This is my Vietnamese translation of excerpts taken from “A Promised Land” by the 44th president of the United States. It is a work in progress; as always, please link back to this page for the latest updates. Comments or suggestions are most welcomed and appreciated. -ianbui
Nó đấy à?
Tôi không đến từ một gia đình có gốc gác chính trị. Ông bà ngoại tôi là dân miền Trung Tây, chủ yếu mang dòng máu Tô Cách Lan-Ái Nhĩ Lan. Gọi họ là cấp tiến cũng được, nhất là so với tiêu chuẩn các làng quê bang Kansas nơi ông bà tôi sanh ra và lớn lên vào thời Khủng hoảng Kinh tế. Hai người theo dõi tin tức hàng ngày. Tôi gọi bà ngoại là Toot, nói tắt của chữ Tutu tức bà ngoại trong tiếng Hawaii. Bà tôi thích đọc báo Honolulu Advertiser và hay nói với tụi tôi: “Làm công dân tốt phải biết chuyện thời sự.” Tuy nhiên, cả hai ông bà đều chẳng ai nghiêng theo phe phái hay hệ tư tưởng nào, ngoại trừ những gì họ cho là hợp với lẽ thường. Họ chỉ để tâm đến công việc — bà tôi là phó giám đốc tại một nhà băng địa phương, ông tôi làm nghề bán bảo hiểm — đến các món nợ hàng tháng, và đến các thú vui nho nhỏ mà đời sống họ cho phép.

Vả lại, ông bà tôi sống trên đảo Oahu, nơi chẳng có gì có thể gọi là cấp bách cả. Sau nhiều năm phiêu dạt từ Oklahoma sang Texas rồi lên tận bang Washington, cuối cùng ông bà ngoại tôi dọn hẳn sang Hawaii năm 1960, chỉ một năm sau khi Hawaii trở thành tiểu bang mới nhất. Thế là có cả một đại dương rộng lớn nằm giữa ông bà tôi và các cuộc xuống đường, biểu tình trên lục địa. Hồi nhỏ tôi nhớ chỉ nghe ông bà ngoại bàn chuyện chính trị một lần duy nhất, đó là lần thị trưởng Honolulu ra lệnh dỡ bỏ một quán rượu bên bờ biển Waikiki để làm đẹp bãi sau. Kẹt một nỗi, nó là quán bar ông ngoại thường xuyên lui tới. Ông tôi thề không bao giờ tha thứ tên thị trưởng nọ.
Mẹ tôi, Ann Dunham, lại khác hẳn; chuyện gì bà cũng có ý kiến. Là con một của ông bà ngoại, thời trung học mẹ tôi nổi loạn và chống lại mọi tiêu chuẩn lúc bấy giờ — bà đọc thơ hiện đại của phong trào beatnik và các triết gia Pháp thuộc trường phái hiện thực; bà bỏ nhà đi San Francisco chơi không nói với ai. Hồi nhỏ tôi hay nghe bà nói chuyện về các vụ biểu tình của phong trào Dân Quyền, vì sao chiến tranh Việt Nam là một thảm hoạ; về quyền phụ nữ (bà ủng hộ lương bình đẳng, phản đối cạo lông chân) và cuộc chiến chống nghèo đói. Khi chúng tôi sang Nam Dương để sống với cha dượng của tôi, bà giải thích cho tôi hiểu tội tham nhũng của nhà nước (“Họ là bọn cướp, Barry!”) dù hầu như ai cũng mắc tội này. Mùa hè năm tôi 12 tuổi, cả nhà làm một chuyến du lịch xuyên nước Mỹ. Mẹ tôi bắt mọi người ngày nào cũng phải theo dõi cuộc điều trần vụ Watergate, thỉnh thoảng bà chêm vô một câu bình luận kiểu như: “Thằng đó phò McCarthy nên nó phải vậy chớ sao!”

Nhưng mẹ tôi không chỉ quan tâm đến những hàng tít lớn nằm ở dòng đầu các trang báo. Một lần nọ bà khám phá tôi hùa theo đám bạn trong trường chòng ghẹo một học sinh khác. Bà kêu tôi ngồi xuống để nói chuyện. Môi mím lại, nét mặt bà tỏ vẻ thất vọng:
“Barry nè,” (ông bà ngoại hay gọi tôi bằng tên này, đôi khi rút ngắn lại thành ‘Bar’, phát âm giống như ‘Bear’ [‘Be’ trong tiếng Việt]), “trên đời có những người chỉ biết nghĩ đến mình. Họ không cần biết chuyện gì xảy ra cho người khác miễn sao họ có được cái họ muốn. Họ sẵn sàng giẫm lên người khác để cảm thấy mình quan trọng.
“Và cũng có những người làm ngược lại. Họ có thể mường tượng được cảm xúc của người khác, họ cố gắng không làm gì để người khác phải đau đớn hay khổ sở.”
“Vậy thì,” bà nhìn thẳng vào mắt tôi. “Con muốn làm loại người nào?”
Tôi muốn độn thổ. Câu hỏi của mẹ tôi, y như ý bà muốn, ở lại trong tôi suốt một thời gian dài.

Đối với mẹ tôi, đời sống đầy dẫy cơ hội cho ta tiếp thu những bài học về đạo đức. Nhưng tôi không thấy bà tham gia bất cứ chiến dịch tranh cử nào. Giống như ông bà ngoại, mẹ tôi nghi ngờ các thứ như cương lĩnh, giáo điều, sự tuyệt đối… Bà thích thể hiện các giá trị tinh thần của mình trên những tấm phông nhỏ hơn. “Thế giới này vô cùng phức tạp, Barry à. Bởi vậy nên nó thú vị.”
Buồn phiền vì chiến tranh ở Đông Nam Á, bà sống hơn nửa đời mình ở đó, tiêm nhiễm văn hoá và ngôn ngữ người bản xứ. Bà lập ra các chương trình giúp người nghèo vay tiền ở mức nhỏ — gọi là micro-lending, nhiều thập niên trước khi micro-credit trở nên thịnh hành nhờ các cơ quan quốc tế.
Ghét cùng cực tư tưởng kỳ thị sắc tộc, bà lấy chồng khác màu da không chỉ một lần mà hai lần, và dồn hết tình thương vào hai đứa con da màu của mình. Không chịu nổi những ràng buộc xã hội bà cho là vô lý, bà thẳng thừng ly dị hai người chồng khi họ tỏ ra quá gia trưởng và làm cho bà thất vọng. Mẹ tôi tự tạo sự nghiệp riêng cho chính mình, nuôi dạy hai đứa con theo những tiêu chuẩn bà cho là đàng hoàng tử tế. Nói tóm tắt, mẹ tôi làm bất cứ điều gì bà ưng bụng.
Trong thế giới của mẹ tôi, chuyện riêng tư mới là chuyện chính trị — tất nhiên bà sẽ không bao giờ nói ra câu đó như một khẩu hiệu.
Nhưng không có nghĩa là mẹ tôi không có hoài bão cho đứa con trai của mình. Mặc dù tài chánh eo hẹp, mẹ và ông bà ngoại vẫn cố gắng cho tôi đi học tại Punahou, trường tư thục tốt nhất Hawaii. Đại học là chuyện đương nhiên, miễn bàn. Nhưng không ai nghĩ tôi sẽ có chức vụ nào đó trong chính quyền. Nếu có ai hỏi, cùng lắm mẹ tôi hình dung tôi sẽ đứng đầu một tổ chức từ thiện như Ford Foundation chẳng hạn. Ông bà ngoại thì rất muốn tôi trở thành quan toà, hoặc một luật sư sắc bén như Perry Mason trên TV. Ông tôi hay nói nửa đùa, “Ít ra cái miệng dẻo quẹo của nó sẽ có chỗ xài.”

Tôi không biết nhiều về cha mình, nên ông cũng không đóng góp gì nhiều cho những quyết định của tôi. Tôi hiểu lờ mờ rằng ông từng làm việc cho chính quyền Kenya một thời gian. Hồi tôi 10 tuổi ông có bay sang Hawaii và sống với mẹ con tôi khoảng một tháng. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi gặp ông. Sau đó thỉnh thoảng ông có viết thư cho tôi, trên loại giấy mỏng màu xanh nhạt có thể gấp lại thành phong bì, in sẵn chỗ để ghi địa chỉ. “Mẹ nói con có vẻ muốn học kiến trúc,” ông viết trong một lá thư. “Cha thấy đó cũng là một nghề thực dụng, có thể kiếm được việc làm bất cứ nơi nào.”
Đại khái vậy, chẳng có bao nhiêu.
Còn về cái thế giới ngoài gia đình — hình ảnh mà mọi người nhìn thấy nơi tôi tuổi mới lớn không hề có nhà lãnh đạo tương lai nào cả. Có chăng là một thằng học sinh nhác lười, ghiền bóng rổ nhưng không có tài năng, tiệc tùng nhậu nhẹt liên miên. Đừng hòng nghĩ tới chủ tịch hội đồng học sinh hay hướng đạo đại bàng gì cho tôi sất. Trong bốn năm trung học tôi và đám bạn chẳng bàn chuyện gì ngoài thể thao, nhạc nhiếc, gái gú, và tìm mọi cơ hội để phê.
Ba tên trong nhóm bạn ấy — Bobby Titcomb, Greg Orme, và Mike Ramos — giờ vẫn còn rất thân. Cho tới bây giờ bọn tôi vẫn có thể cười ngất hàng giờ kể cho nhau nghe những câu chuyện quậy phá thời niên thiếu. Về sau họ đã dồn hết sức lực vào những cuộc tranh cử của tôi với lòng trung thành tuyệt đối mà tôi vô cùng mang ơn, họ sẵn sàng nhảy ra biện hộ cho tôi không thua gì các phân tích gia chuyên nghiệp trên MSNBC.
Nhưng cũng có những giây phút, khi tôi đã làm tổng thống — sau khi họ xem tôi diễn thuyết trước đám đông, hay nhìn thấy cả binh đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến giơ tay chào rụp rụp khi tôi thăm viếng một căn cứ quân sự — gương mặt họ không giấu được nét ngờ ngợ, như không thể tưởng tượng nổi cái tên tóc bạc trong bộ áo vét cà vạt kia từng là một thằng con nít nửa người nửa ngợm họ quá quen.
Tôi đoán mấy tên bạn chắc đang nghĩ trong đầu, “Nó đấy à? Chuyện đéo gì đã xảy ra vậy?”
Và nếu bọn chúng có hỏi, tôi cũng chẳng biết phải trả lời ra sao.
“A Promised Land”, pp. 5-8 (ianbui dịch)
Nguồn : https://vietopian.wordpress.com/2020/11/20/dat-hua-a-promised-land-ch-1-2/