CHUYỆN của DAO … (Tập Kế Chót)

Giao Thanh Pham

Đang có hứng viết, chợt nhớ ra là hắn nói về hắn hơi nhiều, người ta lại bảo là … tài lanh, dạy đời, nên “tự giác” cần phải thắng lại, thế là Chuyện Của Dao, sẽ chỉ còn 2 tập chót này.

Trước khi nghỉ hưu, hắn cũng có ra sẵn chương trình hành động, làm sao cho khỏi “Nhàn Cư Vi Bất Tiện”, mà ở không thì Bất Tiện thật chứ chẳng chơi vì vợ vẫn còn phải đi cày mà, nghĩa là phải có việc làm gì đó, một thú vui nào đó, để khỏi lãng phí thời giờ và cái chương trình làm một cái gì đó, được hắn chuẩn bị kỹ lưỡng, lên đồ án mà người Mỹ gọi là “business planning” nộp cho thủ tướng. Vợ hắn nhìn cái chương trình mà miệng chữ O mắt chữ A …

Cái plan khá đơn giản, để có tiền giúp đỡ nhiều chương trình thiện nguyện khác nhau theo ý muốn, hắn cần phải có một nguồn thu nhập ổn định (passive incomes) hàng tháng, mà lại không muốn tiếp tục đi cày. Cái plan là hắn muốn có một ngân quỹ khoảng 2 chục ngàn đô, về lập một trại cá kiểng, tép kiểng và các loại cây thủy sinh kiểng. Từ đó, việc nuôi cho chúng sinh sôi nẩy nở rồi bán trên thị trường, mới có thể tạo ra một nguồn thu nhập dài hạn trong việc chi tiêu mà hắn muốn thực hiện.

Cái giao kèo vay nợ không tiền lời đó, hắn HỨA sẽ hoàn trả, sau khi hết hoạt động. Hắn phải phân tích sự lợi hai giữa việc moi tiền túi ra và việc có nguồn thu nhập sẵn để chi mỗi khi cần. Không lâu sau đó, cái trang trại cá của hắn thành hình. Và cũng không lâu sau đó, tiền thu nhập bắt đầu có và tạm gọi là ổn định, mặc dầu vốn đầu tư cứ tiếp tục đổ vào và nợ thì cứ tiếp tục chồng chất một cách … vô tư.

Trang trại cá của hắn có hơn 20 cái hồ cá lớn nhỏ. Các loại cá và tép kiểng toàn là những thứ khó nuôi và cần chăm sóc kỹ lưỡng hơn chăm … vợ đẻ. Cá dĩa và các loại cá nước ngọt, cá nước lợ được nhập về và thử nghiệm. Các loại tép cảnh cũng thế, nước ngọt có, nước lợ cũng có. Tôm cá đẻ ra trong vòng vài tuần là được “khách thập phương trên toàn nước Mỹ” đặt mua qua các hội nhóm chơi cá kiểng, qua những tổ chức chơi cá kiểng chuyên nghiệp trên mạng. Cá thì được ship đi trong vòng 24 giờ. Tép và cây cảnh thì lâu hơn, chừng 3-4 ngày.

Kỷ lục shipped hàng bị thất lạc lâu nhất là các chú tép cảnh đắt tiền shipped qua Seatle bị đi lạc qua tuốt Hawaii, 8 ngày sau người nhận mới nhận được. May mắn là tất cả đều sống sót, hắn chỉ mất $25.00 discount vì cái tội lề mề ba trợn của các ông USPS trả cho người mua để giữ uy tín.

Dịch vụ buôn bán của ông bán cá từ đó phát triển đều đặn, nhờ đó, ông bán cá có tiền gởi đi khắp nơi giúp đỡ như ý muốn.

Từ ngày còn trẻ, hắn vốn sanh trưởng trong một gia đình đông con, nghèo đến độ, khố thì rách mà bụng thì teo, lúc nào cũng phải nắm khư khư vì sợ … tuột. Hai chữ “Đói Lắm” gắn liền với cuộc sống của anh em hắn sau ngày 30 tháng 4. Thời đó, nếu Sài Gòn có người chết đói, chắc chắn gia đình hắn đã có trong danh sách đi tiên phong là cái chắc. Bởi thế, gần như cả cuộc đời ở Mỹ của hắn, 2 chữ thiện nguyện gắn bó như người tình trong mộng. Hắn còn nhớ, lần đầu tiên có công ăn việc làm ở Mỹ, lương đem về chưa được 1 ngàn đô một tháng, lương vợ được hơn 6 trăm, nuôi 2 đứa con, nhà ở mướn, vậy mà 2 vợ chồng hắn đã dám “bảo lãnh trường kỳ” cho 2 em nhỏ ở Phi Châu, mỗi tháng chia sớt $50.00 qua cái hội mang tên World Vision.

Năm 2012, hắn mở ra một “Hội Bảo Lãnh Đại Học Cho Các Em Sinh Viên Nghèo ở Sài Gòn”, chương trình có hơn 25 em được bảo trợ tài chánh để có thể tiếp tục việc học, mỗi năm mỗi em nhận được từ $200.00 đến $400.00 tùy theo ngành mình chọn. Kết quả hầu hết các em học ra trường ít là chương trình 2 năm tùy theo hoàn cảnh, phần đông học xong chương trình 4 năm, có 1 em học ra Dược Sĩ.

Năm kế tiếp, hắn đóng góp cho các chương trình “Mỗi Em Một Xe Đạp Đến Trường” ở miền Tây do các bạn trẻ ở Sài Gòn tổ chức. Từ năm 2013 đến 2015, hắn đóng góp cho các bạn miền Bắc giúp xây trường, xây giếng và xây cầu tiêu cho những người Dân Tộc nghèo ở trên những vùng Tây Bắc với NLT và ĐNT. Hắn cũng nhận lời làm chủ xị cho việc đào và xây giếng nước ngọt cho một số nơi ngập phèn ở miền Tây. Hắn cũng là một member, thường xuyên đóng góp cho Hội Chữ Thập của các bác sĩ ở miền Nam California tổ chức, hàng năm về Việt Nam giải phẫu mỹ thuật cho các trẻ em bị Sứt Môi và Hàm Ếch, cũng như giải phẫu mắt cườm cho các cụ già nghèo khó không có tiền chạy chữa và còn một số đóng góp khác.

Tất cả những số tiền có được để đóng góp, đều là từ cái trại cá nhỏ của hắn ở thành phố Cary, mà mỗi tháng hắn phải xài tới vài chục ngàn gallon nước để bảo dưỡng cá. Hàng xóm chỉ biết là hắn tưới cỏ rất chăm chỉ nên cỏ nhà hắn xanh nhất quả đất là nhờ đó, cũng may North Carolina dư thừa nước, chứ như ở California là kể như xong. 

Trước đây, hắn không bao giờ kêu gào ai đóng góp thêm trong các việc thiện nguyện, hắn chỉ lặng lẽ tự làm một mình vì trong đời, hắn đã từng thấy những dị nghị hầu như ở bất kỳ chương trình đóng góp nào, mà hầu hết, đều không bao giờ đúng đắn của những người có tâm địa ác, Không Đóng Góp Nhưng Luôn Dè Bỉu. Chỉ vì một lần vợ hắn nói với hắn: “Sao anh không làm ông lái đò, chở gạo qua sông?”

Và chỉ mới trong thời gian hơn 2 năm gần đây, hắn đã khờ khạo nhận lời làm ông lái đò tải gạo qua sông … để mang tiếng xấu nhất hành tinh, ông lái đó chở gạo của thiên hạ  … đi luôn … 

Chẳng phải hắn viết để kể lể hay khoe khoang vì hắn theo đạo Chúa, mà Chúa dạy rằng “khi con làm việc phúc đức, con cho tay trái, không để cho tay phải biết việc tay trái làm”, hắn nhớ nhập tâm, không bao giờ kể đừng nói đến khoe nhưng lần này, hắn kể hết để rồi lặng lẽ … ra đi cho êm đẹp. 

Những lời kể lể chí tình này, chỉ mong sao đến được những người một thời từng là bạn, những người chẳng biết vì lý do gì, đã hùa theo những kẻ xấu, bịa đặt, lên án và tấn công hắn qua ba cái chuyện xin tiền giúp đỡ các trẻ em nghèo người Dân Tộc ở Việt Nam mà hắn làm trong thời gian gần đây. Hãy cố gắng ngưng lại vì đó là TỘI NGHIỆP rất lớn, tội ÁC KHẨU. Không nên vì sự hằn thù cá nhân của một số người khơi động, mà lại vô tình đóng góp với những lời ong tiếng ve này mỗi ngày. Xin đừng tự rước vào người cái Khẩu Nghiệp không đâu một cách vô tình đó.

*** Mùa Hè năm 2016, sau chuyến du lịch hơn 45 ngày của hắn, về đến nhà, cái trại cá của ông bán cá chết hơn phân nửa cá và tép giống, không thể cứu vãn nổi nếu không đầu tư 100% tài lực và nhân lực vào đó. Cuối năm đó, với chương trình du lịch dài hạn trong tương lai và vì chủ trương dọn nhà, hắn bán sạch cá, tép và cây thủy sinh cùng các dụng cụ của trại cá. Ông bán cá lặng lẽ đóng cửa sạp cá mấy năm trời đã giúp ông trong việc thiện nguyện.

*** Bạn có biết, con số người chơi cá kiểng rất cao ở Mỹ hàng năm bỏ ra hàng tỷ đô để mua cá về nuôi chơi. Hắn từng bán những chú tép bé tí xíu với giá $25.00/con và phải mua ít nhất 5-6 con mới bõ tiền shipping. Có những chú cá dĩa đẹp, có giá trên $150.00 và tiền shipping trong ngày lên đến $75.00 là chuyện thường. Cây thủy sinh cũng có thể kiếm tiền được, dễ phát triển nhưng giá cả cạnh tranh rất khốc liệt và thấp vì hầu như ai cũng nuôi được. 

Riêng các loại tép kiểng, chỉ sai một tí xíu ở các độ hóa học trong nước, là qua một đêm, bay vài ngàn đô là chuyện thường, vì sáng ra, tép trong hồ chết la liệt. Nhờ đó, hắn nghỉ hưu không đi cày nhưng lại bận rộn suốt. Có bữa, tối đến sửa soạn lên giường, hắn ngồi bật dậy như bị ma nhập, vợ hỏi, hắn trả lời: “Anh quên, chưa check lại độ PH trong hồ tép nước lợ mới thay nước hồi chiều,” chúng đang đẻ dữ, mỗi con có giá $25.00. Thế là hì hà hì hục mất cả tiếng đồng hồ, mới rón rén trở lại giường ngủ.  

Leave a Reply

More articles ―

Discover more from DU LỊCH CALIFORNIA

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading