Chưa đi chưa biết Boston

Lê Tạo

Tôi đã đến Boston rất nhiều lần, đến nhiều nơi, xem nhiều thứ, chạm tay vào rất nhiều ngõ ngách có thể, nhưng rốt cục vẫn biết rất ít về Boston.

Tuần rồi, vợ chồng tôi và con gái út có dịp đi Boston. Lần này, tôi đi lại một vài nơi đã đi, và cũng đến vài nơi chưa từng đến. Những nơi đã đi qua, có đến thăm lại, cảm giác vẫn khác lần trước. Bước đi trên những cung đường ở Boston, có thể bạn đã đi trên cùng con đường mà Tổng Thống John Adams và John Quincy Adams đã đi làm hằng ngày. Cũng có thể bạn đã đạp trên vùng đất mà những người di dân (Pilgrim) đầu tiên đến Mỹ đã bước tới, đã đấu tranh với cái khí hậu khắc nghiệt, để rồi hơn một phần ba trong số họ đã nằm xuống trong năm đầu tiên trên lục địa mới.

Có thể bạn đã đến Boston nhiều lần, nhưng nếu đến United First Parish Church (Church of the Presidents), tôi cam chắc bạn sẽ có một cảm giác khác về Boston. Bước vào ngôi nhà thờ không lớn, nhưng cổ kính này, bạn có thể sẽ được ngồi xuống ngay tại vị trí mà Tổng Thống John Adams đã đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật, nếu bạn muốn. Nơi nhà thờ này, cũng là chỗ an nghĩ cuối cùng của hai vị tổng thống John Adams and John Quincy Adams. Lần này chúng tôi đến, và thật tiếc, nhà thờ đóng cửa. Vợ và con tôi không được dịp xem mộ phần rất khiêm tốn của hai nhân vật lịch sử này.

 

Phía trước nhà thờ nổi tiếng này, bạn sẽ thấy một nghĩa trang từ thời đầu của 1800’s. Hai đệ nhất phu nhân Abigail Adams and Louisa Catherine Adams cũng yên nghĩ ở đây. Rảo bước trong khuôn viên nghĩa trang này, bạn sẽ nhận ra một những cái tên gắn liền với lịch sử Hoa kỳ. 

Trong dịp ghé Boston lần này, chúng tôi đi theo dấu chân của những người di dân đầu tiên tới Mỹ. Những người “Pilgrim” đã vượt đại dương đến Hoa Kỳ bằng con thuyền MayFlower. Ho là những người “Vượt biển” đầu tiên tới định cư tại đây. Mục đích của chúng tôi lần này là được bước chân lên con thuyền này (được đóng lại với kích thước và hình dáng y như con tầu nguyên thủy), được trưng bày tại “Pilgrim Memorial State Park”, vùng Plymouth.  Tuy nhiên con thuyền này đang trong giai đoạn bảo dưỡng, có lẽ đến cuối tháng tư này, khách du lịch mới được tham quan. Chúng tôi hơi tiếc. Dẫu gì đi nữa, tìm về lịch sử thì Boston có quá nhiều tài liệu. Chúng tôi đến đài tưởng niệm, chứng kiến tảng đá “Plymouth Rock”, được khắc họa con số “1620”, đó cũng là năm những người Pilgrim đến Mỹ. Không ai có thể kiểm chứng được đây là tảng đá đầu tiên mà nhóm người này đặc chân lên đầu tiên, tuy nhiên, tảng đá lịch sử này được ghi nhận là bằng chứng tại địa điếm này vào năm 1741, tức là 121 năm sau sự cập bến của con thuyền Mayflower.

“Plymouth Rock” trở thành một biểu tượng của tự do. Nó đã được du khách viếng thăm gần một triệu người mỗi năm.

Cũng trong việc đi tìm dấu chân tự do ấy, chúng tôi chạy đến Provincetown của Cape Cod. Provincetown là mũi cuối cùng của Cape Cod ở cực bắc, nếu nhìn theo bản đồ của Massachusetts. Đây là một thị trấn nhỏ, mà mùa cao điểm nhất là mùa hè, cũng chỉ có khoảng 60 ngàn người ở đây. Đi dọc những con phố, bạn sẽ thấy những tấm bảng báo: chúng tôi sẽ mở của trở lại sau mùa xuân!

Cái tên Cape Cod cũng là một cái tên lịch sử, do một nhà thám hiểm người Anh tìm đến vào ngày 15 tháng 5 năm 1602, và đặt tên cho mũi cực Bắc này. Còn tại sao là Cape Cod, hãy để những người yêu lịch sử như bạn tìm hiểu.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1620, Những người Pilgrim (tạm gọi là những người hành hương?) trên tàu Mayflower đã nhìn thấy Cape Cod khi đang trên đường đến thuộc địa Virginia. Sau hai ngày thất bại trong nỗ lực chèo thuyền về phía nam, vì gió biển mùa đông mạnh mẽ, họ quay trở lại bến cảng an toàn, ngày nay được gọi là cảng Provincetown, và thả neo. Họ định cư và xây dựng một cộng đồng tự quản, và lên bờ ở West End. Tại đây, Những người hành hương đã dành 5 tuần để khám phá mũi Cape Cod, trước khi họ đi thuyền đến Plymouth. Họ cũng đã soạn thảo và ký Hiệp định Mayflower, thiết lập chế độ pháp quyền cho vùng đất mới.

Nếu đến thăm viếng nới đây, bạn hãy cố gắng dành chút thời gian leo lên trên đài tưởng niệm cho người Pilgrim ở vùng này. Đài tưởng niệm này được thành lập vào năm 1892 với tên gọi là Hiệp hội tưởng niệm người hành hương Cape Cod — tổ chức phi lợi nhuận lâu đời nhất của Cape Cod. Mục đích là để kỷ niệm cuộc đổ bộ đầu tiên của Mayflower Pilgrims đến Thế giới Mới ở Provincetown, vào tháng 11 năm 1620.

Tổng thống Theodore Roosevelt đặt viên đá đầu tiên vào năm 1907. Năm 1910, Tổng thống William Howard Taft đã khánh thành tòa tháp cao 252 foot này. Vào năm 1910, tòa nhà đầu tiên của Cape được xây dựng để làm bảo tàng được mở ở chân tượng đài, nhằm giáo dục công chúng về vai trò của Provincetown trong lịch sử Pilgrim và lịch sử Hoa Kỳ.

Bước lên từng bậc thang, đến điểm chót vót của đài tưởng niệm, tôi có một cảm giác kỳ lạ. Nếu sợ độ cao, đừng nhìn theo hình vuông dạng xoắn ốc từ trên xuống. Bước ra bên ngoài lối đi xung quanh đỉnh tháp, gió phần phật bên tai. Nhìn xuống dưới, thấy thế gian yên lành. Mọi vật cứ từ từ chuyển động. Rồi từng bước đi xuống, lúc này, bạn sẽ chú ý những con số gắn liền với những cái tên, có cái bạn biết, có cái xa lạ. Tuy nhiên, đó là dấu tích của một thời mở đầu của nước Mỹ.

Từ đài tưởng niệm này, bạn có thể đi thang máy xuống phố. Những con đường phổ nhỏ nhắn, xinh đẹp. Nếu may mắn, bạn sẽ bắt gặp dăm người nghệ sĩ đường phố, ôm đàn hát những bản tình ca, với một cung cách rất say đắm, của những tâm hồn nghệ sĩ. Và thật bất ngờ, dưới phố, có một đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong, những người lớn lên ở thị trấn này đã tham gia và đã nằm xuống, trong đó có chiến tranh Việt Nam.

Chúng tôi có đi đến một số nơi khác, mà chiều dày lịch sử cũng không kém những nơi kể trên. Nhưng sẽ kể sau, khi có dịp.

Có thể nói rằng: mỗi lần đến Boston, biết thêm dăm điều về lịch sử. Và cho dù đã đến nhiều lần, rốt cục tôi vẫn biết rất ít về Boston.

Lê Tạo

4/2022

P.S: rất nhiều bộ phim đã lấy cảnh từ vùng Cape Cod

Leave a Reply

More articles ―

%d