Tháng bảy, 2005
Truyện ngắn viết 15 năm trước – dịp đầu tiên về thăm kinh thành Hà Nội – người Hà Nội lúc đó vẫn còn thanh lịch mến khách yêu người – bây giờ tất cả đều đã trở thành dĩ vãng vang bóng một thời —
Mến tặng công tử Hà thành – cậu em đã cho chị một kỉ niệm thật đáng yêu.
Mến tặng những “gánh hàng hoa Hà Nội” – mãi mãi không bao giờ là “ký sinh trùng” của xã hội!
Michelle Phương Thảo
Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, một thành phố biển xinh đẹp miền Trung Việt. Rời Việt Nam hơn hai mươi năm, tôi trở về thăm đất nước vào tháng bảy 2005 và lần đầu tiên trong đời đã đặt chân đến Hà Nội. Biết tôi rất yêu thích hoa, cậu em kết nghĩa chính hiệu “công tử Hà thành” tình nguyện đưa tôi đi xem chợ hoa đêm Hà Nội. Chợ đêm, vì tôi được giải thích: bắt đầu vào trước ba giờ sáng, các thương gia đại lý bán hoa ở tất cả các vùng trong và ngoại thành Hà Nội đã bày tất cả các loại hoa ra, sẵn sàng cho người mua sĩ hoa để mang đi bán lẻ khắp phố phường Hà Nội.

Suốt đêm trước, Hà Nội may mắn hưởng được cơn mưa hạ bất ngờ tầm tã. Khí trời mát dịu hơn sau những ngày hè oi ả nóng bức. Khi màn trời còn đang tờ mờ tối, tôi đội chiếc nón cối làm bằng lá tre ngộ nghĩnh mang theo từ thành phố cổ Hội An, quê nội của tôi, không thèm mặc áo che mưa. Trên chiếc “ngựa sắt” cũ mèm của cậu em tôi, hai chị em lao nhanh đi dưới làn nước nặng nề bao phủ.
Khi chúng tôi đến chợ, trời vẫn còn âm u tối và mưa tuy có phần giảm bớt nhưng vẫn lất phất rơi tí tách. Lúc đó chỉ vào độ bốn giờ rưỡi sáng. Vậy mà cậu em tôi bảo chúng tôi đã đến hơi muộn mất rồi.
Từ trên cầu, trong màn đêm mờ ảo, mặt đang đẫm đầy nước mưa, áo quần ướt sũng như chuột lội, tôi mù mờ trông thấy rất nhiều người đang hấp tấp đi lại rất nhanh ở phía dưới lòng đường. Tôi thấy nhấp nháy lung linh hàng trăm luồng ánh sáng nhỏ đi hỗn loạn xen ke vào trong cảnh chợ tối đen nhưng ẩn hiện đầy ắp bóng người. Tôi cố gương mắt nhìn kĩ nhưng vẫn không nhận ra được ánh sáng di động đó là những vật gì. Cậu em tôi như hiểu ý, giải thích ngay với tôi:
– Chị à, đấy là những ánh đèn pin, vì chợ thường bắt đầu tối om như thế này, họ phải cầm trong tay đèn pin soi sáng để soi tỏ “mặt” hoa tươi. Vì là người bán lẻ hoa, họ phải chắc chắn là hoa tươi và không bị giập nát trước khi mua.
Tự nhiên thấy tò mò háo hức, tôi nói nhanh:
– Mình xuống xem hoa ngay đi em!
Trong khi cậu em mang xe đi gởi, tôi một mình hấp tấp chạy vội xuống cầu đi về hướng chợ. Một cảm giác ngạc nhiên thán phục dâng cao khi tôi bước vào giữa hai dãy hàng bán hoa dài xa tít và định thần nhìn thấy rõ hơn quang cảnh trong chợ. Tôi liên tục xuýt xoa reo lên thích thú khi nhìn thấy hàng trăm ngàn đóa hoa tươi, một trong những tặng phẩm đẹp nhất của mùa hạ mà đất trời đã ban cho loài người chúng ta, được trân trọng cẩn thận trưng bày trước mắt tôi, đủ loại, đủ cỡ, đủ sắc thắm, và đủ hương thơm đồng nội.
Tôi thật may mắn vì đã về đúng vào giữa mùa hoa sen nở nên đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy sen bạch, sen hồng nhiều đến như vậy. Hoa sen thật là đẹp tuyệt vời, thật thơm hương tinh khiết, thật đơn giản cao sang.
Ngọc Tĩnh Liên Phú
– Mạc Đĩnh Chi
Giống quí ấy ta đây có sẵn
Tay áo này ta chứa đã lâu
Phải đâu đào, lý thô màu,
Phải đâu mai, trúc dãi dầu tuyết sương.
Cũng không phải tăng phường câu kỹ,
Cũng không là Lạc Thủy mẫu đơn,
Cũng không là trúc, là lan,
Chính là sen ở giếng vàng đầu non.
Người bán hoa Hà Nội chăm sóc hoa kỹ càng thật, hay có lẽ phải nói là cưng yêu hoa thì đúng hơn. Họ dùng giấy báo bọc từng nụ hoa hồng và giấy gương bọc từng chiếc mẫu đơn để hoa đừng nở sớm tàn vội trước khi khách thưởng hoa mua về nhà. Điều bất ngờ và thích thú nhất là tôi từ từ nhận ra tất cả các loại hoa đều được xếp đặt thật là “ngoạn mục” trên những chiếc xe đạp, xe Honda, xe ba gác, xe bò, xe thồ, xe mới, xe tả tơi, xe đủ kiểu, xe đủ loại. Tuyệt nhiên và lẽ dĩ nhiên là không có một chiếc xe hơi nào trong chợ hoa cả. Có lẽ vì cách buôn bán hoa trên những phương tiện chuyển vận nghèo nàn nhưng dễ thương và đầy “Việt Nam tính” như vậy, mà tuy chúng tôi đã đến hơi muộn như cậu em tôi tuyên bố, chợ vẫn còn đông nghịt người. Bởi vì tất cả những người buôn hoa sĩ và lẻ này đều chỉ mang đến và tải đi vừa đủ số hoa mà chiếc xe mưu sinh duy nhất của họ có thể gồng gánh được. Cho nên tôi ước đoán số lượng người mua và người bán hoa chắc là xấp xỉ bằng nhau.
Ở nước Mĩ thì những gia đình thương gia đại lí hoa thường cũng chính là những đại địa chủ. Họ trồng hoa trên hàng trăm mẫu đất và thường có những chiếc xe vận tải lớn đặc biệt được thiết kế chỉ để dùng vận chuyển hoa tươi. Vì thế, ở một số chợ hoa bên Mỹ mà tôi đã từng đến xem, người đi mua hoa bao giờ cũng đông gấp bội lần so với các thương gia chuyên nghiệp ngành hoa tươi.
Cậu em lịch thiệp mua tặng tôi một bó hoa cúc Nhật mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Bông hoa tuy nhỏ nhưng xinh xắn màu tím thẫm. Có lẽ hoa được gọi là cúc Nhật vì màu tím này tượng trưng cho hoàng gia của người Nhật. Tôi chỉ phỏng đoán như vậy thôi. Bó hoa giá rẻ không ngờ, mười tám nghìn đồng tiền Việt Nam, theo tỉ số hối suất thì chỉ vào khoảng hơn một đồng đô la Mỹ.
Cậu em cũng cất công tìm kiếm cho tôi một nhành hoa cau vàng mơ nặng trĩu độc nhất, được bán với giá đắt nhất so với tất cả các loại hoa trong chợ ngày hôm đó là sáu mươi nghìn đồng tiền Việt Nam, khoảng ba đồng rưỡi đô la Mỹ. Tôi mê tơi sung sướng ôm cả hai thứ hoa vào lòng. Ôi, thật là thích chết đi được! Nhất là hương cau dịu ngọt thơm ngát gây sự kích thích sảng khoái tinh thần, át hẳn mùi hơi nồng ấm của bộ quần áo đang ướt sũng vì dầm mưa.
Lưng trời nở óng hoa cau,
Cánh li ti rải giọt sao xuống vườn
Hương Cau – Phạm Đình Ẩn
Tuy là phái nam và còn rất trẻ tuổi, cậu em tôi lại là một dân thưởng hoa rất sành điệu và hiểu biết nhiều về đặc tính của các loài hoa, vương giả cũng như đồng nội, của xứ Việt. Nhất là về hoa sen, cậu còn biết cách ướp trà sen gia truyền độc nhất vô nhị cơ đấy. Thì tôi đã giới thiệu cậu chính hiệu là “công tử Hà thành” mà lị.
Khi tôi thắc mắc về nhành cau độc nhất , cậu trả lời:
– Nếu chị đi chợ hoa vào ngày rằm hay là ngày mồng một âm lịch, thì sẽ thấy nhiều hoa cau hơn, vì người Hà Nội mua về để cúng kị vào những ngày này.
Đi song song bên cạnh tôi, câu em chỉ tay về phía một số người đang bận rộn cột chặt hoa trên những chiếc xe đạp, giải thích cho tôi hiểu thêm:
– Những người mua hoa này sẽ bắt đầu đi đến khắp ngõ ngách thị thành Hà Nội, bán xong chiếc “xe hoa” của họ là xong một ngày làm việc. Đủ sống rồi, chả cần phải làm thêm việc gì nữa.
Tuy mưa vẫn còn lâm râm, mặt trời đã bắt đầu ló dạng phía cuối chân mây u ám. Một số người khách mới đến đang đáp xe vào mua hoa. Họ nhìn khác những người bán hoa vì họ mặc quần áo lịch sự hơn, ra dáng vẻ công chức.
Cậu em nói:
– Còn những người này thì mua hoa về công sở hay về nhà cắm trước khi họ đi làm.
Tôi vui vẻ hồn nhiên nhận xét:
– Thích nhỉ, những người bán hoa này sống nhàn hạ sung sướng thật. Người Hà Nội không hổ danh là lịch thiệp hào hoa nhất nước. Nghèo thì nghèo nhưng vẫn cứ chơi hoa mỗi ngày như thường. Đời sống tụi chị ở Mỹ không chừng cực khổ khô khan hơn nhiều.
Cậu em mỉm cười tế nhị:
– Tại chị nói chuyện theo cách suy nghĩ lạ lùng không giống ai của chị, chứ những người khác ở nước ngoài về nhìn thấy những chiếc xe hoa nghèo nàn như thế này, biết đâu sẽ lại thốt lên: “Thật là tội nghiệp quá, người ta chỉ kiếm sống mỗi ngày bằng số hoa trên chiếc xe đạp này thôi sao?”
Tôi cười vang, vừa đùa vừa thật trả lời:
– Có lẽ tại chị là người lười biếng và yêu đời hơn người ta. Tất cả đều tùy mình cảm thấy mà thôi. Triết lí sống của chị là trong hoàn cảnh nào cũng lạc quan vui vẻ, có nghĩa là “có còn hơn không” đấy em à.
Dầu vậy, tôi bước đi trầm ngâm nhưng không nói ra những ý nghĩ mien man chợt đến trong đầu với cậu em.
Ấy vậy mà có nhiều người bên Mỹ, đời sống đầy đủ sung túc rồi mà vẫn tiếp tục tậu nhà cao hơn, mua xe đẹp hơn, để rồi phải mắc nợ nhiều hơn, và suốt đời mải mê làm việc bù đầu để trả dứt những món nợ vật chất vô tri ràng buộc cuộc đời. Điều đáng tiếc là tôi đã gặp rất nhiều người giàu có gấp bội lần những người mua bán hoa nơi đây, nhưng họ chưa bao giờ biết quí sắc mến hương hoa hay dám bỏ tiền mua hoa tươi mỗi ngày. Hay là, tôi cũng nên thông cảm cho họ vì hoa tươi ở Mỹ có lẽ quá mắc so với hoa ở Hà Nội. Nhưng mà nếu so với đồng lương thật kém cõi của người Hà Nội thì nhành hoa cau ba đồng rưỡi đô la Mỹ cũng là mắc đấy chứ. Thậm chí, ngay cả bó hoa cúc Nhật kia cũng có lẽ hơi đắt giá cho phần đông người dân Hà thành. Phải công nhận rằng người Hà Nội mê hoa nhất nước. Khi tôi về Sài Gòn, cô em gái nói với tôi rằng:
– Chị muốn xem hoa đẹp thì chỉ có ra Hà Nội thôi – người Sài Gòn không chơi hoa nhiều đâu.
Tôi thầm ao ước – nếu được sống ở Hà Nội, hoa rẻ và thơm, đẹp tuyệt như thế này, nhất định tôi cũng sẽ đi mua hoa tươi vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu cho một ngày dài làm việc. Tuy nhiên, tôi cảm thấy cho dầu sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ngoài công việc mưu sinh, mình cũng nên làm một việc gì đó có ý nghĩa thật sự cho đời, cho tha nhân, và cho quê hương. Nếu không thì cuộc sống sung túc đầy đủ vật chất nhưng thật bận rộn khô khan ở Mỹ cũng không thú vị hơn cuộc sống đơn giản nhưng được hưởng đủ hương sắc của những người bán hoa đáng yêu này ở Hà Nội. Có khác chăng là mình được ăn ngon hơn một chút, mặc đẹp hơn một chút, và sống tiện nghi hơn một chút. Bởi vì, đến cuối đời, tất cả chúng ta đều sẽ trở về với cát bụi hư vô.
Những tiếng nói giọng Hà Nội lanh lảnh thánh thót lao xao giúp tôi cắt đứt dòng tư tưởng hỗn độn. Tôi lại gần các quầy hoa hơn, chăm chú tò mò theo dõi các cảnh trao đổi, mặc cả mua bán chung quanh. Vì vừa đi viếng thăm một chuyến từ Nam ra Bắc, tôi nhận thấy tuy cùng sống trên một đất nước Việt Nam nhỏ bé, nhưng tính tình và phong cách sống của người dân ba miền thật sự là khác nhau. Ngay cả cách nói chuyện về tiền bạc cũng khác nhau. Ví dụ như cùng ám chỉ ba ngàn đồng tiền Việt Nam, đó là theo người gốc Quảng Nam của tôi, còn người Hà Nội sẽ nói là ba nghìn, và người Sài Gòn lại vỏn vẹn nói ba đồng, cắt đi mất ba con số không.
Cho nên nếu đến Việt Nam một vài tuần lễ, đi tham quan một vài địa điểm du lịch chính, mà không lê la ăn quà vặt ở chợ Bến Thành, không lang thang xem lồng đèn tại phố cổ Hội An, không cuốc bộ một vòng ngắm tranh khắp ba mươi sáu phố phường Hà Nội, để biết rằng Phố Hàng Hòm ngày xưa, tuy vẫn còn tên đấy nhưng không còn ai bán chiếc hòm nào cả, và có thể “dở hơi” hơn là không chịu khó sốt sắng thức dậy vào giữa đêm khuya, điên khùng đội mưa tầm tã đi xem chợ hoa Hà Nội, hay tìm đến trăm ngàn địa danh, mái đình làng biển khác từ Bắc xuôi Nam, thì thật sự là bạn vẫn chưa biết gì về con người và đất nước quê hương của tôi đâu. Tôi thích thú la cà khắp chợ, mải mê chiêm ngưỡng và xin cho được thưởng thức mùi ngát thơm tinh khiết dễ chịu của những loài hoa cỏ lạ. Đến khi cậu em, vì muốn bứng tôi ra khỏi khu chợ hoa đêm lý thú đó, dụ dỗ tôi:
– Chị ơi, ta đi thôi, em đưa chị đến xem người ta chèo xuồng hái sen để ướp trà ở các đầm lớn quanh Hồ Tây và thưởng thức trà. Em bảo đảm chị sẽ mê ngay tách trà sen ở quán trà đạo độc đáo này.
Tôi lập tức đồng ý ngay:
– Thế thì còn gì bằng!
Một tay ôm chặt nhành cau nặng trĩu và bó hoa cúc Nhật trong lòng, tay kia níu cứng chiếc yên xe, che giấu nỗi sợ vu vơ sẽ bị rớt xuống xe, tôi cố gắng giữ lấy thăng bằng trên chiếc “ngựa sắt” đang phóng đi thật nhanh trên con đường nhựa đầy ắp nước.
Trời vẫn còn lất phất mưa bay bay rơi lộp độp trên chiếc mũ lá tre và văng tung tóe tràn đầy trên má môi tôi. Khi chúng tôi ngừng ở một ngã tư chờ đèn xanh bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, tôi ngước nhìn lên và chợt thấy trên chiếc xe du lịch lớn đậu ngay bên cạnh chúng tôi. Những du khách toàn là con gái, có lẽ họ là người Nhật Bản hay Nam Hàn đang chen lấn nhau nhìn ra ngoài khung cửa nhỏ, trầm trồ thán phục chỉ trỏ vào nhành hoa cau trên cánh tay tôi.
Tôi chợt cảm thấy một chút gì đó kiêu hãnh thích thú. Mặc dầu là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội, người Hà Nội đã thật thân mật đáng yêu đối với tôi,có lẽ bởi vì chúng tôi cùng yêu hoa như nhau. Chợ hoa đêm Hà Nội sẽ mãi mãi là một kỷ niệm đẹp trong tâm khảm của tôi.
Michelle Phương Thảo