Chiến tranh.

Nguyễn Thanh Hoài

Cả tuần nay mình thật sự chả thiết làm gì. Tin tức về cuộc chiến giữa Nga và Ucraina cứ loạn xạ cả lên. Đúng sai thì đã rõ. Đang khi không mang quân vào đánh nước người ta, cho dù có lý do gì đi chăng nữa, thì cũng sai bét nhè chè đỗ đen ra rồi. Nhìn các thành phố xinh đẹp của Ucraina tan nát, trẻ con ngồi dưới hầm trú ẩn tránh bom.. mới thấy được chiến tranh khốc liệt và vô nghĩa đến thế nào. 

Năm 88,sau khi nhập trường ở Krasnodar, thì nơi mình đến đầu tiên ở LX là một thành phố nhỏ vùng Donhetsk thuộc Ucraina. Thành phố bé tý teo có cái tên thực sự đặc trưng cho thời xô viết: Krasnoarmeisk (Красноармейск- Hồng quân), là nơi anh trai mình đang lao động trong một nhà máy chế tạo các loại máy móc phục vụ cho vùng mỏ Donbass. Thành phố – giống như một ngôi làng lớn giữa một vùng đất đai khá trù phú. Lúc đấy đã vào cuối hè đầu thu nên cây trái trĩu trịt chín mọng thơm ngát. Hai con bé mới từ Vn sang, cả ngày chỉ ăn trái cây đến no, rồi sau đó được các anh bạn của anh trai mình dẫn ra cánh đồng ngay sau KTX ăn trộm bắp (nông dân trồng để nuôi gia súc). Bắp mới hái (dù chỉ cho bò thôi)  nhưng vẫn rất ngọt. Hai đứa mình còn được các anh đưa sang tận Dnhepropetrovsk (có đội bóng Dnhepr khá nổi tiếng trong giải vô địch LX hồi đó) để cổ vũ cho đội nhà thi đấu giao hữu với đội nông trang nào đó. Dù thua bét tè le (8-1 thì phải) nhưng mấy anh em vẫn hớn hở tự trào, dù gì ta cũng vào được 1 trái!

Mùa nghỉ đông đầu tiên bọn mình lại được đi tham quan Kiev. Đến tận bây giờ mình vẫn giữ mãi ấn tượng về một thành phố châu  Âu cổ kính đẹp kinh diễm. Kiev là một trong những thành phố đẹp bậc nhất châu  Âu. Những con đường lát đá thoai thoải giữa những ngọn đồi. Và với Kiev, mình mới lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới văn minh châu  Âu: lần đầu tiên được ở khách sạn 5*, được đi nghe opera ở nhà hát Lớn (nhà hát Opera và Balet Kiev) – mặc dù chả hiểu gì mấy, được đi thăm bảo tàng thực sự chứ không chỉ là mấy chứng tích chiến tranh như hồi đi Novorosisk. Mà đặc biệt nhất, ấn tượng nhất là bảo tàng Vi vật của Hoạ sỹ người Ucraina Nicolai Siadistyi (Николай Сядистый). Những bức tranh nhỏ xíu phải qua kính hiển vi mới thưởng thức được thực sự làm cho mình vô cùng say mê. Và ao ước được một lần trở lại..

Và bây giờ..

Là chiến tranh..

Là sự tàn phá..

Liệu còn gì nguyên vẹn nữa không?

Chiến tranh – đó là một sự lăng mạ cuộc sống, cái đẹp, và tình yêu.

Chiến tranh – không chỉ là đổ nát đau thương cho Ucraina mà còn là tương lai u ám khốn khổ cho dân lành của Nga nữa, khi bị cả thế giới ruồng bỏ. Cấm vận toàn diện của thế giới có làm khó cho các nhà cầm quyền độc tài không, hay chỉ làm cho đời sống của dân lành thêm khốn khổ?! Có ai nghĩ tới những người dân Nga lương thiện bị khắp nơi kỳ thị sẽ như thế nào không? 

Các nhà cầm quyền, các ngài có thấy đau lòng hay ko?

Truyện ngắn này xin được đăng lại lần nữa.

BORECHKA

Chiếc đàn vĩ cầm cho Vitia được chúng tôi mua một cách hoàn toàn tình cờ. Tôi đang lang thang thì vô tình nhìn thấy nó- một vật vô giá tuyệt đẹp. Tôi không phải chuyên gia hay nhà sưu tầm cổ vật, nhưng cả đời sống giữa các nhạc công, mà trong số đó có không ít cầm thủ, nên  chiếc vĩ cầm ấy đã làm tôi choáng váng vì sự hoàn hảo. Nó lạc lõng bơ vơ trong chiếc hộp với cây vĩ lạc loài giữa khu chợ tồi tàn cũ kĩ nhà quê. Nhưng điều đó đâu có gì là quan trọng?! Người ta đòi nó với cái giá thật cao. Nhưng với một cây vĩ cầm từ thế kỉ 17 thì thực sự giá đó hầu như chả đáng kể gì. Chồng tôi rút tiền trả mà không hề ngã giá. Về nhà, chúng tôi hiểu rằng không thể tự mình lên dây được, cần phải đưa nó đến cho các chuyên gia phục chế. Và ở trường Đại học người ta rỉ tai cho chúng tôi về một nghệ nhân rất có uy tín.

-Hình như ông ấy còn nói được cả tiếng Nga cơ đấy. -Họ nói với tôi

Đó là một ngôi nhà to lớn đẹp đẽ nằm ở trung tâm Toulouse. Tôi bấm chuông cửa.

-Ngài Levi phải không ạ? -tôi ngọng nghịu nói qua micro.

-Thưa cô, xin cô đừng báng bổ tiếng Pháp vĩ đại nữa, ta vẫn còn chưa quên tiếng Nga đâu.

Trèo lên tầng 2 tôi đến ngay căn hộ định tìm, nhưng mãi chủ nhân vẫn chưa mở cửa. Tôi nhận thấy khoá cửa được gắn rất thấp.

-Có thể chủ nhân là 1 người tý hon chăng? Tôi thầm nghĩ, nhưng ngay lúc đó cửa chậm chạp hé ra, và tôi thấy chủ nhân là một người khuyết tật phải ngồi xe lăn chứ không phải bị lùn bẩm sinh. 

-Cô tên gì, bé con? -Tôi nghe thấy chất giọng đặc trưng của người Do thái ở Odessa.

-Dạ, Aleksandra, hay chính xác hơn là Sasha ạ, – tôi bối rối.

-Vậy ta sẽ gọi cô là Shura nhé. Nhà ta có truyền thống gọi tất cả những ai tên Aleksandr hay Aleksandra đều bằng Shura cả. Cô không phiền chứ, cô bé?

-Bà cháu cũng gọi cháu là Shura..

-Còn ta là Mikhail Đavidovich, hay gọi là bác Misa cũng được. Tuỳ cô thích.

Câu chuyện làm tôi không nhận ra mình đã được đưa vào một căn phòng rộng với trần nhà rất cao. Khắp phòng la liệt là những máy móc gì đó, kìm, tuốc nơ vít… Nhạc cụ – từng bộ phận của vĩ cầm, cello, dây dợ lằng nhằng tứ tung…được chất đầy trong những chiếc tủ kềnh càng cao đến tận trần nhà (mà không biết làm cách nào người ta có thể đưa chúng vào được căn phòng này). Đây chính là thánh đường của các vị thánh – xưởng chế tạo vĩ cầm của một nghệ nhân. Những nghệ nhân Stradivari và Amati chắc cũng đã từng làm việc trong những căn xưởng như thế này đây. Thậm chí, tôi còn ngờ rằng, họ chắc chắn trông y như chủ nhân của kho báu nơi này vậy. 

-Cô mang đến cho ta cái gì đây? Cho ta xem chút nào!

-Mikhail Đavidovich, chúng cháu vớ được một cây vĩ cầm rất tốt ở ngoài chợ trời. Theo cháu, có lẽ nó đã vạ vật cả thế kỉ nay trên gác xép. Thậm chí cháu cũng không tưởng tượng ra bác sẽ phải tốn bao nhiêu công sức cho nó lại hồn nữa. Có điều, bác ơi, cháu sẵn sàng trả bất cứ giá nào để nó được trở về với hình hài ngày cũ, như ngày xưa nó vốn dĩ thuộc về.

Rồi tôi mở hộp đàn…

Mikhail Đavidovich nhìn cây vĩ cầm. Ông thận trọng, như người bà lần đầu tiên được bế đứa cháu sơ sinh trên tay, nâng cây đàn lên sát mặt, lật qua lật lại, rồi xoay xoay mọi phía. Sau đó ông đặt nó lên đầu gối rồi bỏ sang phòng bên cạnh, cẩn thận đóng cửa sau lưng. Tôi đứng lại, chẳng biết làm gì và ngồi vào đâu. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng nức nở từ phía bên kia cửa vọng sang. Tôi khựng lại. Một dự cảm kinh khủng chiếm lấy tôi.

Tôi hé cửa nhìn sang. Ông lão đang hôn cây đàn, từng giọt từng giọt nước mắt rơi thánh thót làm nó ướt đẫm, và ông cố gắng chùi nước mắt bằng cánh tay áo len đã cũ sờn, rồi lại âu yếm hôn mãi.

-Borechka, Borechka của em! Hãy tha lỗi, tha lỗi cho em.., -Mikhail Đavidovich thì thầm.

Thời gian dường như ngừng trôi, tôi đứng lặng chả biết phải làm gì. Và cũng không nhớ là mình đã đứng sau lưng ông lão đang nức nở kia bao nhiêu lâu nữa. Tôi chỉ biết mình đã cố gắng không gây ra bất cứ tiếng động nào, mặc cho nước mắt cũng làm ướt đẫm cổ chiếc áo len đang mặc. Nước mắt và nỗi thương tâm đó thường chỉ thấy ở những người mẹ đang khóc than bên cạnh đứa con yêu đã chết của mình. Nỗi đau đớn của sự mất mát, trả giá.

Mikhail Đavidovich chợt nín, ngồi yên lặng lẽ.

Tôi quyết định phá vỡ sự im lặng.

 -Mikhail Đavidovich! Đây là chiếc vĩ cầm của bác, đúng không? Cháu không lầm chứ? -tôi ngồi xuống chiếc đôn nhỏ bên cạnh xe lăn để có thể nhìn rõ khuôn mặt ông.

-Surochka, đây là chiếc vĩ cầm của anh trai ta. Anh ấy đã ra đi cùng với nó. Còn ta có một cây khác, bé hơn. Bởi vì lúc đó ta mới 5 tuổi tròn, và cây đàn này hơi lớn đối với ta. Nhưng ta biết nó rất rõ. Ta biết, khi nào lớn hơn chút nữa, lúc Borechka đã chơi được cây đàn của ông nội, thì ta sẽ sở hữu nó. Cháu thấy vết xước này không? Borechka đã làm xước nó đấy, – rồi ông lại hôn lên vết xước mờ mờ khó khăn lắm mới thấy đó một lần nữa. -Và mấy cái chốt này đã được thay rồi, dây đàn cũng không phải của Borechka… Ừ, từ đó đến giờ đã 80 năm rồi còn gì..

Ông chợt im lặng, nhưng không còn khóc nữa..

-Ở Osvenhitsa* bọn chúng đã bắt đi hết tất cả. Ta không bao giờ còn được gặp lại bố mẹ và anh trai nữa, huống chi những cây đàn. Chúng tống bọn ta vào 1 trại tập trung dành riêng cho những đứa trẻ bé nhất, rồi dùng để thử nghiệm sinh học. Borechka bị những thử nghiệm đó giết chết rất nhanh. Còn ta vẫn sống sót. Và hôm nay cháu mang cây vĩ cầm của anh ấy đến đây.. Làm sao nó có thể lưu lạc được từ Ba lan sang chợ làng cháu?   Không thể hiểu nổi! Borechka có lẽ đang gọi ta đến với anh ấy. Ta nhớ anh ấy quá chừng, – rồi Mikhail Đavidovich lại bật khóc.

Tôi cảm thấy xấu hổ khi khơi lại nỗi đau của ông, nên rón rén đứng lên và định lặng lẽ bỏ đi, nhưng Mikhail Đavidovich gọi với lại:

-Surochka, cháu đi đâu thế? Chúng ta đã kịp thoả thuận gì đâu!

Rồi ông chùi nước mắt và bằng cái giọng khản đặc tiếp tục nói:

-Ta nhất định sẽ làm lại cây vĩ cầm cho cháu, nhưng sẽ không lấy tiền đâu. Riêng việc nó đến với các cháu và cháu mang nó lại cho ta đủ hiểu rằng, Borechka muốn con trai các cháu được chơi với nó rồi.

– Không thế được đâu, Mikhail Đavidovich! Cháu đã tưởng tượng ra là bác sẽ phải vất vả đến thế nào rồi…

-Không, cô bạn thân mến của ta, ta sẽ không lấy tiền đâu. Cháu đã mang đến cho ta món quà đặc biệt thế này cơ mà. Đó dường như là thông điệp từ anh trai ta. Dường như chưa từng có cuộc chiến tranh nào cả. Dẫu chỉ là chút gì đó của anh ấy để lại, mà thậm chí, ta đã không bao giờ hy vọng được tìm thấy trong đời này. Năm 1941 bọn ta sống ở Odessa. Sau chiến tranh ta được nhận làm con nuôi và bố mẹ nuôi đã đưa ta về Toulouse. Từ đó đến nay, ta chưa 1 lần trở lại Odessa. Hãy cho ta một đặc ân, hứa với ta rằng, hãy chơi với nó. Rồi cháu của các cháu cũng sẽ chơi với nó, như nó đã từng được nâng niu trong gia đình ta xưa kia. Hãy hứa với ta nhé!

-Cháu sẽ cố gắng, nhưng chắc không dám hứa gì đâu.. Bọn trẻ bây giờ đâu còn nghe lời bố mẹ..

-Nhưng bọn trẻ nhà các cháu chắc chắn sẽ nghe lời, ta tin là thế. Hãy viết số điện thoại của cháu vào đây, viết to vào nhé. Khi nào làm xong ta sẽ gọi cho cháu ngay..

Chúng tôi tạm biệt nhau như những người bạn cũ. Ông cụ thậm chí đã cười đùa khi nắm chặt tay tôi và kể cho tôi nghe những mẩu chuyện tiếu lâm về dân Do thái nữa.

Năm hay sáu tuần gì đó trôi qua…

Một giọng đàn ông gọi điện cho tôi và nói bằng tiếng Pháp:

-Xin lỗi, có phải cô Shura đó không ạ? -Anh ta nói với trọng âm được nhấn mạnh ở cuối từ.

Tim tôi như ngừng lại.

-Vâng, tôi nghe đây.

-Tôi là Boris Levi. Bố tôi mất rồi. Ông nhờ tôi chuyển cây vĩ cầm cho cô. Mời cô hãy đến vào ngày mai, đúng vào dịp ngày tuần của ông.. Ông đã dặn đừng đưa nó trước cho cô…

Aleksanđra Lemesle. Nguyễn Thanh Hoài chuyển ngữ.

Leave a Reply Cancel reply