Với các tín hữu Công Giáo, thì Nhà Đức Mẹ, là nơi mà nhiều người mong ước được đến một lần nếu có cơ hội. Căn nhà nhỏ ở lưng chừng núi này, là nơi mà Đức Mẹ sống những ngày cuối đời của mình. Đây cũng là mục đích chính của chuyến đi này của chúng tôi, một phần của chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ.
***
Đến được Nhà Đức Mẹ, con đường khá là gian truân, nhất là chuyến đi của chúng tôi, lại rơi vào ngay cái thời điểm, khi mà những cuộc khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ đang lên cao điểm trong mùa du lịch của năm 2016.
Trước khi vợ chồng chúng tôi đáp máy bay đến thủ đô Istanbul thì chỉ trong một tuần trước đó, đã có tới 2 cuộc đánh bom gây ra cho 25 người tử vong và gần 100 người bị thương, ở ngay trung tâm thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tập trung rất nhiều du khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Chương trình đã được chuẩn bị quá kỹ trước đó rồi, việc gì đến sẽ đến, và trong lòng chúng tôi rất muốn được đến thăm căn nhà mà Đức Mẹ còn ở nơi dương thế ngày ấy một lần, mà có lẽ nếu lần này không … liều đi, thì sẽ khó mà có cơ hội khác. Thế là bấm bụng, liều mạng lên đường. Chuyến bay từ Venice của Italy sang Istanbul chỉ mất gần 3 giờ bay.
Lần đầu tiên đến đây thấy khá lạ lùng, không thấy giống bất kỳ những gì mình đã được nghe nói về con người và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần thứ 3 sau khi chúng tôi đặt chân đến các quốc gia Hồi Giáo, nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài những ngôi đền Hồi Giáo ở khắp nơi ra, thì khó mà có thể phân biệt hoặc nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia Hồi Giáo, vì ngày nay người Thổ đã không còn giữ những phong tục, tập quán, cách ăn mặc và sinh hoạt nặng nề của người theo đạo Hồi nữa, mặc dù ở đây kia vẫn còn vài ba người phụ nữ trùm người kín mít. Những kiểu trang phục Tây Phương được cả 2 giới nam và nữ mặc như ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Phụ nữ trẻ, ăn mặc sexy và hở hang cũng táo bạo, nếu phải phạt đánh mỗi cô 5 roi, chắc không đủ roi mà đánh …
Thanh niên nam nữ mang nhiều phong cách Âu Mỹ vì một nửa của Istanbul bên này bờ sông Bosphorus thuộc lãnh địa của Châu Âu, họ hội nhập văn minh Âu Châu đến 90%. Mặc dù mỗi ngày, vẫn có đủ 5 lần cầu kinh ở những cái loa khổng lồ đặt ở những nơi công cộng, nhưng người dân, ai nấy cũng vẫn cứ tiếp tục công của mình như không có gì xảy ra, chẳng thấy ai trải khăn ra giữa đường quỳ gối cầu nguyện cả.
Du lịch tự túc ở Thổ Nhĩ Kỳ thì phải tự lái xe vì ở Thổ không có dịch vụ mướn xe kèm theo tài xế như ở VN mình, cũng không có những dịch vụ giao thông công cộng nhiều như ở các quốc gia phát triển khác và bắt buộc phải lái được xe số, vì 95% xe ở Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các quốc gia ở Âu Châu cũng thế, toàn xe số tay. Lấy xe xong, từ phi trường vào thủ đô Istanbul, khoảng cách là 32 cây số, lái xe mất độ 30-40 phút. Mà phải nói, tôi đã từng lái xe ở nhiều thành phố trên thế giới, ngay cả ở những thành phố nổi tiếng với các tay … lái lụa như Milan Ý Đại Lợi, nhưng nếu so với dân Thổ Nhĩ Kỳ, thì chắc chắn sẽ thua từ … vòng gởi xe. Tài xế người Thổ lái xe bạt mạng, ẩu tả và rất ba trợn. Đường có 3 làn xe, 5 chiếc chạy song song … đều đặn, 3 chiếc mỗi chiếc một làn xe và 2 chiếc kia chạy giữa 2 làn vạch.
Ở lại thành phố Istanbul hai ngày cho quen chỗ và thức ăn của người Thổ, vì sau này sẽ trở lại Istanbul nên sang ngày thứ 3 chúng tôi chuẩn bị lên đường từ sớm.
Từ Istanbul đến Canakkale đi đường mé bên Á Châu cảnh trí rất đẹp, yên bình và dọc đường có khá nhiều di tích lịch sử nhất là những địa danh mà hai trận Thế Chiến đã diễn ra, di tích và chiến tích lịch sử vẫn còn để lại. Lái xe tổng cộng mất khoảng 6 giờ đồng hồ, chưa tính giờ nghỉ ngơi, nhưng đã mất khoảng 2 tiếng đồng hồ để đi qua những chuyến phà dài thăm thẳm (nước mặn của Địa Trung Hải). Đất nước Thổ rộng mênh mông, ruộng vườn cò bay thẳng cánh, nhiều khi phải lái xe nhiều dặm đường dài ruộng vườn bát ngát, mới đi qua một vài thị trấn nhỏ.
Canakkale là một thành phố cảng rất đẹp, nơi đây có 2 di tích nổi tiếng, một là Cổ Thành Kilitbahir và một là thành Troy, nơi có huyền thoại về con ngựa Trojan Horse đã giúp người Hy Lạp thắng trận tấn công thành này sau hơn 10 năm bao vây nó, bằng cách cho một đội quân cảm tử núp sẵn trong bụng con ngựa gỗ khổng lồ này. Câu chuyện lịch sử này chắc mọi người đều biết. Chúng tôi ở lại đây nguyên buổi chiều hôm đó và một đêm để đi thăm viếng những thắng cảnh và thưởng thức hải sản đánh bắt được ở khu vực. Cá nướng và rau sà lách trộn dấm, là các món ăn chủ yếu của người Thổ. Nhà hàng phục vụ các món ăn ở đây rất ngon, giá cả lại không đắt đỏ như ở các quốc gia bên Tây Âu.
Sáng hôm sau, chúng tôi ghé thăm vài nơi trước khi tiếp tục khởi hành đến thành phố cảng đẹp và sầm uất khác, thành phố cảng Izmir. Biển ở đây trong và rất xanh, có nhiều loại cá nhỏ nhưng đặc biệt là không có cua, bất kỳ loại tôm cua nào.
Phải mất gần 5 giờ lái xe mới đến được Izmir. Ở bến cảng này còn có khu chợ hải sản sầm uất rất lớn. Cá ở biển Địa Trung Hải thường nhỏ, trung bình khoảng nửa kg, chỉ có ít cá to độ 1-2 kg mà thôi. Lại ăn hải sản và ngủ lại đêm ở đây. Thành phố biển này có nhiều khu vực ăn chơi cho du khách nhưng lại không có danh lam thắng cảnh nào để thăm viếng cả. Khu này còn có một con đường buôn bán rất sầm uất, điểm đặc biệt là dân bạn hàng toàn là cánh đàn ông … đẹp trai, có lẽ các phụ nữ Thổ, đã lo đi shopping cả rồi hay gì …
4 ngày trước khi rời Istanbul để đến thành phố biển Izmir, tôi mới book khách sạn ở đây. Tình cờ và may mắn, book được cái khách sạn chỉ cách bở biển vài buớc chân, được báo chí chấm là đẹp nhất, sang nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ gọi đây là khách sạn 7 sao, nhưng giá thì lại rất bèo, đang big sale, chỉ mất có 65 đô/đêm, bớt được hơn $200.00/đêm. Đến nơi, có người pha nước ép trái cây tại chỗ cho uống, đưa cho 2 loại khăn, một lau mặt và một lau tứ tung, lại còn được ở một cái phòng to hơn bất kỳ cái suites nào ở các khách sạn xịn bên Âu Châu, ngay cả những cái suites bên hồ Lucern ở Thụy Sỹ cũng không to bằng. Phòng lại còn có 2 cái lan can rộng và dài nằm ở 2 góc, trông ra 2 hướng biển. Ta nói, xui mà hên hết biết, chỉ vì bị oánh bom tơi tả quá, nên không có khách du lịch. Rẻ quá, sang quá, ngon quá, phải chi có giờ, ở lại nguyên tháng …
Nhưng đến được tới cái khách sạn này, phải trả cái giá khá đắt, cũng may …
Những chuyến du lịch đến những thành phố nổi tiếng với tài xế chạy ẩu, tôi thường gồng mình lên mua bảo hiểm đủ 100 chiều, nghĩa là bất cứ chuyện gì xảy ra, mình chỉ việc báo cáo rồi xách đít đi thẳng. Lần này cũng vậy. Theo cái GPS xịn, tôi lái xe hướng về địa chỉ của khách sạn và bấm cái “icon” xe hơi cẩn thận, vì đã từng bị GPS dẫn đường vào … tử lộ ở bên Italy, đi được nửa đường, đường teo lại như những con hẻm ở Sài Gòn. Vậy mà cái GPS mắc dịch, dẫn chúng tôi đến một cái ngõ hẻm … khá lớn, chỉ còn cách cái khách sạn chưa đầy cây số như để dụ nai tơ …
Càng đi sâu vào, con hẻm càng nhỏ dần, cho tới khi chúng tôi chỉ còn cách cái khách sạn, nằm bên kia ngọn đồi chưa đầy 300 mét thì đụng ngay cái khúc quẹo rất gắt, gần như 90 độ. De lại cũng chết mà chạy tới thì … chết chắc. Hàng xóm lúc đó bu ra đông như xem xiếc. De tới de lui mãi cũng không đi tới được vài gang tay, trời mát mà mồ hôi ra như tắm. Cái từ đâu một người đàn ông trong đám đông vẹt ra, ông này nói được tiếng Anh kha khá. Sau khi kể lể sự tình và chỉ tay về cái khu resorts ở xa xa, ổng gật đầu lia lịa, thế là ổng trở thành … lơ xe phụ. Ổng cứ chỉ tới chỉ lui, thấy cái đầu xe đã nhích dần được một đoạn, có nhiều hi vọng thoát hiểm. Cái ổng chạy lại bên cửa xe tài xế, vừa nói bằng miệng vừa nói bằng tay, tôi hiểu đại khái là phải quay bánh lái sang bên tay phải một chút, rồi vào số một, nhấn ga … dọt …
Tui làm đúng như ông ta chỉ, thì … rẹt rẹt rẹt … lọt qua được khúc cua tử thần, thỉ toang cha nó cái bửng xe đàng trước … Khán giả đứng ngoài vừa u vừa a vừa vỗ tay reo hò …
Đến được cái khách sạn, đành phải gọi chỗ cho thuê xe để report. Chưa đầy tiếng đồng hồ sau, có 2 anh thợ máy chạy đến tìm. Sau nửa tiếng hì hụi, mấy ảnh giải quyết rất gọn và lẹ … Gỡ cha nó luôn cái bửng đem đi, để lại cho mình chiếc xe … sứt mõm …
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lái xe đến thành phố Selçuk khu vực của Địa Hạt Ephesus. Nơi đây có rất nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử hàng ngàn năm, phải kể đến như:
• Cổ Thành Ephesus rộng hơn 3 cây số vuông, các di tích đá tảng được khai quật và trưng bày tại chỗ, bao gồm các cung điện của các giới chức trong triều đình xa xưa. Đi rã cẳng luôn.
• Di Tích đền thờ của Artemis, thực ra chỉ còn lại một cây trụ bằng đá đứng chỏng chơ trong một cái hồ rộng độ 200 mét vuông.
• Hệ thống dẫn nước của người La Mã cổ xưa.
• Đền thờ Hồi Giáo Isa Bey.
Hai nơi quan trọng cho các tín hữu Công Giáo ghé thăm phải kể đến là:
1- Di tích đổ nát hoang tàn của ngôi Vương Cung Thánh Đường St. John. Tương truyền rằng Thánh Sử John The Evangelist đã sống ở đây trong những năm cuối đời và viết xong phần Kinh Thánh của mình. Phần Mộ của ngài nằm ngay giữa Ngôi Vương Cung Thánh Đường này. Khu đất này khá rộng rãi, nằm trên một triền đồi mát mẻ. Đi chán, mệt, cứ việc đặt đít ngồi xuống những tảng đá khổng lồ, được dùng để xây đền thờ cách đây hơn 1 ngàn 5 trăm năm, được mang đến đây trong khoảng thời gian năm 525 – 565 sau khi Chúa Giê Su Về Trời.
2- Nhà Đức Mẹ, tiếng Thổ thấy ghi là Meryemana Evi hoặc Meryem Ana Evi. Đây là một ngôi nhà nhỏ làm bằng gạch, nằm trên lưng chừng ngọn núi Koressos. Đường lên đây cũng khá xa, khúc khuỷu nhưng không quá khó đi. Đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay những viên gạch, các phòng ốc để tưởng tượng ra nơi này, Đức Mẹ đã sống những ngày sau cùng của đời mình. Khung cảnh hoang sơ, buồn và tĩnh lặng.
Chuyến đi thăm Nhà Đức Mẹ phải nói là khá xa xôi và hơi vất vả nhưng vô cùng mãn nguyện. Sau nhiều năm trôi qua, những hình ảnh đó vẫn còn ghi đậm trong trí nhớ của tôi. Khó mà dùng chữ nghĩa để diễn tả.
Sau hơn 20 năm đi du lịch, qua 47 quốc gia trên thế giới, theo tôi, chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ này xứng được danh hiệu “chuyến đi thích thú nhất” và thủ đô Istanbul cũng được tôi chấm vào TOP 3 của “các thành phố phải đến”. Nó có những nét đẹp độc đáo, pha lẫn một chút kỳ lạ, đặc trưng mà không có nơi nào trên thế giới có …
Còn các bác chấm cho mình chuyến đi du lịch nào là “chuyến đi thích thú nhất”?
Thành phố nào nằm trong danh sách “các thành phố phải đến”?
*** Mới đó mà đã … 6 năm …
.
.