Global Footprint: Vài lời về Đế Thiên, Đế Thích 

Giang Công Thế

Năm 2009 được người bạn IT lái xe theo đường số 6 từ Phnom Penh đi Siem Reap, chuyến đi thật thú vị.

Hồi nhỏ thường nghe bố mẹ kể về Đế Thiên Đế Thích như một nơi thánh thần trú ngụ, tôi cứ nghĩ nơi này bên chỗ Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Hôm nay mới biết đó chính là nền văn minh rực rỡ Angkor Wat (Đế Thiên) và Angkor Thom (Đế Thích) có từ hàng ngàn năm. Cố đô Hoa Lư nhà tôi có lẽ chỉ bằng một góc nhỏ của Đế Thiên.

Với tuk tuk nửa ngày đi vòng quanh cố đô, tôi thực sự được chiêm ngưỡng một trong những kiệt tác kiến trúc hùng vĩ nhất thế giới. Hàng vạn cuốn sách, bài báo viết về Angkor Wat, entry này kể thêm cũng bằng thừa. Chỉ xin trích dẫn vài câu chuyện của người xưa cách đây 500 năm.

Một góc Đế Thiên
Photo : Giang Công Thế

Nhà thám hiểm Antonio da Magdalena (Bồ Đào Nha), ghi lại 1586, khi đến Angkor “Cách nửa dặm từ thành phố này là một đền gọi là Angar (gọi nhầm). Đây là một công trình ngoại hạng, thật khó tả, kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới. Angar có các tháp, kiến trúc trang trí bởi tinh tuý của nhân loại. Đền được bao bọc bởi hào nước, đi vào đền bằng một cầu, được bảo vệ bởi hai tượng cọp bằng đá rất lớn và dữ dằn làm cho du khách phải sợ hãi”.

Vào năm 1601, một người Bồ Đào Nha khác cũng ngạc nhiên trước sự kỳ vĩ của nền văn minh Khmer, khi tới đây đã thấy “Có thành phố cổ xưa đã bị đổ nát mà một số người cho rằng đã được xây bởi Alexander Đại đế hay bởi người La Mã. Thật kinh ngạc, không còn ai sống ở đó, chỉ có thú dữ trú ngụ. Người địa phương nói rằng Angkor Wat được xây bởi người ngoại quốc”.

Thời vua Surja-warman II (1113-1150), Angkor Wat được xây để thờ thần Vishnu của đạo Hindu (Ấn Độ giáo). Sau này, người Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành nơi thờ Phật. Người ta đồn rằng, kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy trong thế kỷ 15, các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh. Angkor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được khám phá lại vào năm 1860 bởi Herri Mouhot.

Phù điêu trên tường
Photo : Giang Công Thế

Một bài báo gần đây trên National Geographic đã mô tả kỹ về Angkor Wat. Nếu tính cả toàn bộ thủ đô Angkor thì diện tích tương đương 5 lần thành phố New York và dân số gần một triệu dân thời huy hoàng. Được thiết kế trong một hệ thống điều hòa thủy lợi giúp thủ đô Angkor Wat không bị ngập lụt vì dòng sông Tonsle Rap về mùa lũ hay không bị hạn hán về mùa hè.

Thành phố cổ có hệ thống sông hồ chứa nước tự nhiên khổng lồ do hàng trăm ngàn người đào đắp mà lên. Chính kiến trúc đô thị “thủy lợi” này đã giúp cho mùa màng tốt tươi, vùng này trở nên giầu có và nền văn minh Angkor có cơ hội phát triển.

Angkor gọi trong tiếng Khmer là kinh đô, một khái niệm được nhiều người chấp nhận. Anh Chhim nói rằng, Angkor là hồ nước bao quanh và Wat là chùa: chùa được bao trong nước. Lý thuyết này tôi thích hơn. National Geographic cũng nhắc tới thành phố thủy lợi này (hydraulic city) và đưa ra lý lẽ như anh chàng IT.

Gốc cây với vết đạn. Bộ rễ cây có tuổi ngàn nâm vì trùm lên cả mái đền
Photo : Giang Công Thế

Nhìn qua Angkor Wat, có lẽ thành phố được xây bởi người từ hành tinh khác. Những tòa tháp bốn mặt, tranh đôi nam nữ nhảy múa, hành lang tượng nhỏ trên tường, nối tiếp nhau chạy dài mấy chục mét ghi lại những trang sử Ấn Độ, Khmer, hay điệu múa nổi tiếng Apsara của các thiếu nữ nơi đây. Nhưng nền văn minh này có thật như những cổ tích khác về Inca, La Mã, Ba Tư hay cổ đại Trung Hoa, do chính người Khmer xây nên.

Những gì nhìn thấy trên đường số 6 với những ngôi nhà siêu vẹo, nghèo xác xơ, đọc báo về cánh đồng chết của Khmer Đỏ, dân bẫy dế làm thức ăn, bò gầy giơ xương hay anh hải quan xin tiền, không ai tin rằng tổ tiên họ trên miền đất này đã tạo ra một trong những nền văn minh nhân loại rực rỡ nhất thế giới.

Người ta không hiểu tại sao, một dân tộc như thế lại tạo ra Pol Pot và nạn diệt chủng, giết 4 triệu người bằng súng đạn, dao chém và vồ đập vào đầu đồng loại. Lịch sử sẽ tìm ra kẻ đứng đằng sau những tội ác kia vì những tính toán đê hèn, đẩy cả một dân tộc hơn một chục triệu người đến thảm họa. Nếu người Khmer là Khmer, là Campuchia, là Angkor, chắc không bao giờ có những cánh đồng chết. Khốn thay, có những kẻ như Pol Pot thích nghe xúi bẩy từ bên ngoài nên mới thành đại họa cho dân tộc.

Người ta cho rằng, nền văn minh Maya của Mexico bị tàn phá bởi thiên nhiên và Angkor Wat cũng bị một trận lụt khủng khiếp cuốn trôi đúng vào thời điểm đó. Nhìn những tảng đá khổng lồ bị bật lên, cả tòa tháp bằng đá đổ nát, không ai nghĩ do bàn tay con người phá hoại. Có thể một sức mạnh thần bí của thiên nhiên đã làm cho Angkor Wat thành nơi hoang tàn.

Hôm nay, Siem Reap đang hồi sinh với du lịch đến đông như hội dù Angkor Wat và Angkor Thom đã nhuốm mầu thời gian, những cây cổ thụ với bộ rễ khổng lồ đã trùm lên di tích ngàn năm, dân tộc Khmer bị nạn diệt chủng biến sang gam mầu xám.

Xe trở về Phnom Penh qua những làng mạc êm đềm và nhà cửa đậm nét kiến trúc Khmer. Những hàng cây thốt nốt cao vút có lẽ đứng đó đã mấy trăm năm bên ruộng lúa xanh mát mắt xa tận chân trời và đàn bò trắng gặm cỏ. Đất nước thanh bình, nền văn minh Đế Thiên Đế Thích, nơi cha mẹ tôi từng mong ước được đặt chân, đang được tái hiện.

Bài và ảnh: Hiệu Minh, PNP 21-07-2009.

Leave a Reply

More articles ―

Discover more from DU LỊCH CALIFORNIA

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading