JERUSALEM, DO THÁI (Phần 3)

Giao Thanh Pham

(Tập thứ 57c)

Nếu nói về lịch sử của Thánh Địa Jerusalem thì phải viết cả chục cuốn sách mới hết được. Giống như Mecca của người theo đạo Hồi, Jerusalem là niềm mơ ước của cả tỷ người theo Thiên Chúa Giáo ước mong được đến một lần trong đời.

Thời tiết ở đây vào tháng 3 phải gọi là khá mát mẻ và dễ chịu. Người dân của các quốc gia trên thế giới đến đây đông kinh khủng, không có chỗ để chen chân. Con đường đá khối suốt trong cổ thành khá trơn trợt, lồi lõm khá khó cho người lớn tuổi đi lại nhưng cũng chẳng cản được họ. Người ta đi riêng hoặc thành nhóm, từ vài người đến những đoàn vài chục người. 

Đến từ Á Châu, có những đoàn lữ hành và những đoàn khách hành hương của người Việt, người Hoa, người Korea, người Ấn Độ và người Phi Luật Tân. Dân Phi đến đây đông nhất vì đa số dân Phi Luật Tân theo đạo Công Giáo. Họ kéo đến Nhà Thờ Thánh Anna (mẹ của bà Maria) đông nghẹt, bắt số để lên Cung Thánh đồng ca. Một tập tục nghe nói đã có từ lâu. Điểm đặc biệt là không hề thấy bất kỳ sắc tộc nào hát tiếng Anh hoặc tiếng Latin nhưng toàn tiếng bản xứ, nghe hay, độc và lạ. Ngôi nhà nguyện nhỏ, chỉ cần độ chục người hát, không cần micro nghe cũng đã rất vang và đầy ấm cúng.

Một góc trong phi trường Ben Gurion ở thành phố Tel Aviv, Do Thái.
Photo by Giao Thanh Pham

Cổ thành Jerusalem chia ra làm 2 khu vực, Old và New (Cũ và Mới) buôn bán rất sầm uất, những tiệm bày bán đồ lưu niệm là nhiều hơn cả, nhưng lâu lâu lại thấy có một tiệm nước bán nước cam vắt và nước lựu ép, bên cạnh những tiệm bán bánh bột nướng và kẹo dẻo của người dân ở khu vực này, tuy không thể sánh được với kẹo của người Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tưởng cũng cần nhắc lại và viết thêm chi tiết ở đây. Thời đó, Đền Thờ Jerusalem là một trung tâm tôn giáo linh thiêng nhất đối với người Do Thái, nhưng họ đã biến Đền Thờ này thành một khu chợ trời buôn bán bát nháo và hỗn tạp, khiến Chúa Giê Su phải nổi cơn thịnh nộ. Thánh sử Gioan thuật lại: “Lễ Vượt Qua của dân Do Thái gần đến, Chúa Giê Su lên thành Jerusalem. Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim bồ câu và cả những người đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung những bàn bày tiền của những người đổi bạc. Người xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng, Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Photo by Giao Thanh Pham

Ngày hôm nay, chung quanh Thánh Địa Jerusalem lại trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất trên đất Do Thái, tuy họ không còn bán bò, chiên và chim bồ câu nữa nhưng hàng quán san sát không để hở một miếng đất nào.

Người theo đạo Thiên Chúa Giáo, nhất là người Công Giáo, ước mong đến Do Thái để được đi trở lại những con đường mà Chúa Giê Su đã đi qua trong cuộc đời 33 năm sống kiếp con người của Ngài. Đất Do Thái không lớn, đủ để trong vài ngày, người ta có thể đến thăm tất cả những nơi mà Chúa Giê Su đã một lần đặt chân đến, tất cả đều nằm trong phạm vi vài chục cây số. Xa nhất là khu vực Biển Hồ Galilee, cách Tel Aviv khoảng hơn 120 cây số. Rồi tới Nazareth nơi Chúa sinh sống và lớn lên trước khi đi giảng đạo vào năm 30 tuổi, Bethlehem nơi Chúa sinh ra, Vườn Cây Dầu nơi Ngài thường đến để cầu nguyện và chặng đường 14 Đàng Thánh Giá trước khi Ngài đến nơi bị hành hình.

Bức tượng có rất nhiều ý nghĩa “Chúa Giê Su Vô Gia Cư” ở khu vực nhà Thánh Phê Rô.
Photo by Giao Thanh Pham

Bức tường thành của Jerusalem đã được xây, đã bị phá và đã được xây lại ít là 8,9 lần trong lịch sử. Bức tường thành mà chúng ta thấy ngày hôm nay, dưới thời trị vì của Đế chế Ottoman trong khu vực, Quốc Vương Suleiman “The Magnificent” đã quyết định xây dựng lại toàn bộ các bức tường thành của Đền Thánh Jerusalem, một phần dựa trên những phần còn sót lại của những bức tường cổ của khu vực (the Old City – Cổ Thành). Ông ta cho người khởi công xây lại trong suốt 4 năm, từ năm 1537 đến 1541, những bức tường này vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Photo by Giao Thanh Pham

Cổ thành Jerusalem được cả 3 nhóm Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo chém giết nhau để được trở thành chủ nhân ông trong suốt thời gian hơn 5 ngàn năm lịch sử của nó. Đến ngày hôm nay, không nhóm nào, được bất kỳ ai trong 3 nhóm này công nhận. Họ chiến đấu đổ biết bao nhiêu xương máu để giành được nó trong một giai đoạn của lịch sử, ngay cả sau khi những con người thuộc 3 nhóm này nằm xuống, họ vẫn tranh giành nhau để được chôn cất gần bức tường thành.

Phép lạ 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi 5 ngàn dân Do Thái theo Chúa Giê Su nghe Ngài giảng.
Photo by Giao Thanh Pham

Ngày cuối cùng ở đây, chúng tôi ghé thăm nhà của Thánh Phê Rô (Peter), người Môn Đệ được Chúa giao cho chiếc chìa khóa vào cửa Thiên Đường, một con người theo Kinh Thánh viết lại là một ngư phủ nghèo nàn, một kẻ yếu đức tin khi Chúa nói ông hãy thả lưới mé bên tay phải, sau khi cả đêm đánh bắt chẳng được con cá nào, một người dám nghi ngờ khi Chúa gọi ông bước chân xuống nước giữa biển hồ Galillee và đã hoảng hốt khi thấy mình bị chìm dần. Thánh Phê Rô cũng chính là người chối bỏ Chúa Giê Su khi bị người ta hỏi đến trong khi Chúa bĩ đem ra xử “Tôi thề là không biết người này”.

Tại tảng đá này trong Vườn Cây Dầu (Gethsemani) nơi Chúa Giê Su cầu nguyện xin Chúa Cha cất chén đắng …
Photo by Giao Thanh Pham

Chả hiểu sao, trong suốt cuộc hành trình qua 3 quốc gia Ai Cập, Jordan và Do Thái, chúng tôi không hề gặp một trận mưa lớn nhỏ nào, nhưng vào ngày cuối cùng trước khi rời Do Thái sang Hy Lạp, một trận mưa khá lớn, dai dẳng rả rích đã đưa tiễn chúng tôi ra tận phi trường Ben Gurion của Do Thái. Ra đi nhưng lòng còn nhiều vương vấn, lại ước mong có một lần trở lại.  

*** Bài kế tiếp: ẢNH HƯỞNG của TRUNG QUỐC TRONG TOÀN KHU VỰC …

.

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid02H6kguLUDT7ttApmbzUhpiuPDWf2uMgXcGG4nKu4ayHyzijEsJ84iE2rSbwEM2gK8l

https://baothamnhung.com/jerusalem-do-thai-phan-3/

JERUSALEM, DO THÁI (Phần 2)

Giao Thanh Pham

(Tập thứ 57b)

Địa hình của Jerusalem không rộng lắm, chưa tới 50 dặm vuông, khoảng hơn 125km vuông tính cả Old lẫn New Cities. Nhà cửa san sát, chật chội, nằm trên những ngọn đồi hiểm trở, đường xá đi lại khá khó khăn, hàng quán buôn bán lại nhiều, nên rất ngột ngạt. 

Ngôi cổ thành linh thiêng Jerusalem từ lâu đã luôn là tâm điểm của những cuộc tranh chấp và xung đột. Nó cũng được coi như là một di tích thiêng liêng, là một thánh địa, nhưng cùng một lúc, nó còn được coi như là một thủ đô của quốc gia, bởi nhiều triều đại trong lịch sử. 

Vào đầu thế kỷ 20, Jerusalem cùng với toàn bộ khu vực trước kia của người Palestine, đã trở thành tâm điểm của những khát vọng tranh giành giữa những người theo Chủ Nghĩa Phục Quốc Do Thái và những người Ả Rập Palestine. Cuộc đấu tranh này giữa 2 phe, thường nổ ra những cuộc chiến bạo lực tàn nhẫn, một bên đàn áp (chiếm đoạt) và một bên chống lại (cố giữ). Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần tuyên bố, toàn bộ khu vực là một “Corpus Separatum, tiếng Latin, có nghĩa là Thực Thể Riêng Biệt”, và họ đã cố gắng bằng nhiều cách ngăn chặn những xung đột diễn ra liên tục ở đây.

Photo by Giao Thanh Pham

Cuộc chiến đầu tiên giữa Ả Rập và Do Thái xảy ra vào năm 1948, đã chia cổ thành Jerusalem ra thành 2 khu vực, một ở phía Tây Jerusalem, một ở khu vực Jordan, phía Đông Jerusalem. Năm 1949, Do Thái tuyên bố thành phố Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Trong Cuộc Chiến Sáu Ngày vào năm 1967, chính quyền Do Thái đã chiếm khu vực của người Jordan và ngay sau đó đã cho mở rộng ranh giới của thành phố này rồi cho sát nhập một số khu vực thuộc Bờ Tây do người Jordan nắm giữ trước đây và “mở rộng quyền làm chủ” của mình đối với toàn thể thành phố. 

Mặc dù hành động cưỡng chiếm đó của Do Thái đã nhiều lần bị Liên Hiệp Quốc và các cơ quan hòa bình trên thế giới lên án, nhưng Do Thái vẫn luôn tái khẳng định vị thế của Jerusalem là thủ đô của người Do Thái, Vào ngày 30 tháng 7 năm 1980, đi xa hơn nữa, chính quyền Do Thái ban hành một đạo luật đặc biệt (quasi-constitutional), xác định rằng “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất – complete and united” là thủ đô của Israel, cũng là trụ sở của Phủ Tổng Thống và Tòa Án Tối Cao. Tình trạng “chủ quyền của thành phố Jerusalem” vẫn luôn là vấn đề nan giải và luôn là trọng tâm trong mọi cuộc tranh chấp giữa Do Thái và người Ả Rập Palestine. 

Diện tích của Jerusalem chỉ hơn 49 dặm vuông khoảng 126 km vuông, với tổng số dân vào khoảng gần 1 triệu người, 60% là người Do Thái và 40% còn lại là người Ả Rập Palestine.

Có 2 khu vực “buôn bán” chính ở Jerusalem nhắm vào du khách, khu người Do Thái và khu người Ả Rập Palestine, của người nào, người đó bán, khu người nào, người đó ở, hòa đồng trong gay cấn, ôn hòa trong … thù hận, nhìn vào, khó mà không cho rằng đó chỉ là một cuộc Hòa Bình Giả Tạo. Lẽ đương nhiên, người Ả Rập Palestine yếu hơn dân Do Thái về mọi mặt, nên họ chỉ có một cách duy nhất là nhẫn nhịn.

Photo by Giao Thanh Pham

Nhà cửa ở khu vực thủ đô này rất đắt, vài triệu đô là thường. Ngay dưới chân cổ thành có 3 khu vực nghĩa trang rất lớn riêng biệt, nghĩa trang cho người theo Hồi Giáo, nghĩa trang cho người theo Do Thái Giáo và nghĩa trang cho người theo Thiên Chúa Giáo. Mỗi một lỗ chôn, không lớn lắm, thường có giá khoảng 300 ngàn đô (280 ngàn Euro). Để được chôn cất ở đây, thường phải là Trọc Phú, gia tài phải có vài chục triệu là thường. Người theo đạo Hồi chiếm khu đất ngay ngưỡng cửa vào Thiên Đường, nhằm chặn lối đi của 2 tôn giáo còn lại vì tương truyền rằng, khu đất ngọn đồi nhỏ dẫn vào Thành Thánh Jerusalem nằm gọn trong nghĩa trang của người Hồi Giáo.

Khi còn sống họ đã chém giết nhau để giành cho được ngôi thành này, thế rồi, sau khi chết đi, họ lại cũng vẫn tiếp tục chém giết nhau để giành xem ai được đến cổng thiên đường trước!

Các Sử Gia tin rằng con người đã đến định cư ở Jerusalem vào thời kỳ đầu của thời đại Đồ Đồng (Early Bronze Age) khoảng 3 ngàn 500 năm trước Chúa Giáng Sinh.

Vào năm 1000 BC, vua David đã tiến chiếm Jerusalem và biến nó thành thủ đô của vương quốc Do Thái. Con trai của ông, vua Salomon đã xây dựng Ngôi Đền Thánh đầu tiên vào khoảng 40 năm sau đó. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Jerusalem đã bị tấn công 52 lần, bị chiếm và tái chiếm 44 lần, bị bao vây 23 lần và bị phá hủy 2 lần. Một phần của thành phố, có con người định cư lâu đời nhất là vào thế kỷ thứ 4 trước Chúa Giáng Sinh, khiến Jerusalem trở thành một trong những thành phố cổ đại và lâu đời nhất trên thế giới. 

Hầu hết các cuộc viễn chinh của các đế chế trong lịch sử của loài người, đều đã có vết giầy của họ qua nơi này. Chả thế mà, người Do Thái cũng nhận mình là chủ nhân của khu vực này, cùng một lúc, người Ả Rập Palestine cũng khẳng định mình mới chính là chủ nhân ông ở đây vì cả 2 nhóm người này, đều cũng có một thời gian dài làm chủ khu vực này trong quá khứ. 

Ngày trước hay bây giờ và muôn đời vẫn thế, cứ thắng thì làm vua và thua thì làm giặc.  

*** Còn tiếp.

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid0qHAbKyhfNbr5bsac2Wt246QLvAV6LQJixcgURR2TpV66QCsjr7d2h3uRH25oJDKl

.

https://baothamnhung.com/jerusalem-do-thai-phan-2/

JERUSALEM – DO THÁI (Phần 1).

Giao Thanh Pham

Với chúng tôi, cuộc hành trình đến Do Thái có 2 ý nghĩa, thứ nhất, là người Công Giáo, thì Do Thái nói chung và thành Jerusalem là một thánh địa mà bất kỳ người tín hữu Công Giáo nào cũng ước mơ có cơ may đến thăm ít là một lần và thứ hai là tò mò muốn khám phá tận mắt những gì đã nghe nói và đã học. 

Con đường từ bên này Biển Chết (Dead Sea) của đất nước Jordan qua bên kia biên giới Do Thái tuy không xa nhưng thủ tục nhập cảnh khá rườm rà và nhiêu khê, đó là chính quyền Do Thái đã dành nhiều ưu tiên cho dân mang cái passport của Mỹ rồi, mà còn như vậy.

Con đường đi vào biên giới giữa Jordan và Do Thái xa cả hơn cây số, chủ đích là nhằm ngăn chặn những người thuộc khối Ả Rập Cực Đoan, những tay sẵn sàng ôm bom tự sát tiến vào đất Do Thái. Có vượt qua được trạm xét ở cửa biên giới, thì cũng còn rất xa để có thể tiến vào lãnh thổ của Do Thái. Tuy nằm giữa sa mạc núi đồi mênh mông nhưng hệ thống phòng thủ ở khu vực biên giới này của Do Thái phải nói là gần như bất xâm phạm. Hàng rào 2,3 lớp, lại được gắn sensors dày đặc, mỗi cái chỉ cách nhau chưa được 2 feet square, nói chung 1 con ruồi cũng khó qua lọt. Trên các ngọn đồi, là những lô cốt có lính canh với súng máy, nhìn cũng hơi ngán … Có lúc phải tự hỏi: “What the heck am I doing here?”.

Photo by Giao Thanh Pham

Con đường từ biên giới ở điểm này đến Jerusalem khá xa, hai bên đường cũng vẫn sa mạc đây kia nhưng không bao la và trùng điệp như ở Jordan và Ai Cập. Có nhiều khu vực giàu nghèo khá rõ rệt. Khu nhà giàu thì biệt thự to, khu nghèo thì căn hộ nhỏ và cao tầng chi chít. Khu trung lưu là những khu condos mới, sang hơn rộng rãi và thoáng mát hơn. Do Thái cũng đồi núi mịt mù, bởi thế, những căn condos cao tầng nằm hầu hết ở trên những ngọn đồi. Ở gần biên giới thì cũng hàng rào phân cách, hàng rào khắp nơi từ ngoài xa lộ đến đỉnh những ngọn đồi cao của những biệt thự sang trọng, của những căn condos cao tầng. Chẳng biết do mình tự suy diễn quá đáng vì điện ảnh Hollywood hay không nhưng thấy cuộc sống ở Do Thái ngột ngạt quá, ưu tư quá và lo lắng cũng quá luôn, khối Ả Rập và Do Thái dường như luôn sẵn sàng, chỉ cần thằng nào ho to một cái trước, là thằng kia súng ống răng rắc lên đạn ngay.

Photo by Giao Thanh Pham

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất, đó là 1/3 đất đai của Do Thái thuộc dạng khá màu mỡ, trồng cấy được nhưng nước lấy ở đâu ra để tưới thì lại là một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả. Nước ngọt thì họ chỉ có vài cái “biển hồ” không quá lớn để cung cấp cho dân chúng xài, nói chi đến tưới trong nông nghiệp. Trước đây, khoảng đầu thập niên 2010, tôi đã nghiên cứu và đọc khá kỹ về việc Do Thái phát triển dẫn đầu thế giới trong việc “chuẩn bị cho cuộc chiến, đấu tranh với đại nạn thiếu nước ngọt”, giờ mới thấy tận mắt. 

Do Thái có những nhà máy “desalinate salt water – lọc muối khỏi nước biển” để xử dụng. Có tới 75% lượng nước ngọt xử dụng hàng ngày ở Do Thái đến từ những nhà máy này, bỏ xa bất kỳ quốc gia tân tiến nào trên thế giới. Bên cạnh đó, họ còn thu gom đến 90% lượng nước ngọt xả thải, lọc và biến chế để tái xử dụng lại, mặc dù nghĩ cho sâu xa thì cũng thấy hơi … gớm gớm … bởi người Do Thái tái xử dụng nước thải từ mọi ngõ ngách trong nhà của người dân và ngoài cộng đồng để xài lại. Nhờ đó, tuy cũng là một quốc gia ở cái vùng đất khô cằn sa mạc khắp nơi nhưng Do Thái không hề thiếu nước và cũng không hề sợ thiếu nước ngọt để xử dụng trong nông nghiệp, bỏ xa mấy anh Ả Rập trong vùng.

Photo by Giao Thanh Pham

Dọc 2 bên đường, những cánh đồng lúa mì xanh tươi xa tít tắp đến tận chân những ngọn đồi. Bên cạnh lúa mì, là chuối, Do Thái có những cánh đồng chuối mênh mông bạt ngàn sắp hàng thứ tự. Chuối ở Do Thái giống chuối tiêu của Việt Nam nhưng trái nhỏ hơn và cũng không ngọt bằng nhưng hằng ha sa số. Kế đến là cái loại citrus, bưởi, cam, quít và chanh. Đi đến nhà hàng nào cũng được cho uống nước chanh và uống thoải mái. 

Dân Do Thái ăn uống tạm gọi là khá kham khổ so với dân Mỹ, thực phẩm cũng không quá giàu như của Việt Nam, chủ yếu thực phẩm của họ loanh quanh cũng giống như các nước quanh vùng. Bánh Naan là chính, quệt với các loại humus làm bằng các thứ đậu xay nhuyễn, chủ yếu là đậu nành. Thịt thì có thịt cừu, thịt gà và thịt bò, không có thịt heo. Giống như dân Đạo Hồi, người Do Thái không ăn thịt heo vì theo tôn giáo của họ, máu heo và thịt heo là loại dơ bẩn … trái ngược với dân của các nước Châu Á, thịt heo là chính vì dễ nuôi, ăn tạp và chóng … nặng cân.

Photo by Giao Thanh Pham

Các quốc gia quanh khu vực thiếu thốn nước ngọt bao nhiêu, thì Do Thái lại chẳng hề lo về đại nạn này tí nào cả. Bên cạnh mùa màng và trồng trọt, Do Thái còn chừa lại khá nhiều đất đai cho cuộc sống thiên nhiên, họ có nhiều Công Viên Quốc Gia và những khu rừng núi tương đối rộng lớn và bao la. Trên những xa lộ, đây kia du khách còn có thể thấy được những cây cầu vượt chỉ dành cho thú hoang xử dụng để băng qua đường mà không sợ bị xe đụng phải. Hệ thống xa lộ bên ngoài thủ đô Jerusalem tương đối cũng khá, thế nhưng càng tiến vào gần thủ đô, đường xá càng chật chội, khó qua lại và kẹt xe cũng không thua bất kỳ thành phố phát triển nào trên thế giới.

Dân số Do Thái hơn chục triệu nhưng họ dồn cả vào 2 khu vực Jerusalem và Tel Aviv nên khá chật chội và đông đảo, lại còn những sắc dân khác cùng chia nhau sống ở trong khu vực nên phải nói là khá ngộp thở … Trên cùng một con đường, chỉ cách nhau vài trăm mét là bước từ khu sinh sống của người Ả Rập qua khu sinh sống của người Do Thái và lẽ đương nhiên, chỉ có họ mới phân biệt được nhau. Mặc dù anh tour guide luôn miệng nói “chúng tôi sống hòa đồng, người Ả Rập cũng như người Do Thái” nhưng tôi không tin được điều này. Không biết là do mình tự suy diễn ra những mối cọ sát giữa người 2 sắc dân 2 tôn giáo ở đây hay không nhưng tôi cảm thấy được sự dồn nén của một nồi áp xuất khổng lồ như chỉ chờ … bung nắp xì hơi ra ngoài.

Điều khó khăn nhất cho du khách (không biết tiếng Ả Rập) khi đến Israel là, chả biết khu vực nào của người Do Thái, cũng chả biết khu vực nào thuộc người Ả Rập, chỉ có thể đoán lờ mờ qua cuộc sống của họ. Cũng chẳng có thể biết được là khu vực nào thì thuộc về người Palestine còn khu vực nào thuộc về Do Thái. Chỉ cần đi ra khỏi Jerusalem về hướng Bắc độ hơn tiếng đồng hồ, là phải đi qua khu vực kiểm soát biên giới và phải có passport sẵn sàng để tiến vào khu vực do người Palestine kiểm soát. 

Đất nước “Do Thái” được chia ra làm 2 khu vực, đất Do Thái kiểm soát và đất Palestines kiểm soát bao gồm khu vực West Bank và giải Gaza. Người Palestine kiểm soát 2 khu vực này và kẹp Do Thái vào giữa, tuy nhiên không như khu vực West Bank, cái giải đất bờ biển gần Tel Aviv mang tên giải Gaza là khu vực cấm kỵ cho du khách nhất là du khách mang passport Anh và Mỹ. Giải Gaza được nhóm khủng bố Hamas kiểm soát chặt chẽ, bước vào đây, là nhiều khi một đi không trở lại … 

*** Còn tiếp …

.

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid02bM7EnvKvbm5QxUvtGMj6AT5N7UpAT6PvJC1yubsswFEoWcTPdRyhbvUjTrPTd8Ugl

https://baothamnhung.com/jerusalem-do-thai-phan-1/

THÁNG BA VỀ

JB Nguyễn Hữu Vinh cùng với Cao Đăng ChinhPhan Thế Hải.

THÁNG BA VỀ

Tháng ba về anh đang ở nơi đâu

Em chờ mãi đến mùa hoa đã nở

Những bông hoa loa kèn, loa loa loa nhắc nhở

Người yêu ơi hoa gạo đỏ trên cành.

Em vẫn tin lời hẹn ước của anh

Từ lúc hoa sưa vẫn còn chưa nở

Và hoa ban chưa trắng trời nhung nhớ

Hoa xoan cũng chưa về trên lối cũ ta qua.

Anh có về cùng với rét tháng ba

Áo nàng Bân bồi hồi đang chờ đợi

Chiếc khuy áo cuối cùng em đơm bối rối

Rất tròn điều mơ hạnh phúc trăm năm.

Tháng ba về lất phất hạt mưa xuân

Đậu trên cánh hoa như nước mắt người con gái

Đã chờ đợi suốt một thời vụng dại

Mà tháng ba về anh có về không?

Anh đã đi qua mưa nắng mấy dòng sông

Con đò tháng ba chở mùa hoa bưởi

Câu hát sang sông bồng bềnh bến đợi

Sao đò còn ở mãi phía bên kia?

Tháng ba về qua chỗ hẹn ngày xưa

Mưa vô ý rơi ướt đầm nỗi nhớ

Gió rét nàng Bân rì rầm ngoài ô cửa

Cứ ngỡ anh về gõ cửa tháng ba em… 

Thơ: Tạ Thăng Hùng 

Ảnh Phan Thế Hải

BAO GIỜ NHỈ TÔI VỀ THĂM XỨ QUẢNG 

Trần Trung Đạo 

Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng

Mười năm dài mộ mẹ chẳng ai trông

Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng

Ðất có lạnh hơn mùa đông Bắc Mỹ

Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ

Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn

Thuở học trò tôi hay đứng ven sông

Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Ðiện

Còn chăng nhỉ những con đường kỷ niệm

Những bạn bè dăm đứa lạc nơi đâu

Tóc chưa xanh mà đã vội hoen màu

Thời ly loạn tìm nhau trong ký ức

Cho tôi ghé thăm trường Trần Quý Cáp

Những màu rêu gạch ngói cũ còn chăng

Bài thơ xưa còn đọng dấu bên thềm

Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước

Ðường Phố Hội chưa mưa đà ngập nước

Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau

Ðình Cẩm Phô, khu Khổng Miếu, Chùa Cầu

Tên nghe lạ nhưng vô cùng tha thiết

Cho tôi ghé bến xe đò Nam Phước

Lần cuối cùng em đến tiễn tôi đi

Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì

Nghìn năm để mây buồn vương trong mắt

Bao giờ nhỉ tôi về thăm Núi Quế

Ðứng bên cầu Chợ Ðụn nước trôi xuôi

Mùa sim lên tím rực cả lưng đồi

Hương ngây ngất tôi mộng thành thi sĩ

Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy

Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai

Nghiệp tằm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài

Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ

Trái tim tôi có một dòng máu đỏ

Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu

Nước sông Thu dù lụt lội đục ngầu

Nghe vẫn ngọt như bòn bon Ðại Lộc 

Bao giờ nhỉ tôi trở về Ðà Nẵng

Nghe ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn

Bến Bạch Ðằng còn những chuyến đò ngang

Ngày hai buổi nối cầu qua An Hải 

Em Trường Nữ có bao giờ trở lại

Thả tơ tình trêu chọc đám con trai

Ðường Hùng Vương thuở ấy rất là dài

Sao quá ngắn trong những chiều chung bước 

Mây có trắng trên đỉnh chùa Non Nước

Mưa có buồn giăng kín núi Tiên Sa

Về chưa em sương phủ xuống Sơn Chà

Còn chăng nhỉ dấu chân tình trên cát 

Tôi một dạo hay ôm đàn đứng hát

Bài ca buồn tiếng quốc vọng đêm khuya

Quảng Nam ơi khúc ruột đã chia lìa

Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho non nước 

Tôi đã bảo thơ tôi buồn hơn trước

Ðời lưu vong chưa hẹn buổi quay về

Câu hỏi này chỉ hỏi để tôi nghe

Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng.

Trần Trung Đạo

Đời quá ngắn thương nhau còn chưa đủ

Đời ngắn lắm cầm tay nhau chưa đủ
Nói làm chi lời chia cách vực sâu,
Hắt hơi thở là tạ từ cuộc lữ
Dẫu muốn tìm, chẳng dễ gặp nhau đâu!
Ngày ngắn lắm chưa cười đêm đã xuống
Sao ta hoài ước muốn chuyện… sương tan,
Sao chỉ thấy ngày mai là hạnh phúc
Còn Bây Giờ, để phai úa thời gian?
Em dẫu biết đời chẳng chi thường tại
Sao vẫn buồn ngây dại giữa hư hao.
Khi sân khấu tấm màn nhung khép lại
Kiếp huy hoàng, lộng lẫy… cũng chiêm bao.
Đời ngắn ngủi sao lời thương chưa nói?
Ngại ngần chi, người đang rủ nhau đi.
Ai khóc ngất tiễn ai vào mộ địa
Bởi niềm thương dấu nhẹm lúc đương thì…
Đời quá ngắn thương nhau còn chưa đủ
Bận lòng chi bao oán hận bâng quơ…
Ta cười bóng trong gương cười trở lại
Lòng yêu thương thành biển rộng vô bờ.
Thích Tánh Tuệ

CÒN BÊN NHAU, CÒN LỄ HỘI ĐỜI MÌNH

(Tác giả: Cao Xuân Sơn)

.

Chẳng còn gì bí mật nữa, giêng hai

mùa lễ hội, mùa rộn ràng, tở mở

vòng luân vũ của đất trời muôn thuở

em và tôi cứ chầm chậm mà già

Chẳng còn gì òa vỡ nữa, dần xa

những chếnh choáng hoa niên, ngất ngây thơ bé

mụ dì ghẻ thời gian giấu biệt bầy chim sẻ

ném cho ta mớ gạo thóc lạnh lùng

Năm tháng cỗi cằn, năm tháng bao dung

sau tất cả mưa nguồn rồi chớp bể

tuyệt vọng, hoang mang, nát tan, giằng xé…

ta nhìn nhau mỗi lúc mỗi nồng nàn

Ta nhìn nhau cỏ dại với hoa hoang

bất kể xuân, thu hay là đông, hạ

mùa tình ái ngọt ngào cho ai không biết sợ

cho những trái tim không biết đập cầm chừng

Chẳng còn gì bí mật phía thinh không

miền thiêng liêng trong ngực thầm nhắc thế

không chiêng trống vẫn rộn ràng như thể

còn bên nhau, còn lễ hội đời mình.

(Ảnh: Huynh Phuc Hau_Rằm tháng Giêng: “Ở quê, đi lễ chùa chỉ là đến chùa thắp nhang và khấn nguyện, không phải đồ lễ chi lễ mễ hết.”)

Hãy ngồi xuống đây 

Thái Hạo

Này em

hãy ngồi xuống đi

mùa thu trên đỉnh núi

sương mù

khăn trắng

này bạn

hãy ngồi xuống đây

buồn với nhau một trận

đừng nói về nhà tù

đừng nói về tự do

hãy để bạo chúa được yên

hãy để mùa thu được yên

chúng ta bận tới nỗi không có thời gian để buồn

chúng ta bận tới nỗi

không có thì giờ để chết

hãy ngồi xuống đây

hơi thở trong bàn tay

này em

mùa thu mưa

hạt nhỏ

hãy ngồi xuống đây

đừng nói về anh hùng

đừng nói về bạo chúa

ngày hôm qua qua rồi

ngày hôm nay

mùa thu

hãy để yên đó 

tiếng khóc bên ngoài của sổ

hãy để yên đó

tiếng kêu trong nhà tù

hãy để yên đó cho rừng cháy cho biển độc

cho người chết

hãy để yên đó

cho kẻ thù ào tới

cho non nước điêu linh

cho trái đất hoang tàn

hãy để yên đó cho cỏ dại mọc lên

cho lòng mình rối ren

đừng châm thuốc hút

đừng sửa cổ áo

hãy để yên đó cho tóc rối cho mưa rừng cho suối chảy

hãy để yên đó 

gạt tàn vương vãi

này em

hãy ngồi xuống đây 

buồn với nhau một trận

hãy ngồi xuống đây 

sống với nhau 

một lần…

Thái Hạo 

(25.8.2022)

Rượu

Thái Hạo

Chiều qua, gia đình anh Tuấn Công Hoàng ghé vào núi chơi, tôi có chút ấm ức trong lòng phải nói ra, rằng mấy lần gần đây gặp nhau, khi nào cũng bề bộn những đa đoan, nên chẳng uống được với nhau một ly. Anh bảo, hôm nay sẽ uống!

Nhen một đống lửa bằng mấy gốc cây to cho than hồng rực lên. Trời chiều gió nhẹ, ngồi bên hiên cạnh hồ nước, nói với nhau những chuyện không đầu không cuối giữa ngổn ngang buồn vui của ngày đã qua và những ngày đang tới. Rượu rót ra, nặng mà êm, nghe hơi nóng chảy trong lồng ngực. Anh Công quay sang nói với vợ: “Thu xếp, bữa nào trời còn lạnh, nhà mình vào ở lại một đêm”. Chị cười. Tôi hiểu cái cười ấy. 

Hai anh em ngồi được với nhau từ khi tôi hồi hương. Biết anh thèm núi, thèm nơi thôn dã, thèm mùa đông và những bếp lửa; thèm tới mức, ở thành phố người đông đất chật, hai cha con phải sắm một chiếc lều bạt để “dựng trại”… ngoài ban công, tìm chút gió trong và hơi lạnh của núi rừng tưởng tượng những đêm giá rét… Nay thì thêm cả thèm viết. Mấy tháng nay những lo toan rối rít cửa nhà, thèm sách và bàn phím…

Tôi ít uống rượu, và hiếm khi say, nhưng lần này thì chếnh choáng hơi men, bỗng nghe rõ từng ý nghĩ và cảm xúc của mình, như nhìn trái táo trong lòng bàn tay. 

Tối muộn, khách phải về thành phố, chủ nhà không ra tiễn được, có lẽ vì rượu cay đã thấm tận vào những đầu ngón chân. Thả mình, rúc vào chăn gối cạnh lò sưởi trong thư phòng mà buông lòng phóng túng trong hơi rượu đang tan vào da thịt. Trước khi ra về, sợ chủ nhà cảm lạnh, khách còn cầm thêm mấy khúc củi nữa bỏ vào lò cho lửa cháy đượm lên, rồi dặn thằng bé: “Về tới nhà, bác sẽ gọi điện, Hạo nhớ nghe máy nha”…

1 giờ sáng tỉnh giấc. Thằng bé đã ngủ như chó con bên cạnh. Nghe hơi ấm sau lưng, quay nhìn, thấy lò còn đỏ, chỉ ngọn lửa thì không biết đã theo ống khói mà đi về những phương trời nào. Nghe gió, gió đầy trời. Gió thổi trên mái nhà, trên mặt hồ, trên những ngọn cây. Căn nhà chìm trong gió, không phải cái gió rít của mưa bão mùa thu, mà là gió xuân mênh mông ào ạt thổi tới. Ngồi dậy mà pha một ấm trà nóng, chụm lại những đầu củi đã rời ra vì rượu đốt cháy. Mở cửa cho gió vào nhà…

Ngồi như thế, nhìn ngọn lửa đỏ kỳ lạ thay hình đổi dạng, thấy cái vô tướng của vạn hữu và sự vô thường của đời sống, thấy hơi men còn dâng lên trong mắt. Trời mỗi lúc một gió lớn, như nghe được cả tiếng thông rít trên đồi. Đêm sâu thăm thẳm…

Sáng nay thì rét mướt, gió vẫn lồng lộng trên đồi. Gió thổi vào hoa đào ửng đỏ, cánh mỏng bật ra trong đêm, một đốm lửa nhỏ ủ sâu trong lòng hoa thắp mãi giữa trời buốt giá. 

Tắm gội. Hơi rượu đã theo những tàn lửa đêm qua ra đi. Ngồi nhìn núi qua cửa kính trong vắt, nhớ Thôi Hộ, rồi lại nhớ Trần Nhân Tông giật mình thấy mùa sang đêm gió. 

Ngọn gió màu gì giữa lá xanh bạt ngàn… Uống một bữa rượu đêm mà say mãi. Lại thèm lang thang một phố cũ đường quen, đi mà chẳng muốn tới đâu, chỉ có mình và mùa xuân du thủ…

Thái Hạo

Đầu năm nói chuyện: Tiếng Việt Trong Nước Quá Nhiều Tiếng Lóng và Ngôn Ngữ Chợ Búa

– Tiếng lóng (slang) là ngôn ngữ của các băng đảng, lưu manh côn đồ, cờ bạc, đĩ điếm, hoặc bọn du thủ du thực nói chuyện với nhau để không cho người ngoài biết hoặc che mắt cảnh sát, lực lượng an ninh, hoặc để tỏ ta đây “anh chị”, “hơn đời”. Trước năm 1975 cũng đã có khá nhiều tiếng lóng, chẳng hạn như:

Cớm= cảnh sát. Cớm gộc= cảnh sát trưởng hoặc quan to.

Ghế = gái

Choạc= Chục

= Trăm

Khứa= khách. Khứa lão= khách già, lớn tuổi

Nhí (nhỏ) = Bồ nhí tức già rồi mà còn “chơi trống bỏi” tức cặp với cô gái/cậu trai nhỏ tuổi bằng con mình.

Biến= Chạy đi

-Bỉ vỏ= Dân bỉ vỏ là dân cờ bạc

Thổi= Lấy cắp

Thuổng= Lấy cắp

Khoắng= Vào nhà lấy trộm, trộm

Cuỗm= Lấy đi. Thí dụ: Hắn cuỗm vợ của bạn hắn.

Chôm/chôm chĩa= Lấy cắp. Chôm chĩa credit= Ăn cắp/cầm nhầm thành tích của ai.

Xế hộp= Xe mới đắt tiền

Ngầu= Hay, giỏi, đẹp, bảnh bao

Chì: Gan lì

Ngay trong đại học, chẳng hạn như Đại Học Havard của Mỹ, cũng có rất nhiều tiếng lóng do sinh viên chế ra để nói chuyện với nhau, vừa nghịch ngợm (Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò) vừa để tỏ ra đây là “sinh viên” hay “Havard”. Dù do sinh viên hay Havard chế ra, tiếng lóng không bao giờ được coi là ngôn ngữ chính của đất nước. Quý vị cứ mở bất cứ cuốn từ điển Việt Ngữ – dù xuất bản trước hay sau 1975 xem có tiếng lóng nào không?

Thế nhưng không hiểu sao ngày nay, báo chí trong nước, tiếng Việt xuất hiện quá nhiều tiếng lóng. Nếu không phải là tiếng lóng thì lại là loại ngôn ngữ “ đường phố” hay “chợ búa” của những người ít học. Đọc những bài báo có loại tiếng lóng hoặc ngôn ngữ “đường phố” chúng ta nhận ra ngay phần lớn xuất phát từ Miền Bắc chứ không phải Miền Nam.

Hiện nay, mạng lưới truyền thông của cả nước đều do những người “nói tiếng Bắc” nắm giữ. Có thể nói không sợ sai lầm rằng tiếng Việt bây giờ bị thống ngự bởi “tiếng Bắc” và giết chết loại ngôn ngữ trong sáng, giản dị, lịch sự, dễ hiểu mà Miền Nam xây dựng trong 20 năm.

Xin nhớ cho ngôn ngữ, dù ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài thời Trịnh-Nguyễn Phân Tranh và ngày nay Miền Nam hay Miền Bắc trong cuộc chiến “VietnamWar” thì cũng đều là tài sản chung của đất nước. Dù chính quyền có khả năng tác động tới ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ của một đất nước không phải hoàn toàn do một chế độ hoặc chính quyền áp đặt hoặc chế ra. Ngôn ngữ của một dân tộc là sản phẩm đi lên từ cuộc sống – xây dựng bởi các học giả, khoa học gia, các giáo sư đại học, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà văn hóa, tiểu thuyết gia, các nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo lỗi lạc cống hiến cho cuộc sống chung rồi được công chúng và hệ thống giáo dục chấp nhận rồi trở thành khuôn thước cho cả nước. Chúng ta không nên úy kỵ, dị ứng hay kỳ thị bất cứ ngôn ngữ của vùng, miền nào nếu nó hay, đẹp, giản dị, dễ hiểu. Đất nước càng phát triển thì ngôn ngữ càng phong phú thêm. Và chúng ta cũng phải có can đảm loại bỏ loại ngôn ngữ thô lỗ, chợ búa, lai căng, xúc phạm, bát nháo, bất lịch sự và thấp kém (do ít học) … ra khỏi gia tài ngôn ngữ Việt Nam…dù là trên bảng quảng cáo, các trang báo điện tử v.v…

Báo chí là phương tiện truyền thông đại chúng cần phải trong sáng, dễ hiểu. Sự tường thuật một biến cố không những trung thực mà còn phải đúng mức (decent) nữa. Khi quần chúng đọc một bản tin là muốn biết một sự kiện diễn ra như thế nào, chứ không phải đọc chuyện tiếu lâm hay nghe anh hề diễu cợt trên sân khấu. Việc dụng tiếng lóng trong các bản tin làm người đọc khó chịu và liên tưởng tới tác giả có thể xuất thân từ giai cấp chợ búa hay băng đảng mới gia nhập làng báo. Xin nhớ cho: “Văn tức là người”.

Nói như thế không có nghĩa là cấm không được sử dụng tiếng lóng. Trong các tác phẩm văn chương, chẳng hạn khi mô tả một mụ tú bà gọi điện thoại nói chuyện với một tên ma-cô giắt mối, hoặc băng đảng nói chuyện với nhau…thì việc sử dụng tiếng lóng là hợp lý và làm tăng tính hiện thực của tác phẩm. Thế nhưng để cho độc giả dễ hiểu, nhà văn cũng cần cước chú vì không phải ai cũng hiểu hết tiếng lóng.

Nghe một nhóm người nói chuyện với nhau bằng tiếng lóng mình đã khó chịu rồi. Nhưng không có gì kinh hoảng cho bằng nghe một cô hoa hậu, người mẫu hay một sinh viên mở miệng nói ra toàn tiếng lóng hay ngôn ngữ “đường phố” chứ không phải “Cửa Khổng sân Trình” tức ngôn ngữ của người được cắp sách đến trường. Xin nhớ cho ngôn ngữ biểu lộ trình độ giáo dục và tư cách của con người. Nhà đạo đức nói lời xâu xa nghĩa lý. Nhà giáo nói lời bảo ban nhỏ nhẹ. Mẹ hiền nói lời nhẹ như ru. Nhà tu hành nói lời cứu độ. Kẻ trí thức nói lời lịch sự. Người hiền lành nói lời chân chất. Bọn côn đồ nói lời dao búa. Bọn trộm cướp, xã hội đen nói với nhau bằng tiếng lóng. Bọn trọc phú nói lời kênh kiệu. Kẻ ác tâm nói lời cay nghiệt. Kẻ buôn gánh bán bưng giành giật miếng cơm manh áo từng ngày nói lời “đường phố”.

Dưới đây là một số những minh chứng cho việc sử dụng quá nhiều tiếng lóng và ngôn ngữ “chợ búa” của tiếng Việt trong nước bây giờ:

Cà-phể đểu= Đây là loại ngôn ngữ “chợ búa”. Tại sao không nói “Cà-phê giả” cho đứng đắn và rõ nghĩa?

Bôi trơn sổ đỏ= Hối lộ, đút lót để được cấp sổ đỏ. “Bôi trơn” là một loại tiếng lóng.

Bảo kê sòng bài, bảo kê xe quá tải qua mặt trạm cân= Đỡ đầu/bao che cho sòng bài, đỡ đầu/bao che cho xe quá tải vượt trạm cân. Hai chữ “bảo kê” ảnh hưởng từ phim bộ loại đâm chém, bắn giết của Hồng Kông như : Bảo kê, bảo tiêu.

Nhập viện= Có rất nhiều “viện”, nào là: Viện Kiếm Sát Nhân Dân, Viện Hàn Lâm, Viện Uốn Tóc, Kỹ Viện, Viện Ung Bướu, Viện Bào Chế, Viện Dưỡng Lão, Viện Mồ Côi, …vậy “nhập viện” là nhập “viện” nào? Do đó, một cách rõ ràng và đầy đủ nhất phải nói, “vào bệnh viện” hay “đưa vào bệnh viện”. Thí dụ: “Ông Nguyễn Văn A đã phải vào bệnh viện” hoặc “Người ta đã đưa nạn nhân vào bệnh viện.” hoặc “Tối qua cháu bé lên cơn sốt nặng cho nên gia đình đã phải đưa cháu vào bệnh viện.”

Trạm trung chuyển: Nghe có vẻ cầu kỳ, khó hiểu. Tại sao không nói, “trạm chuyển tiếp” vừa giản dị vừa dễ hiểu?

Tuyển quốc gia: Có biết bao nhiêu thứ “tuyển” như: Tuyển quân, tuyển phu, tuyển mỹ nhân, tuyển thủ, tuyển chọn, tuyển lựa tài tử, tuyển cử…vậy “tuyển quốc gia” là gì? Là tuyển chọn xem quốc gia nào tốt, đẹp…chăng? Xin thưa đây là lối viết tắt rất “bát nháo” ở trong nước bây giờ của đội tuyển quốc gia. Hầu như trong nước bây giờ các chữ: đội tuyển thanh niên, đội tuyển Việt Nam, đội tuyển Bình Dương… đều viết thành: tuyển thanh niên, tuyển Việt Nam, tuyển Bình Dương. Thật bừa bãi quá sức tưởng tượng!

Phượt, dân phượt. Tôi đố bạn ở hải ngoại hiểu “phượt” là gì ? Xin thưa bây giờ nó có nghĩa là “du lịch” đó. Tôi có cảm tưởng chữ này dịch từ tiếng Miên mà ra?

-Chuyên cơ: Nghe có vẻ cầu kỳ, làm dáng và khó hiểu. Chữ “cơ” có nghĩa là máy móc. Vậy “chuyên cơ” có nghĩa là “máy móc đặc biệt” chứ hoàn toàn không có nghĩa “phi cơ” hay “máy bay” gì cả. Tại sao không dùng: Phi cơ đặc biệt, phi cơ riêng đã có từ lâu ở Miền Nam cho giản dị và dễ hiểu?

Các họa sĩ biếm lo ngại sau vụ Charlie Hebdo: Đây lại là một lối viết tắt vô cùng cẩu thả. “Họa sĩ biếm” là họa sĩ gì? Đúng đắn nhất nên viết: “Các họa sĩ vẽ tranh châm biếm lo ngại sau vụ Charlie Hebdo

Điều tra hợp tác xã chi khống tiền hỗ trợ nông dân: Chi khống là gì? Hai chữ này có vẻ địa phương hay đường phố hay là một loại tiếng lóng? Tại sao không nói “lập hồ sơ giả” cho rõ nghĩa? Nếu đúng thế thì tiêu đề sẽ là, “Điều tra hợp tác xã lập hồ sơ giả để lấy tiền hỗ trợ nông dân.”

Mercedes-Benz trình làng mẫu xe tự lái cực “chất”: Cực chất là gì? Đúng là muốn viết gì thì viết và coi thường độc giả quá mức. Tại sao không viết, “Mercedes-Benz trình làng mẫu xe tự lái thật tối tân”, “Mercedes-Benz trình làng mẫu xe tự lái thật tiện nghi”. Đây là hậu quả của việc thiếu kiến thức cho nên bạ đâu viết đó.

Huyền thoại đấm bốc Muhammad Ali đã được “giải bệnh”: Đây là một tiêu đề vừa chen tiếng Tây “ba rọi” (đấm bốc) vừa chế chữ, đùa rỡn một cách lố bịch. Được bệnh viện cho về sao có thể gọi là “giải bệnh” được? Giải bệnh có nghĩa là chữa bệnh. Do đó tiêu đề đúng đắn phải là, “Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali đã rời bệnh viện” hoặc “Tay đấm huyền thoại Muhammad Ali đã rời bệnh viện

-“Đại ca” mang súng “làm cỏ” đối thủ, bố bị chém chết, con nhận án tù”: Khi tường thuật một biến cố, phóng viên hay ký giả không được phép đùa rỡn mà phải dùng chữ cho đứng đắn. Hai chữ “làm cỏ” ở đây là tiếng lóng không nghiêm túc. Hơn thế nữa hai chữ “đại ca” cũng thừa thãi, vô bổ. Tiêu đề đứng đắn nên là, “Đem súng định thanh toán chủ nợ, bố bị chém chết, con nhận án tù

Xét xử gã choai hiếp dâm trẻ em: Chữ “choai” ở đây không đứng đắn (có tính cách mỉa mai) cho một bản tường thuật về một sự kiện xã hội. Phóng viên hay ký giả không phải là “quan tòa” , “nhà đạo đức” hay một “anh hề” để phê phán, chế riễu bất cứ ai. Bổn phận của phóng viên là tường thuật – tức mô tả lại một cách đầy đủ, không thiên kiến, không nhận định riêng tư và bằng giọng văn mẫu mực. Không biết ông ký giả này có tốt nghiệp trường báo chí nào không và trường này dạy những gì?

-“Á hậu dính nghi án đập đá.” Thú thực, đọc tựa đề này tôi không hiểu ra làm sao. Tôi cũng thử đoán xem có phải cô này dính vào vụ “đập” hay “đá” ai đó (bạo hành). Thế nhưng khi đọc phần tin chi tiết mới biết cô á hậu này bị nghi là có cuộc sống trụy lạc, uống rượu và hút xì-ke ma túy nhưng đã được tác giả tường trình bằng loại tiếng lóng. Ngoài ra hai chữ “nghi án” hoàn toàn lạc điệu. Cô á hậu này có dính vào một vụ án nào đâu, mà có thể chỉ có cuộc sống bê tha thôi, sao gọi là “nghi án” được? Có thể nói, trình độ Việt ngữ của ông phóng viên này quá thấp đến nỗi không phân biệt được thế nào là “nghi ngờ” và thế nào là “nghi án”. Thật đáng buồn cho một nền báo chí như vậy!

-“Lương tiếp viên hàng không “khủng”hay “bèo?” Đây là lối nói của mấy tay mánh mung, buôn lậu đang ngồi ở một quán nhậu vỉa hè chứ không phải ngôn ngữ của báo chí “dòng chính” (mainstream).

Kết cục buồn của bà nữ ĐBQH Châu Thị Thu Nga: Trời đất ơi! Đã “” rồi còn “nữ”. Đúng là loại tiếng Việt cẩu thả. Không biết tờ báo này có chủ nhiệm, chủ bút không? Hay có bài vở nào là cứ đăng bừa lên để chạy đua với báo khác mà chẳng để ý câu văn, nội dung ra sao? Đối với các hãng thông tấn quốc tế, các bản tin- dù do thông tín viên chuyên nghiệp gửi về, vẫn được chủ bút coi và duyệt lại trước khi phổ biến. Việc duyệt lại này được cước chú dưới bản tin. Có thể đây là một câu văn “để đời” cần đem vào sách giáo khoa để dạy học sinh. Nhưng cũng có thể ông nhà báo này quá cẩn thận. Đã dùng chữ “” rồi còn sợ người ta không hiểu và ngộ nhận là “đàn ông” cho nên phải thêm chữ “nữ” cho chắc ăn!

Mồm không biết ngượng: Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chỉ nghe nói “Nói không biết ngượng” chứ chưa bao giờ nghe nói, “Mồm không biết ngượng”. Đúng là loại ngôn ngữ “đường phố” và vô cùng thô lỗ.

Quan chức Việt Nam “xạc” nhà thầu Trung Quốc (VOA tiếng Việt): Đây cũng là một loại tiếng lóng để chỉ “khiến trách”, “la mắng” xuất xứ từ tiếng Pháp “charge” nếu nói chuyện riêng tư với nhau thì được, nhưng thiếu đứng đắn khi loan tin về một biến cố liên quan đến hai quốc gia.

Việt Nam hạ giá tiền đồng (VOA tiếng Việt): Không biết người dịch bản tin này ra Việt Ngữ có phải là người Việt Nam không? Hay ông ta là một ông Tàu hay ông Mỹ cho nên nó ngây ngô làm sao ấy. Cả 90 triệu dân Việt Nam không ai nói”tiền đồng” cả, mà họ chi nói “đồng bạc”. Do đó tiêu đề đúng là tiếng Việt phải là , “Việt Nam hạ giá đồng bạc”. Xin tác giả tiêu đề này nhớ cho: 1000 đồng là trị giá (mệnh giá) của đồng bạc. Tên của nó không phải là “đồng” mà tên của nó là “tờ giấy bạc Việt Nam ” hay “đồng bạc Việt Nam”.

Rất ít xã hội ngày nay tin vào tôn giáo hơn 40-50 trước” (BBC tiếng Việt). Đây là câu văn dịch theo kiểu “mot à mot” cho nên làm người đọc nhức đầu. Câu văn bớt nhức đầu là, “Khác với 40, 50 năm trước, ngày nay xã hội tin vào tôn giáo ngày càng ít hơn.”

-“Năm 2015 sẽ kiểm tra về chất cấm trong thức ăn chăn nuôi”. Trời đất quỷ thần ơi! Các chữ “thực phẩm nuôi gia súc” đã có từ lâu lắm rồi sao không đem ra dùng mà lại còn chế ra “thức ăn chăn nuôi” nghe nó dị hợm làm sao ấy.

-“Chính thức chốt phương án nghỉ Tết Nguyên Đán dài 9 ngày” Đây chỉ là quyết định của chính phủ cho phép nghỉ chín ngày trong dịp Tết Nguyên Đán mà dùng toàn những danh từ đao to búa lớn như “chốt”, “phương án” giống như một kế hoạch hành quân, phục kích. Muốn đơn giản và tránh nhức đầu, chỉ cần viết,

Thủ tướng chính thức quyết địnhTết Nguyên Đán nghỉ 9 ngày

-“Sao Barca khiêm tốn mừng chiến thắng không tưởng” “Chiến thắng không tưởng của đội bóngChelsea”.

Với tiêu đề này, người viết thực sự không hiểu nghĩa của hai chữ “không tưởng” và “không thể tưởng tượng được”. Không tưởng (utopian) là một ảo tưởng không thể xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra. Thí dụ:

Hắn là con của một gã ăn mày lang thang giữa chợ nhưng lúc nào cũng mơ kết hôn với công chúa. Đúng là chuyện không tưởng.”

Trung Quốc mơ chiếm hết Biển Đông, đánh gục nước Mỹ rồi trở thành siêu cương thống trị thế giới. Đúng là giấc mơ hão huyền, không tưởng.

Còn “không thể tưởng tượng được” (unbelievable,unimaginable) có nghĩa là chuyện đã xảy ra nhưng ngoài dự liệu, ước mơ hay tiên đoán của mình. Thí dụ:

Thật không thể tưởng tượng được một em bé sáu tuổi có thể nhảy xuống nước cứu người chị sắp chết đuối.”“Thật không thể tưởng tượng được một vị sư ở Ấn Độ nhịn ăn sáu tháng mà vẫn khỏe mạnh.

Thật không thể tưởng tượng được đội Đức hạ đội Ba Tây 5-1 trong trận chung kết 2014.”

Do đó, hai tiêu đề trên chính ra phải viết như sau:

Danh thủ Barca khiêm tốn mừng chiến thắng mà chính anh cũng không ngờ

Chiến thắng không thể tưởng tượng nổi của đội bóng Chelsea

Tóm lại người viết tiêu đề này hoàn toàn không phân biệt được nghĩa của hai chữ “không tưởng” và “không thể tưởng tượng nổi” nhưng lại cố “sáng chế”, làm ra vẻ rành tiếng Việt lắm nhưng thực tế trái ngược.

-“Cuộc đua xe đạp Xuyên Việt 2014 Cúp Quân Đội diễn ra đầy kịch tính.” Đọc tiêu đề này tôi có cảm tưởng cuộc đua diễn ra một cách tếu và hài hước như trên sân khấu. Nhưng khi đọc kỹ nội dung thì thấy cuộc đua đã diễn ra sôi nổi, nhiều màn bứt phá, bám đuổi với kết quả thật bất ngờ…nhưng đã được ông phóng viên nào đó phang cho một câu “đầy kịch tính” giống như chuyện đùa ở trên sân khấu.

-“Trận bóng đá giữa Than Quảng Ninh và Đồng Tháp diễn ra đầy kịch tính.” Là ngươi mê đá bóng từ nhỏ, tôi thật sự không hiểu một trận đá banh đầy kịch tính là trận đá banh như thế nào? Phải chăng đó là một trận đấu đầy diễu cợt, trình diễn lộ liễu, có pha chút khôi hài, tếu nữa? Chẳng hạn như thủ môn nhào ra bắt bóng nhưng thực tế chỉ là biểu diễn và cố tình để bóng lọt lưới? Hoặc hàng hậu vệ cố tình đốn ngã trái phép một cầu thủ đối phương trong vòng cấm địa dù bóng không có gì nguy hiểm để phải chịu phạt đền… rồi nhe răng cười? Hoặc hàng hậu vệ đứng nhìn không chịu truy cản đối phương để họ dẫn bóng khơi khơi và ghi bàn? Nếu đúng thế thì đây là một trận đấu có sắp xếp trước giống như kiểu bán độ chứ làm gì có “kịch tính”? Do đó tiêu đề đúng đắn nhất nên là, “Trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Tháp giống như được dàn xếp trước.” hoặc: “Quảng Ninh- Đồng Tháp: Một trận cầu hết sức lạ lùng.“ Hiện nay tại Việt Nam bất cứ sự kiện thể thao nào có cái gì là lạ như quá hào hứng, thắng đậm, thua đau, nhiều màn đi bóng hấp dẫn đều được “phang” cho một câu “ đầy kịch tính”. Đúng là một sự “sáng tạo” chữ nghĩa vô cùng bừa bãi. Xin hãy đọc:

Solo và Bolero đêm chung kết 4 đầy kịch tính.

-Đua xe đầy kịch tính theo phong cách ‘Fast &Furious’.

-Hai vụ bắt cóc con tin đầy kịch tính đang diễn ra tại Pháp. (Nếu người Pháp đọc được bản tin này chắc họ sẽ vô cùng phẫn nộ vì đã diễu cợt nỗi đau của họ)

-Giá vàng kịch tính ngay những ngày đầu năm mới. (Tôi thật sự không hiểu giá vàng lên xuống có kịch tính hay không? Giá vàng lên-xuống cũng giống như thị trường chứng khoán, thời tiết – sáng nắng chiều mưa, làm sao tiên đoán được và làm sao có kịch tính? Các cụ ngày xưa nói không sai, “Đã dốt thường hay nói chữ.”

-“Mặt mộc mới nhất của sao Việt.” Thật không thể tưởng tượng nổi là người ta có thể gọi mặt cô gái chưa trang điểm là “mặt mộc”. Đồng ý “gỗ mộc” là gỗ chưa sơn phết gì cả. Nhưng khi ứng dụng cho con người cũng cần phải nên ý nhị. Tại sao lại không thể nói, “Da mặt chưa trang điểm/da mặt tự nhiên của cô A, cô B…”

-“Soi da xấu-đẹp của kiển nữ Hàn khi để mặt mộc.” Ngoài vấn nạn “mặt mộc”, trong nước bây giờ, khi chú ý đến người nào, phân tích , tìm hiểu chuyện gì, đồ vật gì…cũng đều dùng chữ “soi’ hay ‘săm soi’ ”. Chẳng hạn như “Săm soi chuyên cơ của Tổng Thống Obama.” Đây là một loại Việt ngữ thật quái đản. Tại sao không nói, “Thử ngắm nhìn làn da của các kiểu nữ Đại Hàn khi chưa trang điểm.” hoặc, “Tìm hiểu phi cơ riêng của Tổng Thống Obama.” hoặc “Phi cơ riêng của Tổng Thống Obama có gì đặc biệt?” Hai chữ “săm soi” làm người ta liên tưởng tới một người cầm cái que chọc chọc vào đâu đó. Còn chữ “soi” làm chúng ta liên tưởng tới một người cầm chiếc đèn pin chiếu vào mặt người ta.

-“2 bé trai sành điệu ăn mặc cực ngầu gây sốt.” Chữ “ngầu” là tiếng lóng ý chỉ “đẹp,bảnh bao” chỉ nên xử dụng trong lúc nói chuyện thân tình, riêng tư. Còn khi phổ biến trên báo chí là thiếu nghiêm túc.

-“Lác mắt xem người Nhật gói quà đẹp từng chi tiết.” Hai chữ “lác mắt” là ngôn ngữ “hơi thấp”. Một cách đứng đắn và lịch sự, nên viết, “Ngạc nhiên trước nghệ thuật gói quà đẹp, tỉ mỉ của người Nhật.”

-“Phát cuồng siêu xe sang chảnh tựa ngôi nhà di động.” Tôi tự hỏi không biết câu văn này có phải là tiếng Việt hay không? Đây là một tiêu đề quái dị, xử dụng ngôn từ “đường phố” văn bất thành cú.

-“Để sở hữu eo thon.” Tức cười thật! “Để có eo thon” vừa giản dị, vừa thuần tiếng Việt không chịu nói, lại chen vào hai chữ “sở hữu” để chứng tỏ ta đây giỏi chữ Nho. Đúng là lối viết rởm đời. Ngoài ra lại còn “mục sở thị “ nữa chớ! “Chính mắt nhìn/tận mắt nhìn” không chịu nói, lại bắt chước tiếng Tàu lạ hoắc!

-“Công an phát hiện trên xe có một cá thể hổ đã chết.” Trời đất quỷ thần ơi! Một con hổ không chịu nói mà lại nói “một cá thể hổ”. Đúng là loại tiếng Việt điên khùng. Nếu loại tiếng Việt điên khùng này phổ biến rộng rãi thì sẽ có loại ngôn ngữ như sau:

-Mẹ tôi vừa đi chợ mua một cá thể gà.

-Nhà tôi hôm qua mới ăn một cá thể cá.

-Bữa tiệc thật linh đình, có tới cả chục cá thể heo quay.

– “Sân Long An bùng nổ, hơn 10.000 vé bị thổi bay”: Ý của người viết muốn nói, sân vận động Long An như muốn nổ tung. Mười ngàn vé bán hết trong chớp nhoáng. Nhưng khi dùng chữ “bị thổi bay” khiến người đọc có cảm tưởng 10,000 tấm vé bị ai lấy cắp. Chữ “thổi” trong chốn giang hồ là “ăn cắp”, chẳng hạn bọn trộm cắp nói chuyện với nhau, “Tao vừa “thổi” được một chiếc xế hộp” tức “Tao vừa ăn cắp được một chiếc xe đắt tiền.”

-“Top quán lẩu, nướng vỉa hè giới trẻ Hà Nội thích nhất”. Tôi đố các bạn hiểu câu văn chen tiếng Mỹ ” ba rọi”, lủng củng và trình độ rất thấp này. Một cách rõ nghĩa và đứng đắn, tiêu đề nên viết, “Giới trẻ Hà Nôi ưa chuộng lẩu, thịt nướng vỉa hè.”

Món ngon Đà Nẵng tại Hà Nội, quán nào ổn?. Ổn” ở đây là ổn định, xong rồi hay cũng khá ngon? Không ai hiểu nổi câu văn bí hiểm này.

-“Toàn cảnh Sapa tuyết rơi lãng mạn qua ống kính dân phượt”. Tuyết, hoặc phong cảnh không thể “lãng mạn”. Lãng mạn là tình cảm ướt át của trai gái. Nhưng cảnh tuyết rơi có thể “gợi cảm” cho người ngắm, nhiếp ảnh gia…Ngoài ra giọng văn đang có không khí “lãng mạn” nhưng tác giả lại thêm vào chữ “phượt” làm người đọc cụt hứng. Chúng ta có thể góp ý với tác giả với vài câu như sau:

-Tuyết Sapa vô cùng gợi cảm trước ống kinh của lãng tử.

-Tuyết rơi êm đềm trên đỉnh Sapa.

-Tuyết Sapa làm tâm hồn du lịch trở nên lãng mạn.

-“Thay mới vũ khí trên tuần dương hạm hạt nhân Nakhimov”. Thay vì viết,“Thay vũ khí mới trên tuần dương hạm Nakhimov”. Hiện nay, do dịch thuật từ báo chí ngoại quốc, trong nước đã xuất hiện loại tiếng Việt “đổi đời” phá hủy ngôn ngữ truyền thống Việt như: “Nga vừa đóng mới bốn tàu ngầm”, “xây mới mấy căn hộ”. Đúng văn phạm phải viết, “Nga vừa đóng thêm bốn tàu ngầm” và “Vừa xây thêm mấy căn nhà.” Viết như thế đương nhiên người đọc hiểu là đóng thêm tàu chiến mới, xây thêm căn nhà mới rồi. Xin nhớ cho, xây thêm hoặc đóng thêm đương nhiên là nhà mới, tàu mới. Không ai đóng tàu cũ, xây thêm nhà cũ cả. Do đó, thêm chữ “mới” là thừa. Tuy nhiên câu văn dưới đây, chữ “mới” không có nghĩa là “mới hay cũ” mà là “vừa mới”, ý chỉ thời gian. Thí dụ: “Mẹ mới mua cho anh em chúng tôi mấy bộ quần áo.”

-“Ngỡ ngàng với cô gái bán kẹo hát hay hơn ca sĩ,” Ngỡ ngàng là tình cảm rất bất ngờ, không ưng ý, không đúng như dự đoán hay ước vọng của mình. Thí dụ: “Sau 25 năm xa cách, từ Mỹ trở về, tôi thật ngỡ ngàng không nhận ra cô nữ sinh khả ái năm xưa nay trở thành một bà già tiều tụy.” hay, “Tôi thật ngỡ ngàng và xấu hổ khi cô ta tự xưng là á hậu nhưng mở miệng nói ra toàn tiếng lóng và ngôn ngữ thô tục “. (Vì tôi cứ ngỡ rằng cô ta đẹp đẽ như thế thì lời ăn tiếng nói phải lễ độ và lịch sự)

Còn ở đây, thấy một cô gái bán kẹo mà hát hay hơn ca sĩ, chúng ta ngạc nhiên hoặc thích thú- tự hỏi sao có chuyện lạ như vậy chứ chẳng “ngỡ ngàng” gì cả. Xin tác giả bài này đọc thêm các tiểu thuyết giá trị của Việt Nam hoặc kiếm thày/cô dạy Việt Ngữ hỏi, lúc đó sẽ hiểu rõ nghĩa của hai chữ “ngỡ ngàng”.

Ngoài ra, trong nước bây giờ, để kiếm sống, các tờ báo thường xuyên cho đăng những hình ảnh quảng cáo cho các cô người mẫu, hoa hậu với những lời chú thích rất ngây ngô hoặc rẻ tiền như: đẹp hút hồn, đẹp ngỡ ngàng, đẹp khó cưỡng, đẹp gây sốt…Qua văn chương, báo chí, tôi đã từng học, từng biết về những vẻ đẹp như: đẹp mê hồn, đẹp não nùng, đẹp liêu trai, đẹp quyến rũ, đẹp yêu kiều, đẹp lả lơi, đẹp hấp dẫn, đẹp chết người, đẹp như chim sa cá lặn, đẹp như tiên nga giáng thế, đẹp như tiên, đẹp khuynh quốc khuynh thành (sau khôi hài thành đổ nước nghiêng thùng), đẹp như Tây Thi, đẹp kiêu sa, đẹp lộng lẫy, đẹp quý phái, đẹp thiên kiều bá mỵ, đẹp mặn mà, đẹp phúc hậu, đẹp thanh tao, đẹp tự nhiên, đẹp ngây thơ, đẹp mảnh mai, đẹp như búp-bê…nhưng chưa thấy…đẹp hút hồn, đẹp khó cưỡng, đẹp gây sốt, đẹp ngỡ ngàng. Có thể tại Việt Nam bây giờ có những cô gái “đẹp kinh khủng” như thế mà thế giới chưa biết chăng? Bạn nào gặp một cô gái có vẻ đẹp”gây sốt” chắc về nhà phải uống Aspirin hay Tylenol. Còn bạn nào gặp một cô có vẻ “đẹp khó cưỡng” chắc vào tù quá?

Tạm Kết Luận:

Chiến tranh đã qua rồi 40 năm. Đây là thời kỳ xây dựng con người, xây dựng tình cảm và xây dựng đất nước. Xin bỏ lại sau lưng tất cả những ngôn ngữ của thời kỳ chiến tranh. Chiến tranh nặng về tuyên truyền, căm thù, tranh thắng mà ngôn ngữ là khí cụ cho nên ngôn ngữ bị biến dạng. Thời bình không cần những loại ngôn ngữ đó nữa mà cần nhân ái, giản dị, hiền hòa, dễ hiểu, cảm thông, xây dựng. Xin đừng kéo lê những di sản nhức nhối của quá khứ để truyền cho những thế hệ mai sau.

Âm thanh hòa lòng người. Ngày xưa Khổng Tử đi qua nước Trần thấy âm nhạc nước này ủy mị quá ngài than chắc nước này diệt vong quá. Quả nhiên nước Trần sau bị xóa tên trên bản đồ. Âm nhạc, tiếng nói biểu hiện lòng người. Chẳng hạn như tại Iraq, Afghanistan, Ukraina, Yemen, Nigeria, Lybia bây giờ chắc chắn âm thanh sát phạt và nặng mùi tử khí. Âm nhạc kích động biểu hiện một xã hội cuồng loạn dễ đi tới cực đoan, quá khích. Âm nhạc hiền hòa là dấu hiệu của một xã hội êm đềm “Trăm họ âu ca”. Ngôn ngữ hiền hòa, lễ độ thể hiện một xã hội an lành, mọi người thương yêu tin tưởng nhau. Ngôn ngữ tràn đầy tiếng lóng và “đường phố” biểu hiện một xã hội bất ổn, mánh mung.

Ngoài ra, ngôn ngữ còn phản ảnh trình độ giáo dục của con người. Còn văn chương, chữ nghĩa lại phản ảnh trình độ văn học của một quốc gia. Khi một đất nước tiến lên không phải chỉ nhà chọc trời, xa lộ, cầu cống, đập thủy điện, các khu thương xá lộng lẫy, truyền hình, phim ảnh, thi hoa hậu, người mẫu, thời trang, đá bóng, son phấn, ipad, iphone, ăn mặc giống Mỹ là đủ…mà cần cử chỉ, cách đối xử với nhau, với người ngoại quốc và nhất là cách ăn nói sao cho lễ phép, nhã nhặn. Tôi cho rằng muốn có một sự thống nhất về mặt ngôn ngữ cho Việt Nam thì phải làm sao tổng hợp được nét văn chương, ý nhị, bóng bẩy của Miền Bắc với tính giản dị, trong sáng, dễ hiểu của Miền Nam.

Người Miền Bắc do đồng bằng nhỏ hẹp kinh tế khó khăn cho nên trong quá khứ hễ có một tí của thì khoe khoang (*) và thường hay ngoa ngôn, cường điệu và tính tình cay nghiệt. Còn người Miền Nam, do thiên nhiên ưu đãi, ruộng lúa bạt ngàn, cây trái đầy vườn cho nên tính tình cởi mở, hiền hòa, giản dị, chân chất…và không ưa kiểu nói dóc, một tấc lên trời hoặc viết hay nói theo kiểu “khó khăn” nhức đầu nhức óc.

Văn chương và ngôn ngữ là di sản do tổ tiên đề lại, là con cháu chúng ta phải chung lưng xây đắp sao cho mỗi ngày mỗi phong phú và sáng đẹp. Do đó, tôi xin tất cả những người đang cầm bút, đánh máy (trên máy điện tử) để truyền đi những bản tin hay viết một đề mục quảng cáo, bài bình luận hãy hết sức thận trọng.

Muốn viết giỏi, ngoài năng khiếu còn phải đọc sách thêm rất nhiều. Nếu chưa tin vào trình độ Việt Ngữ của mình thì nên ghi danh theo học các lớp văn chương Việt Nam ở các đại học hoặc tham khảo các tác phẩm văn chương lớn như Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, các tác phẩm văn học của Cao Bá Quát, Hàn Thuyên, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bình Khiêm, Ngô Gia Văn Phái… các tiểu thuyết của Thời Tiền Chiến, các cuốn biên khảo về lịch sử, triết học, xã hội học, tôn giáo, luật học…không ngoài mục đích trang bị cho mình thêm kiến thức hầu cống hiến cho độc giả những bài viết, bài bình luận, bản tin vừa hài lòng người đọc vừa làm mẫu mực cho các thế hệ mai sau. Đó chính là gia tài văn hóa quý báu của một quốc gia. Mong lắm thay!

Đào Văn Bình