệt. Nó không hề nhàm chán chút nào nếu nói về ẩm thực và văn hóa.”
Ẩm thực phong phú
Với một số món ăn truyền thống thịnh soạn nhưng phong phú, nền ẩm thực của nước này về mặt lịch sử là sự phản ánh lạ lùng của vị trí địa lý của nó ở trung tâm châu Âu.
‘Ẩm thực Pháp với sự pha trộn của Đức’ là nhãn hiệu châm biếm vốn không hoàn toàn là kém chính xác, nhưng thành phố này hiện có một loạt các nhà hàng cao cấp, phản ánh sự đa dạng văn hóa rộng lớn của thủ đô, từ Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đến Bangladesh, Ấn Độ và Nhật Bản.

Một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của thành phố trong những năm gần đây là Chiche!, một nhà hàng Trung Đông phát đạt có lẽ tóm gọn tốt nhất sự năng động và đa dạng của thủ đô.
Bếp trưởng người Syria Chadi đã thuê các đầu bếp từ Iraq, Afghanistan, Somalia và các nước khác nữa, tạo cơ hội cho các đầu bếp từ nước ngoài hòa nhập vào cuộc sống Luxembourg bằng cách cho họ những công việc có ý nghĩa, giúp tài năng họ tỏa sáng.
Khởi đầu như một nhà hàng tự phát vào năm 2015 và hiện mở rộng thành hai nhà hàng hoàn chỉnh, đó là câu chuyện khác thường ở một thành phố nhỏ nhưng cởi mở và năng động không ngừng.
“Có rất nhiều cơ hội để mang thứ gì đó từ đất nước của bạn vốn chưa tồn tại hoặc tạo ra một cái gì đó mới mẻ,” Roberts nói. Không tệ đối với một thành phố tẻ nhạt khó tìm thấy trên bản đồ.
“Lúc đầu, tôi nói là ‘không đời nào tôi chuyển đến Luxembourg’,” bà cười và nhìn lại. “Lúc đó tôi thật sự dứt khoát không chuyển đến và bây giờ thật buồn cười vì tôi sẽ không bao giờ ra đi.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.