Dạo tháng 7/2021, tôi có nhận được bức thư của một độc giả ở Sơn Trà – một người cha có đứa con đi du học từ nhỏ. Ông lo cho thằng bé, vì nó “giờ thấy bản thân như bị vướng kẹt giữa hai thế giới của hai ngôn ngữ, mà về phía nào cũng thấy có sự nông cạn và thiếu sót”.
Xin trích một đoạn:
“…Hữu duyên thế nào mà tôi được tiếp cận những bài viết rất hay, và thẳng thắng của anh Tuấn Công. Làm tôi một phần phải tán thán sự hiểu biết và khả năng phân tích sâu sắc của anh về ngôn ngữ Việt Nam, phần khác tôi lại phải thấy tự xấu hổ về kiến thức hạn hẹp của bản thân về ngôn ngữ Mẹ đẻ của mình.
Số là tôi có đứa con trong nhà, nó thì đi học ngoài nước từ bé nhưng thích tìm hiểu văn hoá Việt Nam. Gần đây thì dịch tễ hoành hành ở nơi nó cư trú lắm, cháu nó có thời gian rỗi nhiều nên nó xin tôi gửi sách về ngôn ngữ Việt Nam cho nó nghiên cứu, học tập. Lý do thì là thằng bé muốn học tập viết lách cho thành thạo với ngôn ngữ của quê hương, vì nó giờ thấy bản thân như bị vướng kẹt giữa hai thế giới của hai ngôn ngữ, mà về phía nào cũng thấy có sự nông cạn và thiếu sót.
Thực tình mà nói thì gia đình tôi trước giờ thương lái, không sâu sắc về chữ nghĩa. Tôi không biết sách gì hay, chỉnh chuẩn thế nào để mà gửi cho cháu nó, sao cho thoả cái tâm mong cầu của nó.
Tôi thì cũng không hiểu lắm về nhu cầu của bọn trẻ đâu, nhưng thấy nó muốn học cái gì tốt thì tôi sẽ giúp hết sức.
Nên tôi mạo muội viết bức thư điện tử này xin anh Tuấn Công những tên sách mà anh thấy cần thiết, bổ ích, và thiết thực. Chúng ta có thể bắt đầu bằng vài cuốn nền tảng thôi. Để xem quyết tâm của thằng bé thế nào, nếu ổn thì về sau tôi sẽ xin anh thêm các tên sách nâng cao hơn…”.
Câu chuyện học tiếng mẹ đẻ của một người Việt ở hải ngoại khiến tôi liên tưởng đến một chuyện tương tự, nhưng lại diễn ra ngay ở hải nội.
Cách đây mấy tuần, chuyện trò với một bác người Thái bản Mạ (Thường Xuân – Thanh Hoá), tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết trẻ con Thái giờ đây không biết nói tiếng Thái.
Vì mong con cái có vốn liếng tiếng Việt khi đến trường nên ngay từ lúc lọt lòng, cha mẹ của những đứa trẻ ở bản Mạ cố tình giấu tiệt tiếng mẹ đẻ thực sự của chúng đi. Nghĩa là chúng được học “tiếng mẹ đẻ” thông qua việc dạy dỗ, giao tiếp bằng tiếng Việt – thứ tiếng vốn là ngoại ngữ của ông bà, cha mẹ chúng. Sau đó, khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ phải tự học mót tiếng Thái – thứ tiếng đáng ra chúng có quyền tiếp thu và sử dụng với tư cách là tiếng mẹ đẻ.
Tôi hỏi thằng bé 5 tuổi rằng “Cháu có biết nói tiếng Thái không?”. Nó lắc đầu. Bà nội của thằng bé xác nhận là gia đình chủ ý không nói chuyện với nó bằng tiếng Thái.
Vậy, vấn đề đặt ra là với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở bản Mạ của người Thái, thì tiếng mẹ đẻ của chúng là gì? Nếu là tiếng Việt, thì hẳn chúng sẽ bị thiệt thòi khá nhiều so với những đứa trẻ có cha mẹ là người Việt.
Vì sao? Vì tiếng Việt của cha mẹ ông bà chúng chỉ là ngoại ngữ của người Thái. Mà đã là ngoại ngữ học theo lối truyền khẩu của những người đã lớn tuổi thì không tránh khỏi hạn chế kể cả về phát âm lẫn vốn từ và sự chính xác, tinh tế trong sử dụng từ ngữ.
Xin lấy một ví dụ nhỏ. Tôi thấy một đàn cá đang được thả tạm trong bể xi măng trước khi chế biến. Khi hỏi cá gì, thì cô gái Thái con dâu bác chủ nhà trả lời: “Chồng em mới lấy ở ngoài sông về, cái đó à!”.
Rõ ràng thứ tiếng Việt này được nói theo cách của người Thái.
Bản Thái sẽ còn lại gì nếu một ngày trở lại, người ta không còn nhìn thấy sắc màu thổ cẩm trên trang phục Thái, những ngôi nhà sàn Thái cổ truyền dần nhường chỗ cho kiểu nhà sàn du lịch, và đồng bào Thái không còn ai nói chuyện với nhau bằng chính thứ tiếng của dân tộc mình?
Hẳn câu chuyện này giờ đây không còn là chuyện riêng của những đứa trẻ sinh ra lớn lên ở bản Mạ.