Dông dài chuyện…làng Sài

Nghe nói Trích Sài là “hái củi” chả hiểu từ đâu ra, nhưng từ khi mình chuyển về đây không thấy củi mà chỉ toàn đun than tổ ong, chiều chiều khói lên nghi ngút, gà gáy te te, chó sủa, mèo kêu, loa phường ông ổng.
Đám ma, đám cưới vẫn tụ tập ăn uống, có cụ nào ra đi lại kèn trống suốt đêm. Hôm trước có cụ 99 tuổi thành “trăm tuổi’, kèn đang não ruột, con cháu than “ôi bà ời, bà đi đâu” thì loa phường hát véo von “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”, tiếp theo là tin chó mèo đi tiêm chủng, các cháu thi tuyển vào lớp 1.
Đọc cuốn di tích khu Tây Hồ do phường phát miễn phí mới biết Trích Sài “địa linh nhân kiệt” như bao làng khác ở xứ Việt.
Là một trong sáu làng cổ vùng Bưởi (An Thái, An Thọ, Ðông Xã, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài), có câu thơ nổi tiếng “Gió đưa cành trúc la đà//Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương//Mịt mù khói tỏa cành sương//Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.” mà có lần bọn học trò tưởng canh gà Thọ Xương là món phở gà, cãi nhau ỏm tỏi trên mạng.
“Nhịp chày Yên Thái (An Thái)” là làng làm giấy dó nổi tiếng ở vùng Bưởi (kẻ Bưởi), gái làng ra phố không mặc áo cộc tay do các cô sàng giấy, tay tì vào thành bể nên có sẹo. Trai làng lên phố biết ngay vì đi vẹo lưng do phải gồng gánh vật liệu làm giấy.
Các cụ còn ngâm nga “Giã nay rồi lại giã mai//Ðôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày//Xeo đêm rồi lại xeo ngày//Ðôi tay tê buốt vì mày giấy ơi !”
An Thái làm giấy, Trích Sài làm lĩnh (vải lĩnh), dù làng này xưa chuyên đốn củi vì nằm trên bãi bồi ven sông Thiên Phù, sông Tô Lịch, có hồ Dâm Đàm (chắc là đàm về dâm?), cáo chín đuôi.
Sau này bồi đắp, rừng rậm hết, còn lại ao hồ. Nhà tôi làm trên cái nền mua của bác trong làng là do lấp ao mà nên, chưa chừng ngày xưa là hồ Dâm Đàm cũng nên, nên chủ nhà lúc nào cũng nghĩ về sex chăng?
Theo truyền thuyết, thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497) cho một cung nữ gốc Chàm là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 thị tì ra ở thôn Trích Sài lập trang Thiên Niên. Bà Ngọc Đô đem nghề dệt lĩnh của người Chàm truyền cho dân làng.
Lĩnh hoa vùng Bưởi nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ dân Thăng Long mà còn bán ra nước ngoài “The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên“, chứng tỏ thương hiệu.
Làng Sài có nhiều đình chùa, đi vài bước là có một cái. Chùa Thiên Niên, đình làng Trích Sài, miếu thờ bà Phan Thị Ngọc Đô. Có cụ Nguyễn Hoàng Tôn, tham gia cộng sản những năm 30, bị Pháp bắt và tử hình, hiện có đường mang tên trước UB quận Tây Hồ.

Photo : Thế Công Giang
Tổng Cua từ cố đô Hoa Lư chuyên hái củi ra cư ngụ ở Trích Sài cũng chuyên hái củi, sự trùng lặp lạ. Lạ hơn có ông nhà văn Lê Lựu viết tiểu thuyết “Thời xa vắng” có nhân vật Giang Minh Sài rất thú vị, mọi người đọc cứ bảo mình chính là nhân vật họ Giang đó. Và nó như ám vào người anh Cua, giờ thành người hưu cũng xa vắng với đời thường.
Chiều chiều đi dạo quanh đường Trích Sài ven hồ, xem câu cá trộm, bơi hồ, xem các ông mặc quần đùi hở chim ngồi chơi cờ và các bà ngoáy mông, ưỡn vú, nhảy tango hay valse, đọc mấy cuốn sách mà Tổng Cua không hiểu đâu là đình, đâu là chùa, miếu, thấy giông giống nhau.
Thời xưa làng toàn ao chuôm, ễnh ương kêu vang, nên tiếng chày Yên Thái nghe rõ, hồ chưa ô nhiễm nên sáng như gương. Nay đã đổi khác, ô nhiễm, xe hơi, xe máy, nước hồ bẩn ngầu, chiều hè nóng thối um, có lần mấy trăm tấn cá chết mà không rõ nguyên nhân.
Mấy chục năm trước, làng bán đất giầu có nhưng sinh chuyện, trộm cắp, nghiện hút, dễ đến hơn chục năm. Giờ hội nghiện chết hết hay đi phát vãng nên đỡ hơn nhiều.
Buồn cười trước cửa nhà có quán phở, gần đó bán cháo lòng, xa hơn là bán xôi, trứng vịt lộn. Các cô bán hàng văng lung tung từ sáng đến chiều, vui phết.
Trong tuần các mẹ trẻ cho con ăn phở trước khi tới trường và để đi làm, lúc nào cũng ầm ầm tiếng quát, nịnh nọt. Nào con ngoan, há miệng ra, ông ba bị đến giờ. Đek sợ ông ba bị, gọi chú công an nhé. A a a, há mồm đây. Nuốt đi, nuốt đi, nào miếng nữa, công an đến bắt. Trẻ con sợ công an hơn cả ba bị.
Một anh nịnh con, ăn ngoan đi nào, lớn lên bố cho đi máy bay, lên sao Hỏa, sau thành tiến sỹ, vào trung ương có tiền, bố được nhờ. Bố trẻ khác mắng con như tát nước, con mẹ mày, há mồm, nuốt nhanh, tát vỡ mõm bây giờ, bố đi làm muộn thì lấy cứt mà ăn. Đi muộn mà bị phạt ăn cái đó thì nước mình tiến xa rồi.
Ngõ như cái chợ vỡ trong vòng 30 phút và sau đó là các cụ già tới ăn phở. Hai cụ làm đĩa quẩy, đĩa lòng và chai rượu. Mình cười, sáng sáng có cút rượu vui “nhể”. Một cụ cười móm mém, sắp đi gặp cụ Karl Marx rồi, uống cho đời vui, sống ngày nào hay ngày đó, anh làm chén không?
Thấy mình hay lau nhà, dọn vườn, không rượu chè, một cụ giễu “Đàn ông chẳng uống rượu bia//Như giầy không tất như xe không vành//Cởi quần mặc váy đi anh//Về cho con bú cơm canh lau nhà”.
Thích nhất mấy tay trẻ vừa đi câu cá trộm hồ Tây về nói chuyện, câu nào cũng kèm Demark. Đan Mạch, hôm nay được con mè Tầu, Đan Mạch lôi mãi không lên, dễ đến 4kg. Vừa bán cho con mẹ mặc váy cộc, Đan Mạch, nhìn thấy cả nữ hoàng Victoria mầu đỏ, đùi trắng nõn. Lẽ ra Đan Mạch tao lấy 120K nhưng nó cứ dạng ra thế là tao Đan Mạch có 100K.
Mà này, canh cá nấu thế nào. Đan Mạch mày ngu như chó. Đầu tiên là cắt đầu, đánh vẩy, rồi Đan Mạch, xào cà chua, cho cá vào. Anh khác nhảy vào, mày ăn cứt mà ngu thế, cá mè không nấu canh. Copenhagen cả nhà mày ngu.
Cứ thế mấy ông trẻ tuôn ra những lời có cánh từ thủ đô của chú lính chì, quanh đi quẩn lại toàn về nước xa xôi minh bạch nhất nhì thế giới.
Thấy bà bán mít, thằng cu bảo, cho vài múi nào. Cho thử thì chúng nói, sao múi của bà bé thế. Giời ơi, các chú đéo biết, múi bé là mít mật đường, nhiều nước, ngon và thơm. Múi to là loại mít quá lứa, sượng do bứt non, không thể chín, bị tiêm thuốc hooc môn, chín ép như kiểu chân dài đi thẩm mỹ viện, ăn chán lắm.
Cái làng Sài xưa nay lên thành phố rồi người tứ xứ đổ về . Đêm đêm vẫn nghe tiếng gà gáy, sáng có loa phường kèm kèn đám ma, phở ngon kèm bụi đường và tiếng Đan Mạch của dân câu cá hồ Tây. Đi xa thì nhớ, về nhà thân quen, thanh bình, dân làng gốc cực hiền hòa và quí khách.
Ở cái làng “Giã nay rồi lại giã mai (ngày nào cũng giã, mệt nhỉ)” mà không biết Copenhagen, thấy mình chưa hội nhập với làng, thiếu cái gì thật con người, các cụ “nhể”.
HM. 1-7-2017 xào lại cho vui…. Giờ thì quán phở, cháo lòng chuyển đi rồi.

Leave a Reply

More articles ―

Discover more from DU LỊCH CALIFORNIA

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading