Global Footprint: Qua đêm với nàng Bali

Giang Công Thế

Năm 2003 đến Jakarta (Indonesia) tôi rất lạ, ở đây không bán bia rượu trong quán, thiếu nữ mặc kín đáo, đầu chùm kín khăn (95% dân đạo Hồi). Nhìn chán, không hấp dẫn như các em Sài Gòn hay Hà nội. Tai nạn xe máy ở ta nhiều một phần do váy ngắn quá cỡ, các ông đi ngược chiều mải nhìn. Đôi khi các bà vợ ngồi sau còn nhắc nhở “anh ơi, nhìn kìa”, thế là đụng xe.

Từ Jakarta lên máy bay tới đảo Bali (Indonesia), tôi bị bất ngờ. Cả Tây lẫn các em Indo, váy cộc trên rốn, áo hở ngực cũng tới rốn. Em nào mặc áo t-shirt thì hình như “thả rông”, lủng lẳng như bưởi bòng bên trong.

Dân theo đạo Phật nửa vời như tôi nhìn các em đạo Hồi ăn mặc như thế chỉ còn cách lầm bầm “A mô a di đà”, ngoảnh mặt đi nhưng vẫn tiếc rẻ, thỉnh thoảng liếc trộm. Đi Bali nhất thiết phải sexy, đi biển không đa tình thì không phải đi biển.

Từ Dili, thủ đô của Đông Timor, thiên đường du lịch tương lai mà người dân đang mơ ước, sau hơn một giờ bay của hãng hàng không Merpati, tôi đã đặt chân đến đảo Bali (Indonesia), paradiso (thiên đường) du lịch có thật trong đời.

Sân bay quốc tế khá rộng và hiện đại so với một tỉnh 3,1 triệu dân có thủ phủ là Denpasar nằm phía nam của đảo Java. Với tốc độ kiểm tra hộ chiếu 2 phút/người và khoảng hai chục bốt soát hộ chiếu, nhưng phải đợi gần 2 tiếng mới ra khỏi sân bay. Thành phố đang mùa du lịch, khách tứ phương đổ về đông nghịt.

Đã qua đây vài lần nhưng lần nào tôi cũng vội, ngủ qua một đêm ở khách sạn để rồi hôm sau đi tiếp, chưa bao giờ được ngắm Bali. Lần này, đến sớm nên có dịp dạo phố. Đi bộ năm phút từ khách sạn Kuta Paradiso ra bãi biển cát trắng thấy chật cứng người dù đã chiều. Sóng cao vài mét, dân lướt ván tha hồ trổ tài.

Sắc mầu Hindu
Photo : Giang Công Thế

Người Bali theo đạo Hindu (93%) có nguồn gốc từ Nam Á, còn lại theo đạo Hồi. Có lẽ dân theo đạo Phật nửa mùa “ra khỏi chùa Bái Đính, ùa vô thịt dê Thanh Cao” như tôi thuộc loại hiếm ở đây.

Lái xe, người bán hàng tạp hóa, phục vụ nhà hàng, khách sạn, nói tiếng Anh như gió. Chả bù lần đi Bắc Kinh, vào nhà hàng đặt món ăn, dù trổ tài đủ các loại ngoại ngữ Anh-Pháp-Nga, không làm thế nào mua được món ăn như mình muốn. Cô bạn đi cùng đưa tay, và và vào miệng, ý nói mang cơm ra thì bố Tầu trọc đầu, béo quay, chạy phục phịch vào bếp một lúc và quay ra cười nhăn nhở với…đôi đũa.

Năm 2003 tôi tới đây sau khi Bali bị khủng bố (2002) làm chết hơn 200 người, hầu hết là nước ngoài, trên đường phố thấy dân viết khẩu hiệu “fuck terrorists – bọn khủng bố chó đẻ” khắp nơi. Đánh bom đã làm thiên đường du lịch Bali thành địa ngục một thời gian. Dân chúng bị mất nguồn thu nhập từ khách tứ phương nên ra sức đề phòng. Nhà hàng nào cũng có vệ sỹ cầm thiết bị kiểm tra vũ khí, xe taxi vào khách sạn được bảo vệ soi gầm, kiểm tra bom.

Bali có công nghiệp du lịch phát triển rất mạnh và là một trong vùng giầu có nhất của Indo. Nhà cửa không xây cao chót vót, chỉ khoảng 2-3 tầng, theo kiến trúc cổ kính Hindu. Nhìn cái cổng, hoa văn trang trí trên cánh cửa hay trần nhà đã thấy văn hóa đầy bản sắc hiện lên của thành phố rất riêng này.

Người phục vụ trong nhà hàng, xe tắc xi rất chuyên nghiệp và cười niềm nở, không thấy lườm nguýt như bên ta. Nhà hàng có các món ăn rẻ và ngon trên cả tuyệt vời, không thấy trong menu có rượu bia, nhưng nếu yêu cầu thì vẫn được phục vụ. Không biết đô la làm thay đổi văn hóa phục vụ hay văn hóa làm ra đô la.

Trang phục Bali
Photo : Giang Công Thế

Cửa hàng bán đồ lưu niệm rất nhiều. Tranh văn hóa Hindu, đồ thổ cẩm, thêu thùa. Đủ loại từ tượng gỗ, tượng đá đến cả “cái ấy” của đàn ông, to nhỏ đủ cỡ làm bằng gỗ…lim. Từ loại bé tý để giữ chìa khóa, rồi như thật, đến loại tây đen cũng chỉ nằm mơ. Ít ai dám mua về văn phòng, vì sợ các cô hỏi nghỉ biển Bali thế nào, cơ quan chỉ còn cách đóng cửa. Cũng lạ, họ treo lủng lẳng các “của nợ” ấy ở cửa ra vào. Nhiều người xem, thầm so sánh, đôi lúc thở dài và tự thấy Ninh Bình không địch được dân Bali.

Không hiểu ai là người nhìn ra sóng biển cao thành…tiền đô la. Và ai là người quyết không cho xây nhà cao tầng ở đây. Ai bắt dân phải học tiếng Anh, không xả rác, sống lịch sự có văn hóa từ lái xe đến chủ khách sạn. Ai cứ nhất nhất, đã xây nhà là phải Hindu. Và đó chính là cách tự khẳng định mình của người Bali làm nên giá trị không trộn lẫn trên thế giới du lịch này.

Có lẽ cũng chẳng phải ông Sukarno theo cộng sản Trung quốc để rồi ông Suharto theo Mỹ, đảo chính làm chết 200 ngàn người của tỉnh Bali giữa những năm 1960. Nhưng chắc chắn, một ai đã nghĩ đến, Bali phải là thiên đường du lịch nên mới có hôm nay. Để những anh chàng gà mờ như tôi tới đây, mỗi lần qua đêm ở Bali như với người tình trong mộng, lúc nào cũng thấy thèm, ra đi lại ước hẹn lần sau.

Không tin, bạn cứ thử “ngủ” với nàng một lần xem sao.

Bài và ảnh: Hiệu Minh. Bali. 18-07-2009

Leave a Reply

More articles ―

%d bloggers like this: