Vũ Thư Hiên cùng với Vũ Lương Vu
Ngôi nhà đầu tiên của gia đình tôi nằm bên hông trái Nhà Thờ Lớn.
Trước khi lập gia đình, cha tôi ở với ông anh cả là bác Phán Linh. Cả họ gọi ông là ông Phán Linh, với giọng kính trọng, chả gì ông cũng là thông phán tòa sứ. Thời ấy các ông thông, ông phán danh giá lắm. Lương cao, bổng hậu, ông nào ông ấy đều có nhà riêng, có xe nhà đưa rước. Ông nào làm sang thì xe còn có rèm thùa kim tuyến.
Mẹ tôi ở với bà ngoại và ông anh duy nhất làm ông phán Sở Dây Thép (Nhà Bưu Điện). Tôi không nhớ tên cái phố hay cái ngõ gia đình tôi ở. Hình như nó có tên Ngõ Trạm. Mọi ười trong họ mỗi khi nhắc tới thời gian ấy đều nói: “Hồi nhà cháu ở phố Nhà Chung”. Phố nàylớn, có cái ngõ ấy.
Gọi ngôi nhà là nói phóng lên, chứ nó là một căn nhà rất nhỏ, rất thấp, rất hẹp và rất tối. Những căn khác cũng y hệt, xếp thành một dãy đều tăm tắp. Bên trong nhà ban ngày tối thui, bước ra đường là chói mắt. Trước nhà có một cây bàng nhỏ lưa thưa lá. Chỉ có thể nhìn thấy đồ vật trong nhà khi cả cửa ra vào lẫn cửa sổ được mở toang và mọi ngọn đèn điện lom đom đều được bật.
Nhà vắng, chỉ có cha mẹ tôi và chị người ở là “cái Nhài Hiên”. Tôi không biết tên thật của chị là gì, cả lúc nhỏ, cả sau này. Bố mẹ tôi thuê chị. để trông nom tôi. Chị đến với một cái thúng trên đầu và ra đi cũng với cái thúng ấy. Với tôi, “cái Nhài Hiên”là người mẹ thứ hai.
“Cái Nhài Hiên” xốc nách cho tôi tập đi những bước đầu tiên. Cái Nhài Hiên hiền lắm, không bao giờ chị trừng phạt tôi, cho dù một cái phát nhẹ vào mông. Chị bày đủ trò cho tôi chơi – cho kiến đen kéo đàn lũ tha xác ruồi y như đám ma kiểu Tây với cặp ngựa mão đen ngù đen thỉnh thoảng đi qua phố, có đội kèn tây đồng phục đen theo sau. Với con dao bài và mấy que tăm chị biến cái lá bàng thành con trâu có hai sừng cho tôi dắt đi, hoặc gấp giấy báo thành cái thuyền xinh xắn để tôi thả nó trôi theo dòng nước không ngừng chảy suốt ngày đêm bên hè.
Chị hay cười, phô hàm răng đen nhưng nhức. Mẹ tôi để răng trắng, hoặc trước kia cũng nhuộm đen, sau mới đánh trắng, tôi không rõ. Vào thời ấy đàn bà nước ta đều để răng đen, thiên hạ gọi người để răng trắng là những cô “tân thời”, bằng giọng không thiện cảm.
Học giả Nguyễn Văn Ngọc có bài viết rất hay về “tính hay bắt chước của người mình”. Như một nghịch lý, nó lại đi kèm với cái đối lập với nó là tính dị ứng với bất cứ cái gì khác cái đã quen.
“Cái Nhài Hiên” yêu tôi . Trẻ con nhận ra ngay tình cảm của người lớn đối với mình. Tôi cũng quấn quýt chị. Chị ở nhà tôi suốt thời gian ấy, trong ngôi nhà đầu tiên. Chị rời nhà tôi ra đi khi nào tôi không nhớ. Hình như khi gia đình tôi chuyển đi tới ngôi nhà thứ hai hay thứ ba ở phố Nhà Rượu.
Rất nhiều năm sau tôi mới gặp lại chị.
Không hiểu chị tìm ra nhà mới của gia đình tôi bằng cách nào.
Một người đàn bà nhà quê về già, thấp bé, gương mặt thuần phác hằn những nếp nhăn khắc khổ, đặt tay lên vai tôi, nhìn kỹ vào mặt tôi như cố hình dung ra đứa bé ngày xưa bà từng ẵm trên tay, rồi lẩm bẩm như tự nhắc mình: “Ra là cậu Hiên đây”.
Hồi ở Nhà Chung mẹ tôi chẳng mấy khi ở nhà. Bà làm việc ở Nam Đồng Thư Xã của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phần đông bạn cha mẹ tôi là từ cái thư xã này. Họ mãi mãi là bạn bố mẹ tôi kể cả khi Đảng Cộng sản coi đảng viên Quốc dân đảng là kẻ thù. Trong những năm 1945-1946 đầy biến động của lòng thù hận có căn cứ lẫn không căn cứ, khi những đảng viên hoặc người bị nghi là đảng viên Quốc Dân Đảng bị truy lùng, bị sát hại, gia đình tôi vẫn là địa chỉ họ có thể tìm đến.
Cha tôi rất bận. Mỗi khi về nhà, ông bế bổng tôi lên, thơm vội vàng vào má tôi một cái rồi chúi vào công việc. Về sau này tôi mới biết hồi ấy ông làm báo. Nhà báo khốn khổ ra tờ nào tờ ấy bị đóng cửa. Tờ l’Avenir số 1 ra ngày 1/3/1936 chỉ sống được đến 15/8 cùng năm. Không nản, ông cho ra tờ Tân Xã Hội. Nó ra mắt ngày 29/9/1936 rồi bị đóng cửa chỉ sau hai số.
Trong nhà tôi còn lại con dấu của tờ Tân Xã Hội để lăn lóc trong ngăn kéo gầm tủ. Tôi lấy nó ra, bôi mực rồi đóng lung tung vào mọi chỗ có thể đóng.
Mỗi khi được chị Nhài Hiên hay mẹ tôi dắt ra phố, ấy là khi tôi đã chập chững biết đi, thì cái hông Nhà Thờ Lớn nọ che hết tầm mắt. Trên cái mảng xám xịt to lớn của nó ở đôi chỗ vẫn loáng thoáng màu xanh – vài dây leo với những lá bé tí xíu màu hồng pha xám.
Ra khỏi hông nhà thờ, tôi phải ngước lên mới thấy được hai gác chuông cao và cây Thánh Giá thấp ở giữa. Trên sân dẫn vào nhà thờ được lát đá sạch bong, chim sẻ ríu rít từng đàn bay lên bay xuống.
Sát nhà tôi có mấy căn sáng nào người ta cũng thắp hương ngoài cửa. Mùi hương thoang thoảng bay trong phố, bay vào tận nhà tôi. Tuy con phố sát nhà thờ, nhưng dân ở đây đi lương đông hơn đi giáo.
Căn hàng xóm bên phải là nhà một ông phú lít (cảnh sát, từ tiếng Pháp police được Việt hoá). Sáng sáng ông phú lít mặc đồ đen, dắt xe đạp đen, lững thững ra khỏi nhà. Đứa con gái bằng tuổi tôi lũn cũn theo sau. Ông ta xoa đầu nó vài cái rồi leo lên xe, không vội vã đạp đi. Ông phú-lít làm xa, suốt ngày không thấy ông về nhà. Ở khu Nhà Chung không thấy bóng phú-lít nào. Dân công giáo không có ai đái đường để mà phạt.
Phố im ắng lắm. Cửa mọi nhà trong ngõ thường đóng im ỉm. Chỉ có hai căn có cửa ra vào để mở là hai hiệu tạp hoá. Hai hiệu không có biển tên, hiệu nào cũng bán cùng một thứ – dầu hỏa, tương, nước mắm, bánh kẹo và rất nhiều miếng ô mai vuông bọc giấy bóng kính xanh đỏ.
Trong dãy này có một căn đặc biệt. Một con ngựa gỗ sơn xanh đỏ, cao bằng một con chó rõ to đặt ở xế cửa. Mẹ tôi đã có lần dẫn tôi vào đấy. Một ông lang tóc bạc, búi tó củ hành, đứng trước cái bàn hẹp và nứt nẻ, bên trên có dao cầu, thuyền tán, sau lưng là cái tủ cao tới trần với vô số ngăn kéo to nhỏ. Căn nhà sực nức mùi thuốc bắc. Không nhìn khách hàng, ông lang lẳng lặng nhón từng chút vị thuốc, khi bỏ vào, khi bớt ra, khỏi cái đĩa cân, trút vào một tờ giấy bản, đoạn gói lại thật vuông vắn và buộc nó lại bằng một sợi cói.
Trong nhà có một gương lớn bên trên cái bàn chân quỳ. Để soi gương tôi phải kiễng chân mới thấy được mặt mình. Đứng bên mẹ tôi chỉ nhìn thấy mẹ trong gương. Bà chăm chú chải mái tóc dài, rồi vấn khăn. Bà vấn chậm, ngó nghiêng hồi lâu, cho tới khi hài lòng. Những người bạn mẹ tôi cũng vấn khăn y như mẹ tôi, dù tóc nhiều hay ít. Cái độn tóc để vấn khăn làm bằng vải, thả ra nó nằm đuồn đuỗn như con rắn.
Rắn ở thành phố thời bấy giờ nhiều. Chúng thường bò vào nhà, bị người ta đánh chết, vứt ra đường. Xác rắn, xác chuột bị xe cán bẹp dí. Nắng làm cho chúng khô cong như bánh đa.
Rồi tôi có em gái đầu tiên.
Tôi lẫm chẫm đến bên cái nôi từng là của tôi. Em tôi ăn xong là ngủ. Ngoan lắm. Tôi thích nhìn nó ngủ. Tôi đút ngón trỏ vào miệng nó. Nó vẫn ngủ, nhưng nún ngón tay tôi như bú.
Rồi đờ ra, ngủ tiếp.